Thù lao, chi phí phát sinh của luật sư như thế nào khi giúp khách hàng đòi được quyền lợi?

(HNTTO) – Có thể thấy, hiện không có quy định chung về khung, mức chuẩn thù lao của luật sư; ngoại trừ thù lao của luật sư trong vụ án hình sự do Chính phủ quy định. Sau khi theo dõi hội thảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VN) mục đích góp ý cho cuốn giải thích bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN, dự kiến ban hành trong năm 2025.
Qua đó, tại quy tắc 8 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN có quy định: Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Căn cứ tính thù lao của luật sư gồm: nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; kinh nghiệm, uy tín của luật sư, thời gian, công sức của luật sư để thực hiện vụ việc. Đối với vụ án hình sự thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định.
Không có quy định chung về khung, mức chuẩn thù lao của luật sư (ngoài thù lao cho vụ án hình sự). Nội dung, tính chất của mỗi vụ việc cũng khác nhau, cho nên về cơ bản thù lao là theo sự thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng.
Thế nhưng, nhằm giúp khách hàng có hiểu biết, thông tin nhất định trước khi đưa ra quyết định (về việc sử dụng dịch vụ pháp lý, về việc lựa chọn luật sư để thực hiện vụ việc…), luật sư cần có giải thích về thù lao khi chuẩn bị tiếp nhận vụ việc. Mức độ chi tiết trong giải thích của luật sư cần tương xứng với tính chất đơn giản hay phức tạp của nội dung vụ việc khách hàng yêu cầu và phương thức tính thù lao được luật sư đề xuất, mức độ hiểu biết của khách hàng về dịch vụ pháp lý (doanh nghiệp lớn có bộ phận pháp lý nội bộ khác hay cá nhân không thường xuyên sử dụng dịch vụ pháp lý), tính chất mối quan hệ luật sư – khách hàng (khách hàng mới hay khách hàng đã thường xuyên sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư).
Quy tắc, yêu cầu thông báo rõ ràng cho khách hàng về thù lao, chi phí nhằm minh bạch hóa những nội dung này để đảm bảo lợi ích của khách hàng và của cả luật sư, tránh phát sinh bất đồng, tranh chấp trong quá trình thực hiện vụ việc.
Cạnh đó, việc thông báo để thỏa thuận về thù lao với khách hàng về nguyên tắc cần được thực hiện trước khi luật sư bắt đầu thực hiện dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên, trong những trường hợp cấp bách để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, luật sư có thể bắt đầu thực hiện công việc trước, nhưng sau đó phải thông báo, thỏa thuận thù lao với khách hàng ngay khi có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với khách hàng về thù lao. Việc luật sư ưu tiên giải quyết quyền lợi của khách hàng trong trường hợp này không bị xem là vi phạm nghĩa vụ đạo đức về thù lao, với điều kiện luật sư không được lợi dụng việc đã bắt đầu thực hiện công việc khi chưa có thỏa thuận thù lao để yêu sách buộc khách hàng phải tiếp tục sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư hoặc chấp nhận mức thù lao luật sư đưa ra sau đó.
Thù lao do luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý trong tổ chức hành nghề luật sư nên thù lao (thường được gọi là “phí dịch vụ pháp lý”, “phí luật sư”) là khoản doanh thu được trả cho tổ chức hành nghề luật sư. Đây cũng là khoản tiền trả cho thời gian, công sức của luật sư và những nhân sự khác làm việc trong tổ chức hành nghề luật sư để thực hiện dịch vụ pháp lý. Với tính chất là doanh thu nên trong trong cơ cấu của thù lao đã bao gồm các khoản như: các chi phí phát sinh để duy trì hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư (tiền lương, tiền công nhân sự, tiền thuê văn phòng, chi phí khấu hao tài sản…), thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập (lợi tức) của tổ chức hành nghề luật sư…
Bên cạnh thù lao, khách hàng còn trả cho luật sư các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện dịch vụ pháp lý. “Chi phí” là số tiền được trả cho dịch vụ, hàng hóa của bên thứ ba, các khoản phải nộp cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc của khách hàng.
Nguyên tắc, các khoản chi phí phát sinh về phía luật sư như: chi phí đi lại, lưu trú của luật sư; chi phí in sao, chuyển phát, dịch thuật, công chứng tài liệu …do luật sư chi trả và được khách hàng hoàn trả theo chi phí thực tế, trừ khi có thỏa thuận việc khoán chi phí. Đôi khi luật sư còn chi trả hộ khách hàng các khoản chi phí phát sinh về phía khách hàng như lệ phí, án phí, phí trọng tài,… nếu có thỏa thuận về việc chỉ trả hộ.
Trong đó, nội dung thông báo cần rõ ràng với khách hàng để thỏa thuận về thù lao bao gồm nội dung công việc dịch vụ pháp lý gắn với thù lao, phương thức và mức thù lao, thời hạn và điều kiện thanh toán thù lao, các khoản chi phí mà khách hàng phải trả cho luật sư ngoài thù lao, các thông tin cần thiết khác cho việc tính thù lao, trường hợp hoàn trả tạm ứng thù lao (nếu có).
Luật sư cần thông báo rõ ràng để thỏa thuận về những chi phí phát sinh về phía luật sư không bao gồm trong thù lao, để được khách hàng hoàn trả. Mặt khác, dù không thuộc nội dung thỏa thuận giữa luật sư với khách hàng, luật sư cũng cần thông tin, giải thích cho khách hàng biết về các loại chi phí có thể phát sinh về phía khách hàng liên quan đến vụ việc. Điển hình, án phí, phí trọng tài, phí giám định, lệ phí để khách hàng có thông tin ước tính tổng chi phí sẽ phát sinh khi quyết định thực hiện vụ việc và sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư.
Trong trường hợp luật sư không thực hiện nghĩa vụ giải thích, thông báo rõ ràng cho khách hàng về thù lao, chi phí và hợp đồng dịch vụ pháp lý do luật sư soạn thảo có nội dung về thù lao, chi phí không rõ ràng thì nội dung đó có thể được giải thích theo hướng có lợi cho khách hàng, theo quy định sẽ giải thích hợp đồng trong pháp luật về hợp đồng.
Vì vậy, luật sư cần thực hiện tốt yêu cầu giải thích và thông báo rõ ràng cho khách hàng về thù lao, cũng như thể hiện đầy đủ, rõ ràng nội dung thỏa thuận về thù lao, chi phí trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Căn cứ vào Điều 55 và 56 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2012). Trong đó, mức thù lao dịch vụ pháp lý của luật sư hoàn toàn theo nguyên tắc tự do thỏa thuận giữa tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng, ngoại trừ thù lao luật sư khi tham gia vụ án hình sự thì phải chịu giới hạn mức trần thù lao do Chính phủ quy định.
Tại Điều 18 Nghị định 123/2013 (hướng dẫn Luật Luật sư). Theo đó, mức trần thù lao khi luật sư tham gia vụ án hình sự do tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng thỏa thuận và ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhưng 1 giờ làm việc không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Thực tiễn cho thấy, các tòa không thừa nhận chi phí luật sư là một khoản thiệt hại, mặc dù đây là chi phí thực tế, chi phí có thật. Còn phán quyết trọng tài thì đã có một số tiền lệ là chi phí luật sư được Hội đồng trọng tài thương mại công nhận một phần. Các tòa hiện bắt đầu thừa nhận một phần thù lao, chi phí luật sư là thiệt hại để tính vào giá trị thiệt hại chung, đã là một dấu hiệu tốt. Nhưng yêu cầu tòa công nhận toàn bộ thù lao, chi phí luật sư để tính vào giá trị thiệt hại thì đây là vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, cần nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật. Khung pháp lý hiện về bồi thường thiệt hại chưa đủ giải quyết tất cả các vấn đề của đời sống, trong đó có vấn đề chi phí luật sư.
Khuyến nghị rằng, cần chú ý để hiểu cho đúng “giờ làm việc của luật sư”. Bởi, hầu hết thời gian luật sư dành ra cho công việc của khách hàng, bao gồm cả thời gian tự nghiên cứu, tư duy, tra cứu tài liệu,văn bản pháp luật, tìm kiếm thông tin vụ việc…nhằm phục vụ cho công việc tham gia tố tụng, chứ không phải chỉ hiểu máy móc là thời gian luật sư đi lại, làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng. Thù lao luật sư theo Luật Luật sư là các vấn đề thuộc lĩnh vực dịch vụ pháp lý. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại do oan sai, trong đó có phần liệt kê thiệt hại do phải bỏ chi phí cho dịch vụ luật sư là 2 vấn đề khác nhau.
Việc tòa không công nhận toàn bộ chi phí luật sư là thiệt hại hoàn toàn không đồng nghĩa với việc tòa phủ nhận tính hợp pháp đối với quan hệ dịch vụ pháp lý giữa khách hàng với tổ chức hành nghề luật sư. Tòa không đi vào giải quyết yếu tố đúng hay sai, công nhận hay không công nhận thù lao trong quan hệ dịch vụ pháp lý giữa luật sư với khách hàng, mà tòa tính toán để công nhận các hạng mục thiệt hại, mức thiệt hại mà người bị oan được bồi thường.
Căn cứ theo Điều 570 Bộ luật Dân sự 2015, hứa thưởng có thể hiểu là cam kết của một bên sẽ thực hiện nghĩa vụ trả thưởng nếu một bên khác đã thực hiện được những điều kiện do bên hứa thưởng đã đưa ra (lưu ý rằng những điều kiện này sẽ không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội).
Câu hỏi đặt ra ở đây được nhiều ngừoi dân quan tâm: Hứa thưởng có vi phạm?
Trong trường hợp luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý nhưng lại xác lập, thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng khác thay cho hợp đồng dịch vụ pháp lý, thay thế thù lao dịch vụ pháp lý bằng một khoản thanh toán khác thì có thể bị xác định là không phù hợp với quy định về thù lao.
Ví dụ 1: Luật sư và khách hàng ký hợp đồng hoặc thỏa thuận hứa thưởng (không thuộc hợp đồng dịch vụ pháp lý); theo đó khách hàng trả cho luật sư một khoản tiền thưởng hoặc một phần tài sản khi luật sư giúp khách hàng kiện đòi được quyền lợi, tài sản cho khách hàng.
Ví dụ 2: Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý nhưng không có hợp đồng dịch vụ pháp lý (hoặc tuy có hợp đồng nhưng chỉ thỏa thuận một phần thù lao) và yêu cầu khách hàng ký thỏa thuận vay nhận nợ với luật sư một khoản tiền mà theo đó khách hàng phải trả nợ cho luật sư khi luật sư thực hiện được kết quả công việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Theo hai vụ dụ này, hành vi của luật sư là không phù hợp với quy định pháp luật cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong việc minh bạch hóa thù lao, làm sai lệch bản chất thù lao dịch vụ pháp lý, ảnh hưởng đến việc xác định quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư và khách hàng trong quan hệ dịch vụ pháp lý dẫn đến những hệ lụy, khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh với khách hàng.
Có thể nhận diện hứa thưởng bằng một số đặc điểm như: Hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương của một bên chủ thể. Chủ thể này chính là bên đưa ra điều kiện trả thưởng, điều kiện này phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ như việc tìm kiếm một tài sản, hoàn thành một công việc nào đó,…; Vì bản chất hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương nên khi tham gia vào quan hệ hứa thưởng thì các bên không bị bó buộc bởi một sự cam kết thỏa thuận song phương; Tính công khai trong quan hệ hứa thưởng.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của bên nhận thưởng, tránh xảy ra các tranh chấp phát sinh liên quan thì việc hứa thưởng có thể được lập thành văn bản dưới dạng hợp đồng hứa thưởng. Hợp đồng hứa thưởng sẽ ghi lại sự thỏa thuận của các bên về việc bên hứa thưởng sẽ trả thưởng cho bên thực hiện, hoàn thành được công việc theo yêu cầu mà mình đã đưa ra bằng tài sản hoặc lợi ích nhất định nào đó.
Nhiều độc giả cũng quan tâm đến việc: Liệu luật sư có được nhận hứa thưởng từ khách hàng hay không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012) có quy định về các hành bị bị nghiêm cấm đối với luật sư, trong đó có hành vi sau đây: Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật;Theo đó, luật sư chỉ được nhận khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Không được phép hứa hẹn, lợi dụng kết quả vụ việc để nhận, đòi hỏi hay thỏa thuận thêm bất kỳ khoản tiền, lợi ích nào khác. Bởi lẽ nghề Luật sư là một nghề nghiệp cao quý, hoạt động Luật sư không chỉ hướng đến kết quả, lợi ích vật chất cho khách hàng hay luật sư mà hơn hết còn hướng đến việc góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế – xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhiều độc giả nêu câu hỏi: Hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ theo Điều 26 Luật Luật sư 2006, khi sử dụng dịch vụ pháp lý, khách hàng và luật sư sẽ ký kết hợp đồng. Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có những nội dung chính sau đây: Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; Nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có); Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về mẫu hợp đồng dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên 1 hợp đồng dịch vụ pháp lý cần đảm bảo có đủ các nội dung chính tại Điều 26 Luật Luật sư 2006.
Tại điểm a khoản 4 Điều 42 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam kèm theo Quyết định 856/QĐ-TTg năm 2019 quy định: Luật sư thuộc một trong các trường hợp sau thì bị Đoàn Luật sư xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư theo thủ tục quy định tại khoản 5 Điều này: Vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;…
Tại Điều 31 Quyết định 50/QĐ-HĐLSTQ năm 2023 của Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật quy định: Hình thức kỷ luật “xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư” được áp dụng khi luật sư vi phạm kỷ luật thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;
Vi phạm nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam là vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau: Thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;
Theo quy định của pháp luật, các khoản thù lao, chi phí Luật sư được thỏa thuận thống nhất và thực hiện thông qua Tổ chức hành nghề Luật sư với khách hàng và phải thể hiện rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Pháp luật cấm Luật sư có hành vi sách nhiễu, đòi hỏi thêm tiền của khách hàng ngoài hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Tại Điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 có quy định nghiêm cấm Luật sư có hành vi: “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định cấm Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng trong đó có quy định cấm đòi hỏi thêm tiền, lợi ích vật chất ngoài hợp đồng. Cụ thể, Quy tắc 9 Bộ Quy tắc nêu rõ những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng như sau: Nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái với thỏa thuận giữa Luật sư và khách hang; Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho Luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của Luật sư”.
Trong trường hợp này, khách hàng cần lưu ý, các khoản tiền thù lao Luật sư, khách hàng có thể thỏa thuận với Luật sư nhưng khi ký và nộp tiền phải nộp qua Tổ chức hành nghề Luật sư và phải phù hợp nội dung hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng nếu có. Luật sư có thể thỏa thuận với khách hàng về thù lao Luật sư nhưng phải là đại diện cho tổ chức. Khách hàng không cùng lúc phải trả 02 khoản tiền là khoản trả Văn phòng và khoản trả cho Luật sư.
Khách hàng không phải trả tiền thêm cho Luật sư ngoài khoản tiền theo hợp đồng. Hợp đồng dịch vụ pháp lý về bản chất là hợp đồng dịch vụ, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Do vậy, hợp đồng dịch vụ pháp lý là sự thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch vụ pháp lý (ở đây là luật sư) và bên sử dụng dịch vụ (khách hàng), theo đó bên cung ứng dịch vụ pháp lý thực hiện công việc theo yêu cầu, còn bên sử dụng dịch vụ phải thanh toán tiền dịch vụ (thù lao) tương ứng với công việc mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Nếu hợp đồng dịch vụ pháp lý dự phòng trước tính chất phức tạp của vụ việc được yêu cầu giải quyết và quy định Luật sư có quyền yêu cầu khách hàng trả thêm do tính chất vụ việc, Luật sư giải thích rõ về quyền này và nội dung hợp đồng dịch vụ pháp lý thì việc Luật sư yêu cầu bạn trả thêm 40.000.000 đồng là không vi phạm hợp đồng, không vi phạm điều cấm của luật. Trong trường hợp khách hàng không đồng ý với yêu cầu của Luật sư, bạn hoàn toàn có thể thương lượng lại với Luật sư hoặc lựa chọn một hình thức xử lý khác (Ví dụ: Chấm dứt hợp đồng,..).
Trong trường hợp hợp đồng quy định mức phí 70.000.000 đồng là mức phí duy nhất. Luật sư không được phép đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý thì việc Luật sư yêu cầu bạn trả thêm 40.000.000 đồng được coi là hành vi vi phạm pháp luật Luật sư và vi phạm đạo đức nghề nghiệp Luật sư và có thể bị xử lý theo quy định.
Một số việc luật sư không được làm với khách hàng
Có quy tắc 9 quy định những việc luật sư không được làm với khách hàng, trong đó quy tắc 9.2 quy định cấm luật sư gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư. Theo Cuốn giải thích, quy tắc này cấm luật sư có những hành vi vòi vĩnh, sách nhiễu như gợi ý, đặt điều kiện để trục lợi từ khách hàng dưới hình thức luật sư, người thân của luật sư nhận tặng cho tài sản, lợi ích khác từ khách hàng.
“Gợi ý” có thể được hiểu là dùng lời lẽ hoặc hành động ám chỉ để khách hàng hiểu rằng cần phải tặng cho tài sản, lợi ích khác cho luật sư, người thân của luật sư. “Đặt điều kiện” là việc luật sư đưa ra cho khách hàng những điều kiện ví dụ tặng cho tài sản, lợi ích khác cho luật sư, người thân của luật sư, đổi lại khách hàng được luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý nhanh hơn, đạt kết quả tốt hơn… khiến khách hàng khó lòng từ chối. “Lợi ích khác” có thể là bất kỳ lợi ích nào có thể quy đổi thành giá trị vật chất, hoặc những lợi ích phi vật chất như việc làm, chức vụ, quan hệ tình cảm…
Nếu luật sư gợi ý, đặt điều kiện để được tặng cho tài sản, lợi ích khác từ khách hàng mà có gắn với công việc, dịch vụ pháp lý thì có thể cấu thành vi phạm tại điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư hoặc quy định về thỏa thuận thù lao, về ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý theo Luật Luật sư, theo bộ quy tắc.
Mặt khác, quy tắc 9.2 còn yêu cầu luật sư không được “gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho…”; kể cả khi việc “gợi ý, đặt điều kiện” đó không gắn với công việc, dịch vụ pháp lý của luật sư.
Mối quan hệ luật sư – khách hàng hình thành, phát triển dựa trên lòng tin của khách hàng đối với luật sư nên ít nhiều luật sư có ưu thế, ảnh hưởng đối với khách hàng. Hoàn toàn có khả năng khách hàng vì cả nể hoặc vì áp lực từ tác động của luật sư đang giải quyết công việc của mình mà tặng cho tài sản, lợi ích khác cho luật sư, người thân của luật sư.
Cùng với đó, quy tắc 9.2 nhằm ngăn ngừa luật sư lạm dụng vị thế, ảnh hưởng của mình trong mối quan hệ luật sư – khách hàng để hưởng lợi không chính đáng. Quy tắc 9.2 thể hiện sự xung đột về lợi ích trong quan hệ luật sư – khách hàng, đó là xung đột giữa một bên là bổn phận, nghĩa vụ của luật sư với khách hàng, còn bên kia là quyền lợi của luật sư (bao gồm người thân của luật sư). Tất nhiên, quy tắc 9.2 không được đặt ra để cấm đoán các hình thức quà tặng từ khách hàng có tính chất xã giao, truyền thống thông thường (ví dụ quà tặng trong các dịp lễ, Tết…), nhưng luật sư cần thận trọng, tránh việc gợi ý, đặt điều kiện để không ảnh hưởng đến uy tín của luật sư, nghề luật sư.
Các hành vi luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp
Cuốn dự thảo giải thích có nội dung giải thích chi tiết các quy tắc hành nghề, định hướng hành xử chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng hành nghề và uy tín của giới luật sư, là tài liệu để xã hội hiểu rõ hơn về trách nhiệm và giới hạn đạo đức của luật sư…Cuốn giải thích này sau khi được ban hành sẽ có giá trị tham khảo và hướng dẫn chính thức cho giới luật sư, là tài liệu tham chiếu quan trọng trong việc giảng dạy, đào tạo và đặc biệt là khi xảy ra tranh luận về việc hiểu và áp dụng các chuẩn mực nghề nghiệp.
Nhiều độc giả quan tâm đến việc luật sư thông đồng với luật sư đồng nghiệp để mưu cầu lợi ích, như thế nào?
“Thông đồng, đưa ra đề nghị” với luật sư của khách hàng bên đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân mà khách hàng của chính luật sư không biết là ứng xử biểu hiện sự phản bội quyền lợi khách hàng của mình.
Vẫn có trường hợp, luật sư thực hiện hành vi này không phải là phản bội quyền lợi đối với khách hàng của mình, nhưng vì có biểu hiện hưởng lợi không chính đáng, xâm hại quyền lợi hợp pháp của khách hàng bên đối lập trong các trường hợp nêu trên. Những hành vi của luật sư khi hành nghề mà thông đồng với bên đối lập đều vi phạm về đạo đức nghề nghiệp luật sư.
“Thông đồng” được hiểu là có sự đồng ý của luật sư bên đối lập. Tuy nhiên, quy tắc này đặt ra trách nhiệm đạo đức cho mỗi luật sư là không được “đưa ra đề nghị” với luật sư bên đối lập để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân. Khi luật sư đưa ra lời đề nghị với luật sư bên đối lập, cho dù luật sư phía bên kia không đồng ý thì luật sư vẫn bị coi là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Theo Quy tắc 21 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN, có 8 nhóm hành vi luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp.
Cụ thể: Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp; Thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân; Tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc khi biết khách hàng đó có luật sư mà không thông báo cho luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hoặc luật sư đại diện cho khách hàng đó biết; Thuê, trả tiền môi giới khách hàng hoặc môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng; Thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng. Cụ thể, so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư này với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác; xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo luật sư đồng nghiệp; trực tiếp hoặc sử dụng các nhân viên của mình hoặc người khác làm người lôi kéo, dụ dỗ khách hàng trước trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác; Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với luật sư như quan hệ thầy – trò, cấp trên – cấp dưới, huyết thống, thân thuộc; Có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề; Thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Theo cuốn giải thích, Quy tắc 21 mang tính cấm đoán, trong đó liệt kê 8 nhóm hành vi mà luật sư không được làm trong quan hệ với luật sư đồng nghiệp. Sự cấm đoán này nhằm mục đích bảo vệ các giá trị, phẩm chất tốt đẹp của cá nhân luật sư, nghề nghiệp luật sư. Đồng thời, các quy tắc này còn nhằm phòng ngừa, bảo vệ luật sư trước những hành vi thiếu chuẩn mực của luật sư khác trong nội bộ tổ chức luật sư. Các nội dung quy tắc không chỉ là yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp đối với các luật sư mà còn là thông điệp thể hiện sự minh bạch của nghề luật sư trước xã hội, để xã hội hiểu được nghề luật sư là một nghề có yêu cầu rất cao về chuẩn mực ứng xử trong quan hệ đồng nghiệp.
Đối với nhóm hành vi có lời nói, hành vi vu khống…thì vu khống là hành vi bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi vu khống là hành vi vi phạm pháp luật, cộng đồng xã hội lên án, bị cơ quan pháp luật xử lý. Luật sư là người am hiểu pháp luật nên việc vu khống, xúc phạm đồng nghiệp là hành vi không thể chấp nhận. Do vậy, quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư đặt ra quy phạm cấm đoán đối với hành vi này.
Trong mọi trường hợp, việc một luật sư “gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp” bằng lời nói, bằng bất kỳ hành vi, thủ đoạn nào nhằm chi phối, khống chế luật sư đồng nghiệp khác cũng là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Nhiều độc giả cho rằng có hay không sự so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư?
Việc luật sư so sánh năng lực nghề nghiệp, cho rằng mình giỏi hơn, kinh nghiệm hơn, có thâm niên nghề lâu năm hơn luật sư khác để khách hàng hoang mang, dao động tâm lý mà chọn lựa luật sư là hành vi không tôn trọng đồng nghiệp.
Song song đó, việc luật sư mang sự thuận lợi, phát triển tại vùng miền nơi luật sư, tổ chức hành nghề luật sư của mình đang hoạt động để so sánh với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác nơi vùng kinh tế kém phát triển, nơi hoạt động luật sư còn gặp nhiều khó khăn để chê bai luật sư khác và tự đề cao bản thân mình là hành vi vi phạm đạo đức sống nói chung và đạo đức nghề nghiệp luật sư nói riêng.
Các hành vi này vi phạm Quy tắc 17 (tình đồng nghiệp của luật sư), Quy tắc 19 (cạnh tranh nghề nghiệp) và quy tắc 21.5.1 (so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư này với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác).
Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam (TC DN&TTVN) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức tuyên truyền trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho người dân, độc giả và doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp vào sáng ngày 07/05/2025 tại số 412/2, đường Huỳnh Tấn Phát, Khu phố 1, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM.
Tại buổi tuyên truyền và phổ biến pháp luật, người dân, độc giả, doanh nghiệp còn được các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật trực tiếp tư vấn, giải đáp, tháo gỡ các vấn đề pháp lý liên quan đến việc cho, tặng, thừa kế tài sản; thủ tục giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất mà người dân gặp phải trong cuộc sống. Qua đó, hỗ trợ họ nâng cao kiến thức pháp luật, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tại buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, người dân, độc giả và doanh nghiệp được nghe các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật phổ biến những quy định mới của pháp luật nhằm lan toả trong cộng đồng đảm bảo mọi người dân hiểu thấu đáo pháp luật để giảm bớt những khiếu kiện về sau…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), TS. Hồ Minh Sơn – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)