Kinh tế

PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ Ở HÀ NAM

(HNTTO) – Hà Nam là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, miền đất nổi tiếng với thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, con người thân thiện, mến khách, được tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards (WTA) vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” (năm 2023), “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” (năm 2024). 

Theo tìm hiểu của Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam (TC DN&TTVN), Hà Nam còn là địa phương có nhiều làng nghề hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế địa phương. Hiện tại Hà Nam có 58/65 làng nghề được công nhận đang hoạt động, trong đó có32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề khác. Sản phẩm của các làng nghề Hà Nam đa dạng, phong phú, không ngừng đổi mới về hình thức mẫu mã, chất lượng, thu hút được sự quan tâm của khách hàng trong nước và ngoài nước như lụa Nha Xá, mây tre đan Ngọc Động, dệt Đại Hoàng, gốm sứ Quyết Thành, trống Đọi Tam, rượu Vọc, rượu  Bèo, bánh đa nem làng Chều, hàng thêu ren Thanh Hà…

Trong nhiều năm qua, Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng như hỗ trợ các làng nghề tham gia Chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển làng nghề gắn với du lịch; công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở làng nghề ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm làng nghề; hỗ trợ làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ; đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các làng nghề…

Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), năm 2024, tỉnh Hà Nam có 31 người được công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của 4 làng nghề. Công tác đào tạo nghề cũng được các địa phương quan tâm, đầu tư. Huyện Lý Nhân và Thị xã Kim Bảng đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 700 người, 95% người được đào tạo có việc làm sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. 7/58 làng nghề ở Hà Nam có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (12,1%), 16/58 làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ (27,6%). Một số tour du lịch gắn với làng nghề đã được khảo sát và đưa vào khai thác hiệu quả như: khu du lịch Tam Chúc – làng nghề gốm Quyết Thành, đền Lảnh Giang- làng nghề dệt Nha Xá, làng nghề mây giang đan Ngọc Động, chùa Long Đọi Sơn- làng nghề trống Đọi Tam…

Cơ sở sản xuất trống Tân Việt- làng nghề trống Đọi Tam. Ảnh: Xuân Mai

Tỉnh Hà Nam, hiện có trên 7.400 cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, trong đó có trên 7.300 hộ gia đình và trên 130 doanh nghiệp, hợp tác xã. Năm 2024, tổng doanh thu của các làng nghề đạt gần 2.600 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 18.000 lao động, thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng. Có 22 làng nghề đạt thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/người/tháng (37,9%), tập trung ở nhóm chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Trong xu thế chuyển đổi số, nhiều làng nghề ở Hà Nam đã chủ động ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ như Công ty TNHH HaNa Food (xã Chân Lý, huyện Lý Nhân-đơn vị phân phối bánh đa nem làng Chều (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân) Công ty xây dựng được 6 website, 1 fanpage và đăng ký trên các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Tiki, Lazada, Tiktok… để quảng bá và bán sản phẩm. Bánh đa nem làng Chều đã tiếp cận được nhiều khách hàng trên toàn quốc, được đánh giá cao về chất lượng, độ thơm ngon.

Bánh đa nem làng Chều. Ảnh: TL

Làng nghề lụa Nha Xá (xã Mộc Hoàn, thị xã Duy Tiên) cũng đã  phát huy được lợi thế của thương mại điện tử, kết hợp giữa kinh doanh truyền thống với bán hàng trực tuyến. Doanh thu của nhiều hộ sản xuất tăng 20-30% so với trước đây. Các phiên bán hàng qua hình thức livestream thu hút khách hàng trong nước và cả ở nước ngoài. Hà Nam đã triển khai đề án hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ, xây dựng phần mềm bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ hoàn tất đơn hàng và tham gia các sàn giao dịch trong nước và quốc tế.

Một số sản phẩm của làng nghề gốm Quyết Thành. Ảnh: Xuân Mai           

Việc mở rộng thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết đối với các làng nghề nói chung và làng nghề Hà Nam nói riêng, nhưng cũng là một thách thức lớn bởi hiện nay người làm nghề còn hạn chế về kỹ năng và chiến lược kinh doanh trực tuyến. Vì vậy các làng nghề Hà Nam rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, giúp các làng nghề chủ động nâng cao năng lực quản lý, nắm bắt kỹ năng bán hàng online, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm…

(Bài xuất bản số T6, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)

XUÂN MAI

Bài viết liên quan

Back to top button