Khoa học công nghệTiền số

TS. Hồ Minh Sơn: Yếu tố pháp lý trong công tác quản lý, hợp pháp hoá tài sản số và tiền mã hoá, cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số hóa

(HNTTO) – Trong những năm gần đây, sự phổ biến của tài sản số đã làm nảy sinh nhiều mô hình, hoạt động kinh tế mới, đặt ra vô vàn thách thức về chính sách và khung pháp lý đối với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới. Trước bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức toàn cầu ngày càng chuyển dịch mạnh mẽ lên môi trường số, quản lý tài sản số không còn là câu chuyện riêng của bộ phận công nghệ mà đã trở thành bài toán chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp, tổ chức. Mặc dù vậy, bên cạnh cơ hội lớn thì luôn song hành với vô vàn thách thức về nhận thức, công nghệ và an toàn thông tin.

Ảnh minh hoạ

TS. Hồ Minh Sơn cho rằng, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp trong quản lý tài sản số hiện chính là sự phân tán dữ liệu và nền tảng. Tài sản số không chỉ còn giới hạn ở dữ liệu tài chính hay hồ sơ khách hàng, mà đã mở rộng ra hình ảnh thương hiệu, bằng sáng chế kỹ thuật số, mã nguồn phần mềm, các mô hình AI, thậm chí cả tài sản ảo trên các nền tảng blockchain. Việc thiếu tiêu chuẩn định danh và quản lý tài sản số khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc theo dõi, đánh giá giá trị và bảo vệ các tài sản này. Cùng với đó, rủi ro bảo mật gia tăng nhanh chóng. Khi ranh giới giữathế giớivật lý và kỹ thuật số ngày càng mờ nhạt, nếu doanh nghiệp không quản trị tài sản số tốt, họ sẽ mất lợi thế cạnh tranh mà thậm chí không nhận ra.

Điển hình, trên thế giới có một số quốc gia như: Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh “Đảm bảo sự phát triển có trách nhiệm của tài sản kỹ thuật số” vào ngày 09/03/2022 nhằm chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá các lợi ích và rủi ro của những lĩnh vực liên quan. Ngày 20/04/2023, Nghị viện châu Âu thông qua Đạo luật thị trường tài sản ảo (MiCA), nằm trong mục tiêu của Ủy ban châu Âu nhằm thiết lập khung pháp lý cho việc ứng dụng blockchain và tài sản số trong ngành dịch vụ tài chính.

Mới đây, cơ quan quản lý Hồng Kông áp dụng chính sách mới cho tài sản số từ ngày 1.6.2023, với mục tiêu đưa Hồng Kông thành trung tâm Fintech của châu Á. Văn bản luật được ban hành và điều chỉnh hướng vào tài sản số và tiền mã hóa do Ủy ban Chứng khoán và Hàng hóa tương lai (SFC) ban hành, hướng tới thúc đẩy 3 nhóm gồm: Sàn giao dịch tài sản ảo (Virtual Asset Trading Platforms – VATP); Quản lý tài sản ảo (Virtual Asset Management); Các nhà cung cấp dịch vụ fintech/blockchain (General Fintech/Blockchain Services).

TS. Hồ Minh Sơn phân tích, tài sản số (hay còn gọi là tài sản ảo) có thể được hiểu đơn giản là các loại tài sản vật lý hoặc không vật lý được thể hiện dưới dạng số hóa và lưu trữ trên các hệ thống máy tính hoặc mạng internet. Các loại tài sản số bao gồm tài liệu, hình ảnh, video, âm thanh, sách điện tử, phần mềm, tiền mã hóa…Tài sản số có thể được chuyển đổi, sử dụng, lưu trữ và quản lý dễ dàng thông qua thiết bị điện tử và mạng internet. Trong đó, có vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, bất động sản, giáo dục, y tế, truyền thông…

Tại Việt Nam, dù pháp luật chưa công nhận tài sản số nhưng cơ quan quản lý luôn tích cực thảo luận nhằm phát triển khung pháp lý cho ngành này, từ đó bảo vệ nhà đầu tư, khuyến khích phát triển các công nghệ liên quan và bắt kịp xu thế toàn cầu, cũng như tăng cường hoạt động chống rửa tiền, chống khủng bố liên quan đến tài sản số.

Khuyến nghị một số yếu tố liên quan, TS. Hồ Minh Sơn cho rằng doanh nghiệp cần đảm bảo 5 yếu tố, như: Khả năng định danh và theo dõi tài sản theo thời gian thực, giúp nắm bắt nhanh tình trạng và giá trị tài sản; Hệ thống bảo mật đa tầng, kết hợp mã hóa dữ liệu, xác thực nhiều yếu tố và phân quyền truy cập linh hoạt; Khả năng tích hợp hệ thống, tránh tình trạng “hòn đảo công nghệ” khi các bộ phận sử dụng phần mềm riêng lẻ; Phân tích dữ liệu và báo cáo tự động, để lãnh đạo ra quyết định dựa trên thông tin cập nhật và cuối cùng là Giao diện thân thiện, dễ sử dụng, giúp nhân viên các cấp có thể vận hành mà không yêu cầu kỹ năng kỹ thuật phức tạp. Bản chất của tài sản số là luôn biến động, vì vậy, hệ thống quản lý không chỉ cần chính xác, mà còn phải có khả năng tự thích nghi và dự báo xu hướng phát triển tài sản. Sự bùng nổ của các công nghệ mới như blockchain, AI và điện toán đám mây (cloud computing) đã làm thay đổi sâu sắc cách thức doanh nghiệp quản lý tài sản số.

Blockchain mang lại tính minh bạch và bất biến trong việc ghi nhận quyền sở hữu và giao dịch tài sản số. Những nền tảng blockchain đa chuỗi (multi-chain) giúp doanh nghiệp linh hoạt chuyển đổi tài sản giữa các hệ sinh thái khác nhau mà vẫn đảm bảo an toàn. TS. Hồ Minh Sơn cho biết tài sản số cần được đưa vào Khung pháp lý chung chứ không nên chỉ trong một hoặc vài luật chuyên ngành. Trong khung pháp lý chung đó, quyền sở hữu, tài sản và sở hữu trí tuệ…nội dung cơ bản cần xác lập rõ ràng hơn. Đó là cách tiếp cận về kinh tế – chính trị (về quyền sở hữu) từ hệ thống luật cũ từng bước (như Luật Dân sự) trong khi chờ đợi làm luật mới”…Trong đó, AI không chỉ tự động hóa việc phân loại và giám sát tài sản, mà còn giúp dự báo xu hướng, xác định tài sản đang suy giảm giá trị hoặc tài sản tiềm năng cần đầu tư thêm. Ví dụ, nhiều công ty tài chính hiện nay dùng AI để đánh giá giá trị danh mục NFT (Non-Fungible Token) của mình trong thời gian thực.

Có thể hiểu, điện toán đám mây lại giúp doanh nghiệp quản lý tài sản ở quy mô lớn mà không cần tự đầu tư hạ tầng tốn kém. Các dịch vụ cloud còn tích hợp sẵn công cụ bảo mật, sao lưu, và phục hồi dữ liệu.

TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng thêm, căn cứ vào Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ sốcó nêu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ số như sau:

Sản phẩm công nghệ số sản xuất trong nước: Sản phẩm công nghệ số sản xuất trong nước là sản phẩm được nghiên cứu, thiết kế, phát triển, sản xuất tại Việt Nam; Sản phẩm công nghệ số thuộc danh mục sản phẩm sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước khi đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật; tỉ lệ chi phí sản xuất; chi phí cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm trong nước; tiêu chí về chất lượng, an toàn bảo mật của sản phẩm theo quy định; Sản phẩm công nghệ số thuộc danh mục sản phẩm sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm được áp dụng ưu đãi tương đương hàng hóa có xuất xứ Việt Nam có tỉ lệ chi phí sản xuất trong nước từ 50% trở lên theo pháp luật về đấu thầu; Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết khoản 2 Điều 9 Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số; thủ tục xác định sản phẩm công nghệ số sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm và công bố Danh mục sản phẩm công nghệ số sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm…

Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm: Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm là sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đáp ứng một trong những yêu cầu sau đây: Thị trường trong nước có nhu cầu lớn và có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; Thị trường thế giới đang có nhu cầu và có tiềm năng xuất khẩu; Có tác động tích cực, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, mạnh mẽ các ngành kinh tế; Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm trong từng thời kỳ; Bộ Thông tin và Truyền thông công bố danh mục sản phẩm công nghệ số trọng điểm trong từng thời kỳ phù hợp với điều kiện thực tế.

Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu: Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu là các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số được sử dụng và cung cấp trong lãnh thổ Việt Nam, có vai trò quan trọng, tác động lớn đến lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, năng lực công nghệ quốc gia.  Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu thuộc một trong các trường hợp sau: Là bộ phận chính, thiết yếu của các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia hoặc mạng lõi của hạ tầng viễn thông hoặc hệ thống điều khiển trung tâm của các cơ sở hạ tầng quan trọng khác; Là các nền tảng số có số lượng người sử dụng lớn tại Việt Nam và đồng thời thu thập, lưu trữ thông tin của người dùng là công dân Việt Nam; Là các sản phẩm mang tính chiến lược quốc gia. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí xác định và quyết định sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nghiên cứu – phát triển, sản xuất, sở hữu và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu bán, xuất khẩu, chuyển giao sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu cho đối tác nước ngoài phải được chấp thuận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Căn theo tiểu mục 2 Mục II Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024, tầm nhìn 2045 đối với mục tiêu phát triển khoa học công nghệ như sau: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; Thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Căn theo khoản 6 Mục III Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 có nêu về thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong nước đầu tư ra nước ngoài; Có chính sách đủ mạnh khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp tại Việt Nam; Có cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược trong nước quy mô lớn để phát triển hạ tầng số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số; cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Phát triển một số khu công nghiệp công nghệ số. Thúc đẩy doanh nghiệp tái đầu tư hạ tầng, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D); Đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số, bảo đảm kinh tế số các ngành, lĩnh vực chiếm tối thiểu 70% kinh tế số; đẩy mạnh sản xuất thông minh trong các ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, logistics.

Như vậy, nhìn về tương lai, xu hướng nổi bật là tự động hóa toàn bộ quy trình quản lý tài sản số bằng trí tuệ nhân tạo và blockchain. Doanh nghiệp sẽ không còn phải nhập liệu hay kiểm tra thủ công, mà hệ thống sẽ tự động nhận diện, cập nhật và tối ưu hóa danh mục tài sản. Cùng với đó, tài sản số cũng sẽ được gắn kết với tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng chặt chẽ hơn. Điển hình, các tập đoàn đa quốc gia sẽ yêu cầu nhà cung cấp chứng minh nguồn gốc số bền vững của tài sản như phần mềm, nội dung số, dữ liệu. Quản lý tài sản số trong tương lai sẽ không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà là bài toán chiến lược tổng thể, gắn chặt với giá trị thương hiệu, uy tín và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, TS. Hồ Minh Sơn phân tích thêm.

Cũng theo TS. Hồ Minh Sơn đề nghị về hợp pháp hóa tiền mã hóa theo lộ trình 3 giai đoạn: xây dựng khung pháp lý, tích hợp với hệ thống tài chính, mở rộng thị trường và bảo vệ nhà đầu tư. Việc hợp pháp hóa tiền mã hóa có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế và công nghệ đáng kể…

Trước hết, hợp pháp hóa tiền mã hóa sẽ tăng cường tài chính toàn diện, giúp hàng triệu người chưa có tài khoản ngân hàng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Theo báo cáo năm 2022 của Chainalysis, Việt Nam xếp thứ nhất thế giới về mức độ chấp nhận tiền điện tử, chủ yếu nhờ vào kiều hối và giao dịch kỹ thuật số. Nếu có quy định rõ ràng, các giao dịch này sẽ an toàn và hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cả cá nhân và doanh nghiệp

Kế đến, việc hợp pháp hóa tiền mã hóa có thể tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và giúp Việt Nam trở thành trung tâm blockchain trong khu vực, giống như Singapore. Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tập chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam cho thấy ngành công nghiệp blockchain toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 1.430 tỷ USD vào năm 2030 và Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này. Năm 2022, các startup blockchain Việt Nam huy động được hơn 100 triệu USD, nhưng nhiều công ty đã phải chuyển sang các quốc gia thân thiện với tiền mã hóa như Singapore và UAE do Việt Nam thiếu khung pháp lý rõ ràng về tiền mã hóa. Nếu có chính sách phù hợp, Việt Nam có thể giữ chân và thu hút thêm các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Cạnh đó, Chính phủ có thể tạo nguồn thu từ thuế tiền mã hóa. Hàn Quốc đã áp dụng thuế 20% đối với lợi nhuận tiền mã hóa trên 2.100 USD. Nếu Việt Nam thực hiện chính sách tương tự thì có thể thu về hàng triệu USD tiền thuế, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển đổi số. Cuối cùng, công nghệ blockchain có thể tăng tính minh bạch trong các giao dịch tài chính, giúp giảm gian lận và tham nhũng.

TS. Hồ Minh Sơn nhận định để quản lý tiền mã hóa một cách hiệu quả, cần minh bạch pháp lý, ổn định tài chính và bảo vệ nhà đầu tư. Chính phủ cần xác định rõ tiền mã hóa thuộc loại tài sản nào – hàng hóa, chứng khoán hay tiền tệ kỹ thuật số? Điều này, rất quan trọng đối với thuế, giao dịch và tuân thủ quy định. Cần phát triển hệ thống sàn giao dịch được quản lý, nơi tất cả giao dịch tiền mã hóa phải được báo cáo và giám sát, nhằm ngăn chặn rửa tiền và trốn thuế. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã thực hiện quy định cấp phép cho các công ty tiền mã hóa để đảm bảo tuân thủ luật chống rửa tiền (AML) – Việt Nam có thể áp dụng mô hình này.

Việt Nam đang có các quy định nghiêm ngặt về kiểm soát dòng vốn và ngoại hối. Do vậy, Chính phủ cần giới hạn lượng tiền mã hóa có thể quy đổi và rút ra để tránh tình trạng chảy máu vốn. Ấn Độ đã áp dụng thuế 1% trên mỗi giao dịch tiền điện tử (TDS) nhằm hạn chế việc chuyển tiền ra nước ngoài quá mức. Việt Nam cần có sự kết nối giữa tiền điện tử và hệ thống ngân hàng. Nếu các ngân hàng Việt Nam được cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản số sẽ giúp hợp pháp hóa đầu tư tiền mã hóa mà vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro. Chính phủ nên triển khai các chương trình giáo dục nhà đầu tư để ngăn chặn các vụ lừa đảo và đầu cơ, TS. Hồ Minh Sơn phân tích.

Điển hình, Nhật Bản công nhận Bitcoin là tài sản hợp pháp và áp dụng hệ thống cấp phép chặt chẽ cho các sàn giao dịch, giúp giảm rủi ro gian lận và tấn công mạng. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai khung pháp lý MiCA để quản lý Stablecoin (một loại tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị ổn định, thường được neo với một tài sản cụ thể như đồng USD), bảo vệ nhà đầu tư và đánh thuế tiền mã hóa, điều mà Việt Nam có thể học hỏi.

Có một số quy định và chính sách hiện hành đang tạo ra rào cản đối với việc hợp pháp hóa tiền mã hóa. Quy định tại Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước (2010), VND là đồng tiền pháp định duy nhất tại Việt Nam, nên việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán có thể bị xem là vi phạm pháp luật. Đồng thời, theo Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, chỉ các phương tiện thanh toán do Nhà nước công nhận mới hợp pháp. Tiền mã hóa, bao gồm cả Bitcoin và USDT (một loại stablecoin, giá trị được cố định với USD), không nằm trong danh sách này. Nghị định 88/2019/NĐ-CP về chống rửa tiền yêu cầu các giao dịch tài chính lớn cần phải báo cáo. Tiền mã hóa chưa có cơ chế giám sát rõ ràng, điều này có thể làm cho Chính phủ e ngại về khả năng rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa. Pháp lệnh Ngoại hối (2005, sửa đổi 2013), việc kiểm soát ngoại hối chặt chẽ, hạn chế chuyển đổi tiền VND sang ngoại tệ mà không có lý do hợp lệ, khiến việc giao dịch tiền mã hóa với nước ngoài gặp khó khan, TS. Hồ Minh Sơn chia sẻ.

Đối với chính sách quản lý phát hành tiền điện tử lần đầu (Initial Coin Offering – ICO) và tài chính phi tập trung (DeFi), hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng cho các dự án huy động vốn bằng tiền mã hóa, gây khó khăn cho các startup blockchain tại Việt Nam. Hiện nay, đang áp dụng chính sách kiểm soát tỷ giá hối đoái, trong đó Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá để ổn định nền kinh tế. Thếnhưng, tiền điện tử có thể làm suy yếu khả năng kiểm soát tiền tệ vì loại tiền này hoạt động phi tập trung. Ví dụ, nếu người dân bắt đầu ưu tiên nắm giữ stablecoin (USDT, USDC) hơn là VND, điều này sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng tiền đồng, gây khó khăn cho chính sách tiền tệ. Hơn nữa, tiền điện tử có thể hỗ trợ chuyển tiền xuyên biên giới mà không bị kiểm soát, dẫn đến rủi ro “chảy máu” ngoại tệ.

Do vậy, việc xây dựng khung pháp lý, bao gồm chỉnh sửa Luật Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Ngoại hối để cho phép giao dịch tiền mã hóa dưới dạng tài sản đầu tư; áp dụng hệ thống cấp phép sàn giao dịch và chính sách thuế tiền mã hóa; thiết lập các quy định chống rửa tiền và bảo vệ nhà đầu tư.Cùng với đó, tích hợp với hệ thống tài chính – cho phép ngân hàng cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản số, thử nghiệm CBDC để kiểm soát dòng tiền kỹ thuật số. Ngoài ra, việc mở rộng thị trường và bảo vệ nhà đầu tư – giám sát thị trường DeFi và NFT (một tài sản kỹ thuật số được lưu trữ trên Blockchain) để đảm bảo minh bạch; xây dựng các biện pháp bảo vệ người tiêu dung, TS. Sơn cho hay.

Việt Nam đang tiến gần hơn tới việc hợp pháp hóa các giao dịch tiền mã hóa, bước quan trọng không chỉ đem đến khung pháp lý rõ ràng cho thị trường, mà còn mở ra cơ hội để tăng nguồn thu thuế. Khi thị trường tiền mã hóa toàn cầu tiếp tục mở rộng, nhiều quốc gia giới thiệu các mô hình thuế khác nhau để quản lý và kiểm soát loại tài sản kỹ thuật số này. Xây dựng một hệ thống thuế hiệu quả không nên chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo nguồn thu mới cho ngân sách, mà còn phải bảo đảm rằng chính sách này không làm suy yếu thị trường hay dẫn tới hiện tượng rò rỉ dòng vốn sang các nước khác. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tiếp cận và quan tâm tới tiền mã hóa cao nhất thế giới. Theo báo cáo từ Chainalysis, Việt Nam đứng thứ năm toàn cầu về mức độ quan tâm tới tiền mã hóa và xếp thứ ba về mức độ sử dụng các nền tảng giao dịch quốc tế. Hiện có khoảng 17 triệu người Việt sở hữu tiền mã hóa, với tổng giá trị thị trường vượt 100 tỷ USD.

Nếu áp dụng một cơ chế thuế hợp lý, Việt Nam có thể tạo nguồn thu ngân sách đáng kể từ thị trường tiền mã hóa. Một hướng tiếp cận hiệu quả là đánh thuế giao dịch ở mức thấp, tương tự như thuế giao dịch chứng khoán. Theo hiểu của Viện IMRIC và Viện IRLIE, việc áp thuế 0,1% trên mỗi giao dịch tiền mã hóa có thể mang lại hơn 800 triệu USD mỗi năm mà không gây gián đoạn tới hoạt động của thị trường. Ngoài thuế giao dịch, Chính phủ có thể cân nhắc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền mã hóa, hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu tiền mã hóa được phân loại là tài sản đầu tư thì lợi nhuận từ giao dịch có thể bị đánh thuế tương tự như với chứng khoán hoặc bất động sản. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tiền mã hóa cũng có thể chịu thuế với mức 20% như các doanh nghiệp truyền thống.

Sự phát triển trong bối cảnh hiện nay không tránh khỏi rủi ro khi hành lang pháp lý trong nước về lĩnh vực này vẫn còn “lửng lơ”. Tin rằng, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường thiếu khung pháp lý rõ ràng có thể gặp khó khăn về sở hữu tài sản, nghĩa vụ thuế, hoặc thậm chí là phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều tích cực là Việt Nam hiện đã có những bước tiến lớn, cụ thể là từ các chỉ đạo của Đảng đến các nghị quyết của Chính phủ và gần đây nhất là dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Chúng ta có thể kỳ vọng một hành lang pháp lý rõ ràng sẽ sớm ra đời…

Với mong muốn pháp luật được thực thi một cách hiệu quả thì các văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành. Theo đó, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) thường xuyên phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) đồng phối hợp có Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, pháp luật cho đầu tư, phát triển công nghệ Blockchain (CBT) tổ chức các buổi hội thoại khoa học, toạ đàm khoa học bằng nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, phổ biến đến người dân, các tổ chức, cá nhân để các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật nắm bắt được nội dung của các quy phạm pháp luật, để thực hiện pháp luật.

Thấu hiểu về quy trình ra đời, tồn tại và phát triển của pháp luật là: xây dựng chính sách – thể chế hóa thành pháp luật – tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật – tổng kết thực tiễn – bổ sung chính sách – sửa đổi pháp luật – tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật. Thực hiện các yêu cầu của Viện IMRIC; Viện IRLIE và Tạp chí DN&TTVN. Ngày 02/05/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC); Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS); Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, pháp luật cho đầu tư, phát triển công nghệ Blockchain (CBT) tiếp tục tổ chức buổi toạ đàm có chủ đề “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh”…với mục đích tiếp tụctuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đồng thời cũng là hình thức thực hiện pháp luật để chuyển tải nội dung pháp luật đến với các chủ thể trong đời sống xã hội. Pháp luật sẽ không có ý nghĩa nếu như các chủ thể thực hiện nó không nhận thức được về nó.

Khi pháp luật được ban hành thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là rất quan trọng để người dân nắm được các quy định của pháp luật, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ pháp luật, có thể sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, hiểu biết pháp luật cũng đều tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, là cơ sở để cơ quan chức năng áp dụng pháp luật để giải quyết các mối quan hệ dân sự, lao động, hành chính, kinh doanh thương mại, hình sự,… phát sinh.

Tin rằng, thông qua các buổi hội thoại, toạ đàm, các nhà khoa học, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật đã phân tích để mọi người dân sống trong một xã hội chỉ văn minh, tiến bộ nhưng khi hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, khoa học, có tính khả thi và người dân hiểu biết pháp luật, tuân thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Một xã hội văn minh là con người lấy pháp luật làm thước đo cho hành vi của mình, chuẩn mực pháp luật cũng sẽ là chuẩn mực đạo đức xã hội, trở thành nét văn hóa trong ứng xử, đời sống xã hội…

 (Bài xuất bản số T6, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)

(Bài xuất bản số T5, đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông)

Viện phó Viện IMRIC, ThS. Mai Thanh Hải – GĐ Trung tâm CBT

Bài viết liên quan

Back to top button