Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Bố mẹ di chúc cho đất, anh em trong gia đình phản đối, phải làm sao – Bị tẩy xóa, di chúc có hợp pháp không?

(HNTTO) – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam (TC DN&TTVN) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức tuyên truyền trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho người dân, độc giả và doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp vào sáng ngày 07/05/2025 tại số 412/2, đường Huỳnh Tấn Phát, Khu phố 1, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM.
Có thể thấy, tranh chấp đất đai hiện là dạng tranh chấp quyết liệt, dai dẳng và chiếm tỷ lệ cao mà hàng năm cơ quan nhà nước thẩm quyền, các tổ chức hành nghề luật sư thường xuyên thụ lý giải quyết. Theo đó, khái niệm về tranh chấp đất đại được quy định tại Luật đất đai hiện hành cụ thể như sau: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đất đai hoặc dễ hiểu hơn, đây là nội dung tranh chấp: ai là người có quyền sử dụng đất.
Tại buổi tuyên truyền và phổ biến pháp luật, người dân, độc giả, doanh nghiệp còn được các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật trực tiếp tư vấn, giải đáp, tháo gỡ các vấn đề pháp lý liên quan đến việc cho, tặng, thừa kế tài sản; thủ tục giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất mà người dân gặp phải trong cuộc sống. Qua đó, hỗ trợ họ nâng cao kiến thức pháp luật, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tại buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, người dân, độc giả và doanh nghiệp được phổ biến những quy định mới của Luật Đất đai, quy hoạch, cấp phép xây dựng, xử lý vi phạm hành chính về sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép. Xin trích dẫn hai trường hợp điển hình dưới đây cụ thể:
Trường hợp thứ nhất: Bố mẹ di chúc cho đất nhưng bị anh em trong gia đình phản đối, phải làm sao?
Độc giả tại quận 7, TP.HCM nêu câu hỏi: Bố mẹ lập công chứng di chúc cho tôi mảnh đất, giờ tôi muốn sang tên sổ đỏ theo di chúc thì em gái phản đối cho rằng di chúc vô hiệu; Giờ tôi phải làm như thế nào?
Văn hóa người Việt Nam cũng dần quen với việc lập di chúc định đoạt tài sản, đây cũng là một giải pháp phòng ngừa rủi ro, mâu thuẫn, tranh chấp, để cho gia đình trong ấm, ngoài êm, các con thực hiện đúng di nguyện của bố mẹ để lại. Nếu gia đình hòa thuận, thì chỉ cần tiếng nói, ý chí của bố mẹ, anh chị em nhường nhịn nhau thì mọi chuyện cũng có thể giải quyết, hóa giải một cách dễ dàng.
Căn cứ theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 một bản di chúc hợp pháp cần đáp ứng được các điều kiện sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Do đó, di chúc thể hiện quyền định đoạt tài sản thừa kế của người để lại di sản thừa kế thuộc quyền sở hữu của mình cho những người khác người thừ kế theo di chúc được chỉ định theo ý chí của người để lại di sản trong di chúc. Việc thừa kế theo di chúc là dịch chuyển di sản thừa kế của một người đã chết cho các người khác theo sự định đoạt của người đó khi còn sống. Ba mẹ của độc giả đã lập di chúc công chứng, về nội dung, hình thức đã tuân theo pháp luật nếu không có tranh chấp thì quý độc giả có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Mặc dù vậy, ở trường hợp này, cô em gái quý độc giả không đồng ý việc được thừa hưởng di sản theo di chúc mà bố mẹ quý độc giả để lại. Căn cứ theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định về quyền khởi kiện của các bên liên quan trong trường hợp có tranh chấp về di chúc hoặc muốn yêu cầu tòa án xác nhận di chúc hợp pháp.
Qua đó, trường hợp này quý độc giả có thể khởi kiện ra Tòa để công nhận toàn bộ nội dung bản di chúc bố mẹ để lại. Khi đó, bản di chúc sẽ là căn cứ để Tòa giải quyết tranh chấp giữa độc giả và em gái hay những đồng thừa kế theo pháp luật khác. Sau khi Tòa án ra quyết định công nhận việc thừa kế theo di chúc thì quý độc giả có thể dùng chính bản án để làm tục kê khai cấp sổ đỏ theo quy định mà không ai có quyền phản đối nữa.
Trường hợp thứ hai: Di chúc bị tẩy xóa có hợp pháp không?
Độc giả tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM nêu câu hỏi: Ba tôi lập di chúc định đoạt đất đai của gia đình, nhưng tôi phát hiện ra di chúc của ba tôi bị tẩy xóa, nội dung bị thay đổi, vậy nếu khởi kiện ra Tòa án thì di chúc này có hợp pháp không? Tài sản là nhà đất sẽ được chia như thế nào?
Căn cứ vào Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, di chúc bị tẩy xóa nội dung có thể khiến di chúc bị hủy bỏ do không hợp pháp nên cần phải xác định việc tẩy xóa di chúc ở hai trường hợp. Nếu do người khác tẩy xóa, thay đổi nổi dung thì di chúc sẽ bị tuyên vô hiệu, không có giá trị chứng minh.
Căn cứ vào khoản 3 Điều 631 Bộ luật Dân sự quy định nội dung của di chúc thì di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trong trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa. Nhưvậy, nếu di chúc do người viết di chúc tự ý thay đổi, tẩy xóa vẫn được xem là hợp pháp khi người tự viết di chúc hoặc người làm chứng phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, thay đổi.
Tuy nhiên, nếu nội dung bị tẩy xóa, thay đổi không được người lập di chúc, người làm chứng ký xác nhận thì trường hợp này di chúc không hợp pháp vì đã vi phạm điều cấm về nội dung di chúc. Trường hợp di chúc để lại không hợp pháp thì di sản thừa kế sẽ được chia theo thỏa thuận phân chia di sản của những người có quyền thừa kế hoặc các bạn có thể yêu cầu tòa án chia thừa kế theo pháp luật. Di sản thừa kế sẽ được chia cho hàng thừa kế thứ nhất và có tính đến các yếu tố như công sức tôn tạo, thờ cúng, kỷ phần bắt buộc, nghĩa vụ thanh toán của người để lại di sản. Nếu các bên thỏa thuận được thì công nhận sự thỏa thuận của đương sự, nếu không thỏa thuận được thì chia theo pháp luật.
PCVP Viện IRLIE, CTVTVPL Hồ Vĩnh Chung – CVP Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm