Bước tiến quan trọng về chính sách hình sự với hình phạt ‘tù chung thân không xét giảm án’ và yếu tố pháp lý liên quan hành vi che giấu tội phạm

(HNTTO) – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam (TC DN&TTVN) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức tuyên truyền trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho người dân, độc giả và doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp vào sáng ngày 07/05/2025 tại số 412/2, đường Huỳnh Tấn Phát, Khu phố 1, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM.
Với vai trò nhịp cầu nối, bằng sự đa dạng hóa, đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Viện IMRIC và Viện IRLIE; TC DN&TTVN nhằm giúp tổ chức, cá nhân nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật luôn là vấn đề quan tâm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật một cách hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới…
Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này đối với mọi mặt của đời sống xã hội, trong suốt thời gian qua, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương trên cả nước, các cơ quan và đơn vị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thu hút được các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia và phối hợp chặt chẽ; nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, được chọn lọc thông qua kết quả khảo sát, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân và đặc thù từng địa bàn trước khi tổ chức, từ đó có định hướng để tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân như pháp luật về đất đai; hôn nhân gia đình; nghĩa vụ quân sự; khiếu nại, tố cáo; cư trú; bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm hành chính; giao thông đường bộ; bảo hiểm xã hội, bảo y tế; phòng, chống dịch bệnh…
Đặc biệt, buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật lần này, xin trích dẫn thông tin về hai trường hợp mới nhất đối với khung hình phạt chung thân không được xem xét giảm án và khuyến nghị người dân, độc giả và doanh nghiệp liên quan đến hành vi che dấu tội phạm, cụ thể sau:
Thứ nhất: Bước tiến quan trọng về chính sách hình sự với hình phạt ‘tù chung thân không xét giảm án’
Đề xuất bổ sung hình phạt ‘tù chung thân không xét giảm án’ được kỳ vọng vẫn đảm bảo tính răn đe mà giảm áp dụng hình phạt tử hình, đồng thời khuyến khích thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Theo Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi năm 2025 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và giới chuyên môn. Một trong những điểm mới đáng chú ý là đề xuất bổ sung Điều 39a, quy định hình phạt “tù chung thân không xét giảm án” là một hình phạt chính.
Theo dự thảo, “tù chung thân không xét giảm án” là hình phạt tù không thời hạn, người bị kết án sẽ không được xem xét giảm hình phạt; trừ trường hợp được đại xá, ân giảm hoặc hợp tác đặc biệt. Hình phạt này được áp dụng cho các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức tử hình, như một sự thay thế cho án tử hình trong một số trường hợp.
Cùng với đó, so với hình phạt tù chung thân trong BLHS hiện hành, quy định mới này nghiêm khắc hơn. Nếu như tù chung thân hiện hành cho phép phạm nhân có cơ hội được giảm án, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thì Điều 39a gần như loại bỏ hoàn toàn cơ hội này, nhằm mục tiêu răn đe và cách ly phạm nhân vĩnh viễn khỏi xã hội.
Thế nhưng, theo dự thảo cũng thể hiện tính nhân đạo khi mở rộng phạm vi đối tượng không áp dụng hình phạt này, bao gồm phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và người từ 75 tuổi trở lên; so với chỉ áp dụng với người dưới 18 tuổi trong BLHS 2015. Quy định này phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, như Công ước Quyền trẻ em 1989.
Điển hình, dự thảo đưa ra quy định mang tính đột phá khi cho phép giảm án từ tù chung thân không xét giảm án xuống tù chung thân đối với người bị kết án về tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ nếu họ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô/nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý tội phạm.
Từ đó, tù chung thân trong BLHS 2015 tập trung vào cải tạo và tái hòa nhập xã hội, trong khi tù chung thân không xét giảm án nhấn mạnh răn đe, cách ly, và giảm áp dụng tử hình; cạnh đó khuyến khích thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tuy nhiên, theo Dự thảo BLHS sửa đổi 2025 liên quan đến hình phạt “tù chung thân không xét giảm án” cũng đặt ra một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Tại Điều 39a, phù hợp với bối cảnh pháp lý và xã hội Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng và tội phạm nghiêm trọng; đồng thời giảm tử hình, phù hợp với cam kết quốc tế; nhân đạo hóa chính sách hình sự bảo toàn tính mạng bị cáo, khuyến khích hợp tác và cải tạo, thể hiện sự tiến bộ trong cải cách tư pháp; hiệu quả kinh tế và pháp lý bằng việc khuyến khích thu hồi tài sản, giảm thiệt hại cho nhà nước, như đã chứng minh trong các vụ án tham nhũng lớn.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần kịp thời có Nghị quyết hướng dẫn áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cần quy định cụ thể các tiêu chí giảm án, như thời gian chấp hành hoặc thái độ, xếp loại cải tạo để tăng tính minh bạch và khuyến khích cải tạo.
Có thể thấy, việc bổ sung hình phạt “tù chung thân không xét giảm án” vào Dự thảo BLHS sửa đổi 2025 là một bước đi thể hiện sự đổi mới trong chế tài hình sự của nước ta. Quy định này, vừa thể hiện sự nghiêm khắc trong trừng trị tội phạm, vừa đảm bảo tính nhân đạo, hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội an toàn, công bằng và văn minh.
Khi luật có hiệu lực, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần kịp thời có Nghị quyết hướng dẫn áp dụng đối với hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Việc hướng dẫn nhằm đảm bảo hình phạt tù chung thân không xét giảm án được định tính, định lượng rõ ràng, áp dụng đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; không để xảy ra việc lợi dụng hình phạt này để “tránh” tử hình trong một số tội danh; quy định ân giảm thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch. Việc kịp thời hướng dẫn còn hạn chế được rủi ro pháp lý tiềm ẩn của hình phạt này là việc không được xét giảm án có thể làm triệt tiêu động lực cải tạo của phạm nhân, gây khó khăn cho công tác giáo dục, quản lý của trại giam.
Thực tiễn thi hành hình phạt tù chung thân, theo BLHS 2015, thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong việc răn đe, phòng ngừa tội phạm, cũng như trong công tác cải tạo phạm nhân và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng. Dự thảo BLHS sửa đổi được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả này, đồng thời khắc phục những hạn chế, giảm áp dụng tử hình bằng cách áp dụng hình phạt chung thân không xét giảm án trong một số tội danh (tham ô tài sản, nhận hối lộ, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp).
Hiện dự thảo đã loại bỏ hình phạt tử hình ở 8/18 tội danh, và hình phạt chung thân không xét giảm án sẽ đóng vai trò thay thế hiệu quả. Hình phạt này đảm bảo cách ly vĩnh viễn các tội phạm nguy hiểm, giảm nguy cơ tái phạm, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy nhiều quốc gia có những quy định khác nhau về hình phạt tù chung thân:
Tại Trung Quốc có các tiêu chí giảm án, bao gồm thời gian chấp hành và hành vi cải tạo, tạo động lực cho phạm nhân. Tại Úc, hình phạt tù chung thân không xét ân xá được áp dụng cho các tội cực kỳ nghiêm trọng với sự đánh giá kỹ lưỡng về tâm lý và nhân thân bị cáo để đảm bảo tính công bằng. Hay một số nước châu Âu như Đức đề cao mục tiêu cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng, mỗi quốc gia có một cách tiếp cận riêng.
Điều 39a dự thảo BLHS sửa đổi của Việt Nam cũng áp dụng nguyên tắc này, thay thế hình phạt tử hình trong một số trường hợp, nhưng cần tích hợp đánh giá tâm lý để tăng tính khoa học trong tố tụng.
Thứ hai: Cảnh báo hành vi che giấu tội phạm
Mặc dù, không trực tiếp gây ra tội, thế nhưng hành vi che giấu tội phạm có thể khiến một người trở thành đồng phạm. Trong khi nhiều người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về hậu quả pháp lý nghiêm trọng của hành vi này, thì thực tiễn cho thấy không ít người đã phải đối mặt với bản án hình sự.
Ví dụ điển hình: Vào ngày 28/04/2025 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, mở rộng điều tra vụ án mua bán, vận chuyển ma túy quy mô lớn liên quan đối tượng Bùi Đình Khánh, Hà Thương Hải, qua đó bắt thêm 8 đối tượng và thu giữ thêm nhiều tang vật, phương tiện liên quan, nâng tổng số đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam trong chuyên án là 13.
Trong số các đối tượng này, đối tượng Đinh Văn Thiết (em họ đối tượng Hà Thương Hải) bị khởi tố về hai tội danh: “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Che giấu tội phạm”. Sáu đối tượng khác cùng bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm”, gồm: Ngô Thị Thơ (mẹ ruột đối tượng Hà Thương Hải); Nguyễn Thị Hạnh (vợ đối tượng Hà Thương Hải); Triệu Thị Hiền (bạn gái đối tượng Hà Thương Hải); Lò Văn Minh (em họ đối tượng Hà Thương Hải); Bùi Xuân Hiến (anh họ đối tượng Bùi Đình Khánh); Nguyễn Thị Hoài Thương (bạn gái đối tượng Bùi Đình Khánh).
Ở vụ án này, có đến bảy người bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm”.
Tại buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, các độc giả đã bày tỏ quan tâm đến vấn đề pháp lý sẽ xử lý thế nào nếu che giấu người thân phạm tội?.
Căn cứ theo Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015, người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Che giấu tội phạm”.
Tại khoản 1, Điều 18: Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự.
Tại Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, tội che giấu tội phạm áp dụng đối với các hành vi che giấu người phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người, cướp tài sản, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; các tội danh liên quan đến ma túy như sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy…
Do vậy, trường hợp này, người phạm tội đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên những người thân thích không thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định. Khi bị khởi tố về tội danh nêu trên, các đối tượng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được các đối tượng này phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Khuyến nghị thêm: Dù xuất phát từ tình thân, hành vi che giấu tội phạm vẫn là vi phạm pháp luật, trừ một số trường hợp đặc biệt pháp luật quy định. Do đó, mọi công dân đều có nghĩa vụ tố giác tội phạm.Khi người phạm tội phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định pháp luật, thì người thân thích nếu biết về hành vi hay tin báo về tội phạm không được che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Đồng thời, người thân cần trình báo với cơ quan có thẩm quyền để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, vụ án này là một trong nhiều vụ án các đối tượng bị khởi tố về tội “Che giấu tội phạm” gần đây. Trên thực tế, không ít người, đặc biệt là giới trẻ vì tình thân hay sự nể nang, đã không nhận thức được đầy đủ rằng hành vi che giấu tội phạm không chỉ gây cản trở quá trình điều tra mà còn trực tiếp “tiếp tay” cho tội phạm, tự biến mình từ người “vô can thành có tội” trước pháp luật.
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, việc tố giác tội phạm không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là hành động thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, đây cũng là yếu tố thiết yếu để bảo đảm trật tự, an toàn và phát triển bền vững xã hội. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi vi phạm phải được xử lý công bằng và nghiêm minh.
Khuyến nghị: Khi phát hiện hành vi phạm tội hay biết tin báo về tội phạm, người dân có thể đến trình báo công an xã, phường nơi cư trú hoặc gọi điện đến đường dây nóng của công an các tỉnh, thành phố để tố giác tội phạm. Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, để mỗi người dân nhận thức sâu sắc phải sống và tuân thủ theo pháp luật, từ đó tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, đồng thời tránh những hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.
Quý độc giả, người dân và doanh nghiệp cần nhớ rằng, một phút che giấu cho hành vi sai trái, vi phạm pháp luật có thể phải trả giá bằng bản án nhiều năm trong tù.
Tại Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Che giấu tội phạm” như sau: Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Tại buổi tuyên truyền và phổ biến pháp luật, người dân, độc giả, doanh nghiệp còn được nghe tư vấn, giải đáp, tháo gỡ các vấn đề pháp lý liên quan đến việc cho, tặng, thừa kế tài sản; thủ tục giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất mà người dân gặp phải trong cuộc sống. Qua đó, hỗ trợ họ nâng cao kiến thức pháp luật, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tin rằng, thông qua các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, người dân, độc giả và doanh nghiệpđược phổ biến những quy định mới…Với quan điểm đầu nối trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Viện IMRIC; Viện IRLIE; TC DN&TTVN giao Trung tâm TTLCC và Trung tâm TTTVPLMS thực hiện thường xuyên, liên tục…Nhất là, trong thời gian tới thường xuyên phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với các cơ quan đơn vị trong định hướng các hoạt động triển khai như: Tăng cường hình thức phổ biến, tuyên truyền miệng; lồng ghép việc phổ biến pháp luật qua các buổi sinh hoạt cộng đồng; qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý; tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền; xây dựng và phát huy mỗi người dân là một tuyên truyền viên pháp luật trong cộng đồng…
Hy vọng rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hứa hẹn sẽ gặt hái hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân./.
Viện trưởng Viện IMRIC, TS. Hồ Minh Sơn – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm