Ứng dụng AI để phục vụ con người

(HNTTO) – AI (Artificial Intelligence) là viết tắt của trí tuệ nhân tạo, AI còn mô phỏng quá trình suy nghĩ và nhận thức của con người cho máy móc, nhất là hệ thống máy tính. AI là xu hướng của tương lai, tìm hiều về AI và những ứng dụng trong đời sống giúp chúng ta tiếp cận một công nghệ tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi và ngày càng phát triển.
Có thể thấy, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra yêu cầu cấp thiết: Nhiều câu hỏi được quan tâm, làm thế nào để công nghệ không chỉ phục vụ tăng trưởng mà thực sự thúc đẩy sự phát triển con người một cách toàn diện, bền vững và công bằng…
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, pháp luật cho đầu tư, phát triển công nghệ Blockchain (CBT) về chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho thấy tập trung vào chỉ số phát triển con người (HDI), được xây dựng để đo lường thành tựu của các quốc gia dựa trên ba tiêu chí cơ bản: y tế, giáo dục và thu nhập. HDI cũng là lời nhắc mạnh mẽ rằng phát triển kinh tế chỉ có ý nghĩa khi gắn với sự tiến bộ và hạnh phúc của con người.
Theo tìm hiểu từ báo cáo, năm 2024 có chỉ số HDI toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại ở hầu hết các khu vực. AI được xem là lực đẩy mới đầy tiềm năng nhưng cũng đi kèm không ít thách thức. Báo cáo đặt ra loạt câu hỏi quan trọng về công bằng, đạo đức, quản trị và tính toàn diện trong thiết kế, triển khai AI – nhằm bảo đảm công nghệ này phục vụ phúc lợi của tất cả mọi người.
Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – viết tắt là AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science). Là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi, …
Công nghệ AI tạo ra máy móc và hệ thống thông minh thông qua việc sử dụng mô hình máy tính, kỹ thuật và công nghệ liên quan, giúp thực hiện các công việc yêu cầu trí thông minh của con người. Nhìn chung, đây là một ngành học rất rộng, bao gồm các yếu tố tâm lý học, khoa học máy tính và kỹ thuật. Một số ví dụ phổ biến về AI có thể kể đến ô tô tự lái, phần mềm dịch thuật tự động, trợ lý ảo trên điện thoại hay đối thủ ảo khi chơi trò chơi trên điện thoại.
Theo tìm hiểu từ UNDP cho biết, Việt Nam được đánh giá cao nhờ những tiến bộ rõ rệt trong phát triển con người. Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2023 đạt 0,766 – xếp vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao, đứng thứ 93 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến 2023, HDI của Việt Nam tăng 53,5% – từ 0,499 lên 0,766, là bước tiến đáng ghi nhận.
Thế nhưng, khi điều chỉnh theo bất bình đẳng, HDI của Việt Nam giảm còn 0,641, tương ứng mức tổn thất 16,3% – phản ánh khoảng cách đáng kể về cơ hội tiếp cận y tế, giáo dục và thu nhập. Trong đó, mức tổn thất này ngang với trung bình khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Tại báo cáo còn công bố khảo sát toàn cầu cho thấy người dân có cái nhìn thực tế nhưng tích cực về AI. Dù một nửa số người được hỏi lo ngại công việc có thể bị tự động hóa, 60% tin rằng AI sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới. Ở các quốc gia có HDI trung bình và thấp, 70% người dân kỳ vọng AI giúp tăng năng suất và hai phần ba cho biết sẽ sử dụng AI trong giáo dục, y tế hoặc công việc trong vòng một năm tới.
TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị xây dựng nền kinh tế nơi con người hợp tác với AI thay vì cạnh tranh, đồng thời hiện đại hóa hệ thống giáo dục, y tế để bắt kịp yêu cầu mới. Con người cần giữ vai trò chủ động trong toàn bộ vòng đời phát triển AI – từ thiết kế, triển khai đến giám sát. Nhấn mạnh, TS. Hồ Minh Sơn cho biết: “Công nghệ là công cụ, đồng thời cũng là kết quả của phát triển con người. Sự đổi mới công nghệ thể hiện tiềm năng, trí tuệ và khả năng sáng tạo của con người. Tự do, sự tham gia xã hội và cơ hội tiếp cận nguồn lực là điều kiện để công nghệ phát triển vì con người”.
Khuyến nghị thêm, những rủi ro song hành như bất bình đẳng gia tăng, nguy cơ mất việc, vi phạm quyền riêng tư, áp lực chuyển đổi nghề nghiệp, và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, đặc biệt trong bối cảnh thông tin sai lệch lan truyền nhanh chóng trên không gian mạng. Theo đó, cần thúc đẩy nghiên cứu sâu về tác động thực chất của công nghệ, đổi mới sáng tạo và AI đến phát triển con người, không chỉ dừng lại ở chỉ số HDI. Chính sách, cần đặt con người vào trung tâm trong mọi định hướng phát triển khoa học công nghệ – để thành quả công nghệ lan tỏa đến mọi nhóm xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau, TS. Sơn cho biết.
TS. Hồ Minh Sơn chia sẻ, đạo đức AI đang trở thành yếu tố thiết yếu nhằm hạn chế rủi ro và phát huy giá trị tích cực của công nghệ. Nếu được xây dựng và thực thi nghiêm túc, đạo đức AI sẽ không chỉ hỗ trợ tăng thu nhập, giáo dục, tuổi thọ mà còn bảo đảm quyền riêng tư, tự chủ, sáng tạo – những nền tảng của phát triển bền vững và toàn diện. Bên cạnh năng lực sáng tạo và tình yêu thương vốn có của con người, việc xây dựng và thực hiện đạo đức AI sẽ thúc đẩy phát triển con người mạnh mẽ, thực chất, công bằng và bình đẳng hơn.
Ngành y tế: Trí tuệ nhân tạo đã tiến những bước khá dài trong lĩnh vực y tế khi hỗ trợ cải thiện kết quả chẩn đoán, phân tích tình trạng và mã gene bệnh nhân để đưa ra liệu trình cá nhân hóa, đẩy nhanh tốc độ phát triển thuốc, và tăng cường cho các hệ thống chẩn bệnh từ xa.
Trí tuệ nhân tạo cũng được tích hợp vào các thiết bị đeo thông minh và các hệ thống giám sát y tế IoT. Những công nghệ này sẽ liên tục thu thập dữ liệu quý giá liên quan bệnh nhân, như nhịp tim, huyết áp, nồng độ glucose…để các nhân viên y tế có thể kiểm tra và theo dõi các tình trạng bệnh mãn tính hiệu quả hơn.
Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn đóng góp lớn vào cải thiện sức khỏe tâm thần của người bệnh thông qua các hệ thống hỗ trợ cá nhân hóa. Các chatbot và chuyên gia trị liệu ảo, được tạo ra nhờ các thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy, có thể tương tác với người dùng trong các phiên trị liệu, giúp họ giải tỏa các triệu chứng căng thẳng, trầm cảm, và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Dịch vụ khách hàng: Trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, các trợ lý ảo và chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo đã giúp đơn giản hóa và cải thiện quy trình hỗ trợ bằng cách cung cấp câu trả lời tức thì, 24/7, cho mọi truy vấn từ khách hàng. Các hệ thống tổng đài tự động hiển nhiên đạt năng suất cao gấp nhiều lần con người, trong khi trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phân tích cảm xúc khách hàng cho phép các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình trạng của khách hàng, từ đó phản ứng phù hợp hơn.
Các doanh nghiệp còn dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu người tiêu dùng – bao gồm hành vi, sở thích và lịch sử mua sắm – rồi dùng dữ liệu đó để mang lại một trải nghiệm siêu cá nhân hóa. Thuật toán trí tuệ nhân tạo cũng có thể tự động đề xuất sản phẩm, giới thiệu các chương trình khuyến mãi, cũng như đưa ra các nội dung liên quan sản phẩm mà khách hàng quan tâm.
Ngành tài chính: Các tổ chức tài chính hiện đang triển khai trí tuệ nhân tạo để phát hiện lừa đảo, thực hiện giao dịch, chấm điểm tín nhiệm, và đánh giá rủi ro. Các thuật toán học máy có thể xác định các giao dịch nghi vấn trong thời gian thực, trong khi đó các hệ thống giao dịch thuật toán có tốc độ thực thi lệnh cực nhanh và chính xác. Trí tuệ nhân tạo, các tổ chức tài chính có thể đánh giá rủi ro chính xác hơn, từ đó cải thiện các quyết định cho vay và thực hiện các chiến lược đầu tư.
Trí tuệ nhân tạo còn cách mạng hóa lĩnh vực hoạch định tài chính và quản lý tài sản, bằng cách tạo ra đội quân tư vấn viên robot siêu thông minh, chăm sóc được những tệp khách hàng đa dạng, từ các nhà đầu tư mới cho đến các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm thương trường. Các nền tảng trí tuệ nhân tạo sử dụng thuật toán cao cấp để phân tích xu hướng thị trường, đánh khả năng chịu đựng rủi ro khách hàng và đề xuất các hình thức đầu tư cá nhân hóa.
Sản xuất: Các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong sản xuất bao gồm kiểm soát chất lượng, bảo trì dự đoán, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, và robot. Các thuật toán tiên tiến đảm bảo chất lượng bằng cách phát hiện lỗi trong sản phẩm, trong khi bảo trì dự đoán sẽ tối thiểu hóa thời gian ngừng hoạt động của các trang thiết bị. Các công ty có thể tối ưu chuỗi cung ứng, từ đó phân phối tài nguyên hiệu quả hơn. Các cơ sở sản xuất cũng có thể sử dụng robot để tăng năng suất và mức độ chính xác trong các quy trình.
Vận tải: Ô-tô và xe tải tự lái sẽ giảm thiểu sơ suất từ con người và cải thiện độ an toàn trong lưu thông, đồng thời các hệ thống quản lý giao thông thông minh có thể giúp hạn chế tắc nghẽn. Các thuật toán tối ưu hóa tuyến đường sẽ giúp tiết kiệm thời gian và nhiên liệu, trong khi drone có thể phục vụ giao hành nhanh chóng và thân thiện với môi trường. Trí tuệ nhân tạo cũng tăng cường và cải thiện các hệ thống vận tải công cộng bằng cách dự đoán nhu cầu của hành khách và tối ưu hóa lịch trình.
Ứng dụng trong nông nghiệp: Trên đồng ruộng và trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp (AgTech), người nông dân và các nhà khoa học đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát vụ mùa, dự báo thời điểm thu hoạch và diệt trừ sâu bệnh. Các hệ thống nông nghiệp chính xác cao sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp người nông dân đưa ra những quyết định dựa trên dữ liệu thu được để tối ưu hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện khả năng bón phân và giảm rác thải.
Nông dân cũng đang tích cực sử dụng các loại máy móc tự hành – có thể xem chúng như một cuộc cách mạng đối với nông nghiệp truyền thống. Máy cày tự lái – được trang bị các cảm biến tiên tiến, GPS, và hệ thống điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo – có thể thực hiện các tác vụ như cày, xới, gieo hạt, và phun nước/thuốc với độ chính xác và hiệu quả cao.
Bán lẻ: Các công ty bán lẻ hiện đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý kho hàng và tiếp thị nhắm mục tiêu, đồng thời tạo ra các hệ thống đề xuất cá nhân hóa và chăm sóc khách hàng bằng chatbot.
Các nhà bán lẻ cũng tích hợp công nghệ tìm kiếm thị giác vào các cửa hàng trực tuyến để khách hàng tìm sản phẩm bằng cách upload ảnh, thay vì dựa trên các truy vấn từ khóa truyền thống. Các loại engine tìm kiếm thị giác bằng trí tuệ nhân tạo này có thể phân tích các đặc điểm của ảnh được upload và cung cấp một danh sách các sản phẩm tương tự để khách hàng ra quyết định mua sắm.
Giáo dục: Trong lớp học, hệ thống học thích ứng sẽ sắp xếp nội dung học tập phù hợp với nhu cầu của từng sinh viên, trong khi thuật toán phát hiện “đạo văn” sẽ đảm bảo tính công bằng và trung thực trong các kỳ thi. Giáo viên thậm chí có thể sử dụng các hệ thống phân tích dữ liệu để dự báo hiệu suất học tập của sinh viên, từ đó can thiệp sớm nếu phát hiện vấn đề.
Trí tuệ nhân tạo cũng đóng một vai trò đáng kể trong việc phổ cập giáo dục, đặc biệt đối với những khu vực vùng sâu vùng xa. Các công cụ dịch thuật trí tuệ nhân tạo và phiên dịch thời gian thực sẽ xóa bỏ mọi rào cản ngôn ngữ, cho phép sinh viên toàn cầu tiếp cận nội dung giáo dục từ bất cứ đâu trên thế giới. Bên cạnh đó, các gia sư ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo có thể cung cấp dịch vụ dạy kèm 1 – 1, bổ trợ kiến thức cho sinh viên ngoài giờ học chính, và đảm bảo đưa các chương trình giáo dục chất lượng đến một lượng lớn học viên hơn nữa.
Theo TS. Hồ Minh Sơn cho biết một công ty khởi nghiệp ứng dụng AI hỗ trợ khách hàng của các doanh nghiệp, thì hiện chưa có một hệ sinh thái phát triển AI vững chắc và các chính sách hỗ trợ phù hợp. So với một số quốc gia khác trong khu vực châu Á, mức độ ứng dụng AI vẫn trong giai đoạn khởi đầu. Các quốc gia trên thế giới: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển AI trong nhiều năm qua. Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược quốc gia về AI và tạo ra một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực ứng dụng AI như xe tự hành, robot và các ứng dụng trong y tế và công nghiệp…
Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội lớn để có thể phát triển trí tuệ nhân tạo khi được Chính phủ quan tâm và có những chính sách hỗ trợ đầu tư và phát triển. Việt Nam có nền tảng công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, với hàng loạt các công ty khởi nghiệp công nghệ đang nổi lên, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Việt Nam có dân số trẻ, nguồn lao động chất lượng cao dồi dào và quan tâm đến việc học tập và làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Các trường đại học hàng đầu Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM đều đã có những ngành đào tạo chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo. Đây là điều kiện rất thuận lợi để chúng ta có đủ nguồn lực tương lai trong việc phát triển AI sâu rộng trong các ngành công nghiệp và nhiều lĩnh vực.
(Bài xuất bản số T6, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)
ThS. Mai Thanh Hải