TS. Hồ Minh Sơn phân tích yếu tố pháp lý về việc 7 trẻ em bị xâm hại tình dục ở Đà Lạt và vụ livestream ồn ào của ViruSs

(HNTTO) – Sáng ngày 12/04/2025, tại trụ sở số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi tham vấn pháp luật bằng hình thức trực tuyến cho các độc giả, các doanh nghiệp thành viên liên quan đến Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Luật Luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012 và 2015) và Bộ luật Dân sự 2015; Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017).
Tại buổi tham vấn pháp luật, TS. Hồ Minh Sơn đã trực tiếp giải đáp về vụ 7 trẻ em bị xâm hại tình dục ở Đà Lạt và dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ livestream ồn ào của ViruSs, cụ thể sau:
Trường hợp thứ nhất: Vụ xâm hại tình dục 7 trẻ em ở Đà Lạt, bị can có thể đối diện mức án 20 năm tù
Qua theo dõi các cơ quan báo chí đưa tin, ngày 26/3, Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được tin báo về tội phạm do Công an phường 6 (TP Đà Lạt) cung cấp về việc vụ việc xâm hại tình dục trẻ em tại căn nhà số 29/36, đường Kim Đồng. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã quyết định khởi tố vụ án, bị can và tạm giam Nguyễn Đắt Vũ (38 tuổi, trú TP Đà Lạt) về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2018, Vũ được trụ trì Thiền viện Vạn Hạnh giao đến căn nhà trên ở để tu tập và trông coi căn nhà này. Thế nhưng, từ tháng 8/2023, Vũ đã nhiều lần thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với các trẻ em được gia đình gửi đến cơ sở để tu tập và học tập.
Hành vi bị tố cáo trong trường hợp này đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm thô bạo thân thể, danh dự và nhân phẩm của trẻ em mà còn hủy hoại niềm tin của các em vào môi trường mà lẽ ra phải là nơi an toàn và tin cậy nhất. Đồng thời, dựa trên quyết định khởi tố vụ án, bị can của Công an tỉnh Lâm Đồng về tội ‘Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’ theo khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Vũ có thể đối diện mức án tối đa 20 năm tù.
Căn cứ vào khoản 2, Điều 142, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), bị can Vũ được xác định vi phạm với các tình tiết định khung tăng nặng bao gồm: “Phạm tội 2 lần trở lên” (theo điểm e), “đối với 2 người trở lên” (theo điểm g) và “đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc” (theo điểm đ).
Tương tự, ngày 07/04/2025, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã thông báo, phản ánh tính chất nghiêm trọng của hành vi được ghi nhận là “nhiều lần” đối với “nhiều người”. Với các tình tiết đã xác định. Căn cứ vào khoản 3, Điều 142, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như “có nạn nhân dưới 10 tuổi” (theo điểm c) hoặc hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như “làm nạn nhân tự sát” (theo điểm g), mức hình phạt tối đa có thể áp dụng là tử hình. Mặc dù vậy, thông tin về tuổi cụ thể của từng nạn nhân và mức độ tổn thương tâm lý, thể chất hiện vẫn chưa được công bố đầy đủ.
Về mặt xã hội, đây là hồi chuông cảnh báo về việc cần tăng cường giám sát đối với các cơ sở có yếu tố tu tập kết hợp nuôi dạy trẻ. Chắc chắn rằng, việc xử lý nghiêm minh hành vi trái pháp luật này để đảm bảo công lý cho trẻ em, cạnh đó nhằm răn đe và phòng ngừa chung đối với những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Quyết định khởi tố bị can của Công an tỉnh Lâm Đồng còn thể hiện sự nghiêm túc và kịp thời của cơ quan điều tra trong việc xử lý hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bước quan trọng tiếp theo là đảm bảo một quá trình xét xử khách quan và công bằng. Qua đó, đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên liên quan và việc thu thập chứng cứ phải chính xác và đầy đủ. Ở vụ án này, có liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, việc đảm bảo quyền lợi của các bị hại là vô cùng quan trọng, nhất là khi các bị hại là trẻ em dưới 16 tuổi”.
Hành vi của bị can có dấu hiệu cấu thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, bởi căn cứ theo Điều 142 Bộ luật Hình sự, với nhiều tình tiết tăng nặng như: thực hiện nhiều lần, nhiều nạn nhân, lợi dụng hoàn cảnh phụ thuộc…Mặt khác, những dấu vết thương tích trên cơ thể một số cháu được chụp hình lại cho thấy cần mở rộng điều tra về hành vi “cố ý gây thương tích” hoặc “hành hạ người dưới 16 tuổi” nếu có”.
Qua sự việc này thiết nghĩ, cũng cần làm rõ trách nhiệm quản lý của cơ sở tôn giáo nơi vụ việc xảy ra. Vì, vụ án này có quá nhiều yếu tố đáng chú ý: số lượng nạn nhân nhiều (ít nhất 7 em); các em đều là trẻ em dưới 16 tuổi; hành vi lặp đi lặp lại trong thời gian dài mà không bị tố giác; có dấu hiệu đe dọa, cưỡng ép, lợi dụng quyền lực (vị trí “sư phụ”) để ép buộc; một số em có biểu hiện tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần…Như vậy, cần điều tra làm rõ trách nhiệm của những người quản lý khác, nếu có người bao che hoặc không tố giác tội phạm, cần đề nghị truy tố để nghiêm trị”.
Các cơ sở tu tập cũng cần có các quy trình rõ ràng khi tiếp nhận trẻ em, đảm bảo các em được đối xử công bằng, được bảo vệ về mặt thể chất và tinh thần. Đặc biệt, trẻ em dưới 16 tuổi dễ bị tổn thương bởi các hành vi xâm hại tình dục và các cơ sở giáo dục tôn giáo cần phải có đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên sâu về bảo vệ trẻ em và tư vấn tâm lý. Với việc thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ tâm lý phù hợp có thể dẫn đến những tổn thương sâu sắc đối với các em. Thông qua vụ án này đã cho thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em để giám sát và bảo vệ trẻ em tại các cơ sở tôn giáo. Các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm kiểm tra, xác minh tình trạng của trẻ em và giám sát các cơ sở này một cách thường xuyên và nghiêm ngặt hơn.
Tương tự, thông qua vụ án này, có thể nhìn nhận sự thiếu vắng hành lang pháp lý và cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ em ngoài công lập, nhất là các cơ sở tôn giáo, từ thiện. Nhiều nơi hoạt động thiện chí, góp phần chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng lại chưa có sự giám sát đồng bộ từ phía cơ quan chức năng. Từ đây, vô tình tạo ra những “khoảng trống” pháp lý dễ bị lợi dụng nếu thiếu minh bạch và trách nhiệm”.
Trường hợp thứ hai: Vụ livestream ồn ào của ViruSs, có dấu hiệu vi phạm pháp luật?
Trong thời gian gần đây, vụ livestream ồn ào của một số người nổi tiếng liên quan đến tình ái không đơn thuần là câu chuyện cá nhân mà còn có thể là một chiến dịch truyền thông ‘bẩn’ nhằm trục lợi từ sự chú ý của công chúng…
Điển hình, trên không gian mạng xã hội đã xảy ra ồn ào tình cảm giữa streamer ViruSs, Pháo và các nghệ sĩ khác. Hai bên thực hiện các phiên livestream bóc phốt nhau trên mạng xã hội, thu hút hàng triệu người tham gia. Trước đó, streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) và những người liên quan như rapper Pháo, hot girl Ngọc Kem, ca sĩ Emma Nhất Khanh gây xôn xao khi livestream làm rõ chuyện tình ái, kéo dài ồn ào cá nhân trong thời gian qua. Đỉnh điểm là buổi livestream đối chất thu hút hơn 1,6 triệu lượt xem vào tối 28/3.
Tương tự, ViruSs bật tính năng yêu cầu người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận. Mức phí đăng ký để tham gia bình luận trong livestream trên tiktok dao động từ 135.000 – 155.000 đồng/tháng. Tại phiên live, nam streamer nhận được rất nhiều quà ủng hộ từ người xem, một số món quà có giá lên tới hàng triệu đồng. Ngày 29/3, cả Ngọc Kem và ViruSs đã lên tiếng xin lỗi, muốn khép lại ồn ào.
Liên quan đến vụ việc này,vào chiều ngày 03/04/2025 mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đã có những phản hồi trong buổi gặp gỡ báo chí tại buổi họp định kỳ. Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, cho hay: “Vụ việc nêu trên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan liên quan xác minh, cụ thể là giao nhiệm vụ này cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Vì vậy, về phân cấp thẩm quyền xử lý đối với vụ việc này, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên (nếu có)”.
Ở vụ việc trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, căn cứ theo Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc phát tán thông tin đời tư lên mạng xã hội có thể vi phạm quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đồng thời, Luật An ninh mạng 2018 cũng quy định nghiêm cấm các hành vi lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Căn cứ theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng nghiêm cấm các hành vi nêu trên.
Căn cứ theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, nếu các bên liên quan phát tán thông tin cá nhân hoặc sai sự thật nhằm mục đích xúc phạm danh dự, họ có thể bị xử lý hành chính với mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội “Vu khống”, với khung hình phạt tù thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 3 năm tù.
Ngoài việc hành vi phát tán thông tin đời tư lên mạng xã hội, trong vụ việc này còn có hành vi livestream công khai tố cáo lẫn nhau. Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Luật An ninh mạng, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý người vi phạm, nếu nội dung livestream mang tính chất xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân; tiết lộ thông tin riêng tư trái phép; gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Mức phạt đối với hành vi này có thể lên đến 50 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Căn cứ theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc chế tài xử phạt đối với hành vi bôi nhọ, công kích người khác trên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính từ 5 – 30 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ theo Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Vu khống”, thì biện pháp khắc phục là buộc gỡ bỏ nội dung vi phạm theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể thấy, sự kiện livestream của ViruSs có thể có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động livestream và nội dung trên mạng xã hội. Từ đó, cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như giấy phép của nền tảng, nội dung phát sóng và việc tuân thủ quy định xác thực tài khoản để xác định mức độ vi phạm và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Cùng với đó, với những nội dung buổi phát sóng còn tiềm ẩn vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm quyền riêng tư và có dấu hiệu kích động. “Việc công khai đời sống tình cảm để tranh cãi, công kích lẫn nhau trên sóng livestream với hàng triệu người theo dõi không chỉ phản văn hóa mà còn góp phần định hình hành vi ứng xử lệch lạc trên mạng xã hội cũng như tư duy lệch chuẩn về việc làm gì để được quan tâm và nổi tiếng.
Khuyến nghị, người dùng mạng xã hội (kể cả mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới) phải xác thực tài khoản. Người livestream cần đảm bảo nội dung không vi phạm pháp luật như: không chia sẻ thông tin sai sự thật; không xâm phạm quyền lợi cá nhân; không vi phạm các đạo đức xã hội; không khuyến khích hành vi vi phạm pháp luật…Nhìn chung, phải tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Thông qua vụ việc này, đã đến lúc cần mạnh tay với các chiêu trò truyền thông “bẩn”, bảo vệ không gian mạng lành mạnh và giữ gìn những giá trị văn hóa, đạo đức của xã hội. Một nền giải trí phát triển không thể dựa trên những chiêu trò giật gân mà phải đặt nền tảng trên sự trung thực, sáng tạo và tôn trọng khán giả.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8, Luật An ninh mạng có quy định cụ thể các hành vi bị cấm trên không gian mạng như: thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 16, Luật An ninh mạng có quy định về “Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống” bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…
Văn Hải – Ngọc Danh