Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Có được phản đổi khi cửa sổ nhà hàng xóm trổ sang phần đất nhà mình – San lấp ao hồ thuộc hợp tác xã, có hợp thức hóa được không?

(HNTTO) – Một trong những đặc điểm cơ bản của nhà nước là ban hành ra pháp luật, đề ra các quy tắc xử sự chung để xây dựng và duy trì trật tự xã hội, đảm bảo cho mọi hoạt động trong đời sống xã hội diễn ra trong vòng trật tự, ổn định và phát triển. Pháp luật là cơ sở đánh giá tính hợp pháp, hợp lý trong hành vi của con người; là cơ sở để ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân.
Với mong muốn pháp luật được thực thi một cách hiệu quả thì các văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành. Theo đó, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) thường xuyên phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức các buổi hội thoại khoa học, toạ đàm khoa học bằng nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, phổ biến đến người dân, các tổ chức, cá nhân để các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật nắm bắt được nội dung của các quy phạm pháp luật, để thực hiện pháp luật.
Thấu hiểu về quy trình ra đời, tồn tại và phát triển của pháp luật là: xây dựng chính sách – thể chế hóa thành pháp luật – tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật – tổng kết thực tiễn – bổ sung chính sách – sửa đổi pháp luật – tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật. Thực hiện các yêu cầu của Viện IMRIC; Viện IRLIE và Tạp chí DN&TTVN. Vào sáng ngày 24/04/2025, tại số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tiếp tục tổ chức buổi toạ đàm có chủ đề “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh”…với mục đích tiếp tụctuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đồng thời cũng là hình thức thực hiện pháp luật để chuyển tải nội dung pháp luật đến với các chủ thể trong đời sống xã hội. Pháp luật sẽ không có ý nghĩa nếu như các chủ thể thực hiện nó không nhận thức được về nó.
Khi pháp luật được ban hành thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là rất quan trọng để người dân nắm được các quy định của pháp luật, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ pháp luật, có thể sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, hiểu biết pháp luật cũng đều tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, là cơ sở để cơ quan chức năng áp dụng pháp luật để giải quyết các mối quan hệ dân sự, lao động, hành chính, kinh doanh thương mại, hình sự,… phát sinh.
Trường hợp thứ nhất: Có được phản đổi khi cửa sổ nhà hàng xóm trổ sang phần đất nhà mình?
Doanh nghiệp tại Long An nêu câu hỏi: Nhà hàng xóm đang xây nhà có thiết kế thì phần cửa sổ sẽ sang phần đất của nhà tôi, vậy tôi có quyền phản đối, xử lý không?
Hiện nay, có không ít trường hợp hàng xóm xảy ra tranh chấp vì làm cửa trổ sang phần đất nhà hàng xóm. Mỗi người lại có một góc nhìn khác nhau, người cho rằng xây trên đất của họ nên muốn xây thì gì xây, người lại cho rằng việc làm cửa sổ là đang lấn sang phần đất người khác.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 31 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, pháp luật dân sự cũng nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tại quy định về ranh giới giữa các bất động sản.
Tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Tại Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng thì khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.
Qua đó, khi sử dụng đất, xây dựng nhà ở và công trình khác người sử dụng đất phải không được cản trở, không làm tổn hại đến việc sử dụng đất cũng như lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất xung quanh. Tại Tiêu chuẩn TCVN 9411:2012 về thiết kế nhà ở liền kề, không được phép mở cửa đi, cửa sổ, cửa thông gió nếu tường nhà xây sát với ranh giới lô đất hoặc ranh giới nền nhà thuộc quyền sử dụng của người khác. Chỉ được phép mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi nếu tường xây cách ranh giới lô đất, ranh giới nền nhà bên cạnh từ 2,0 m trở lên.
Vì vậy, nếu có đủ căn cứ để chứng minh việc nhà hàng xóm trổ cửa sổ sang nhà quý doanh nghiệp là trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình mình, đã yêu cầu chấm dứt mà không có kết quả, bạn có quyền làm đơn ngăn chặn đến thanh tra xây dựng để xử lý hoặc làm đơn ra UBND xã để yêu cầu dừng hành vi sai phạm. Trong trường hợp không thống nhất được thì quý doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo quy định.
Trường hợp thứ hai: San lấp ao hồ thuộc hợp tác xã, có hợp thức hóa được không?
Doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE nêu câu hỏi: Trước đây gia đình tôi có san lấp ao hồ thuộc hợp tác xã để sử dụng, vậy gia đình tôi có thể hợp thức hóa đất thuộc hợp tác xã hay không?
Căn cứ theo điều 3, Luật Đất đai 2024 giải thích về lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Tại khoản 3, điều 139, Luật Đất đai 2024 có quy định các trường hợp đất lấn chiếm vẫn được cấp sổ đỏ. Trong đó, trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng do lấn đất, chiếm đất không thuộc các trường hợp quy định khoản 1 và khoản 2 và trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất thì người đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn thì được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp không thuộc quy định trên thì người đang sử dụng đất được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định.
Do đó, tùy từng trường hợp, chính sách ở địa phương, quá trình sử dụng mà chính quyền địa phương sẽ cho phép các hộ dân kê khai, đóng thuế, hoặc cấp “sổ đỏ” cho người dân phù hợp hiện trạng. Những hộ dân này sẽ phải đóng thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật. Trình tự, thủ tục người dân liên hệ chính quyền địa phương để được hướng dẫn theo quy định của pháp luật.
Tin rằng, dù bất cứ công dân nào sống trong một xã hội chỉ văn minh, tiến bộ nhưng khi hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, khoa học, có tính khả thi và người dân hiểu biết pháp luật, tuân thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Một xã hội văn minh là con người lấy pháp luật làm thước đo cho hành vi của mình, chuẩn mực pháp luật cũng sẽ là chuẩn mực đạo đức xã hội, trở thành nét văn hóa trong ứng xử, đời sống xã hội…
Phó viện trưởng Viện IRLIE, ThS. LS. Đặng Thanh Sâm – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn