Nghiên cứu trao đổi

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Quan hệ khách hàng và luật sư thế nào khi đương sự đã chết – Phạm tội khi ‘ngáo đá’, tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự?

(HNTTO) – Sáng ngày 12/04/2025, tại trụ sở số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam đã tổ chức buổi tham vấn pháp luật bằng hình thức trực tuyến cho các độc giả, các doanh nghiệp thành viên liên quan đến Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Luật Luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012 và 2015)Bộ luật Dân sự 2015; Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017).

Tại buổi tham vấn pháp luật, các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã trực tiếp giải đáp hai trường hợp cụ thể như: Quan hệ khách hàng và luật sư thế nào khi đương sự đã chết Phạm tội khi ‘ngáo đá’, tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự

Trường hợp thứ nhất: Nếu đương sự đã chết, quan hệ khách hàng – luật sư còn không?

Độc giả ở Khánh Hoà nêu câu hỏi: Nếu đương sự đã chết thì quan hệ “khách hàng – luật sư” còn không; luật sư có quyền bảo vệ cho phía đối lập với khách hàng trong cùng vụ án hay không?

Theo đó, trong một vụ án, nếu luật sư đã đại diện cho một bên (nguyên đơn hoặc bị đơn), nhưng sau đó lại cung cấp dịch vụ pháp lý cho phía đối lập trong cùng vụ án thì hành vi này đã vi phạm nguyên tắc xung đột lợi ích. Trong trường hợp đương sự (khách hàng) đã chết thì hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ bị coi là chấm dứt (trừ trường hợp hợp đồng dịch vụ pháp lý có nhiều khách hàng cùng tham gia).

Pháp luật Việt Nam có quy định nếu trong quá trình tham gia tố tụng dân sự tại Tòa án mà đương sự là cá nhân chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng (Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

Căn cứ theo khoản 2 Điều 5, Điều 59 Luật Trọng tài Thương mại 2010, trong trường hợp cá nhân tham gia giải quyết tranh chấp trong tố tụng trọng tài thương mại chết mà có người thừa kế thì thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực với người thừa kế, và vụ tranh chấp chỉ bị đình chỉ khi cá nhân đó chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế.

Thế nhưng có thể lưu ý, về nguyên tắc nêu trên không áp dụng đối với mối quan hệ giữa luật sư và đương sự (là khách hàng của luật sư) trong trường hợp đương sự chết. Nguyên tắc này chỉ đề cấp đến quyền tham gia tố tụng dân sự tại Tòa án, tố tụng trọng tài tại trọng tài thương mại của người thừa kế của khách hàng đã chết, không liên quan đến mối quan hệ giữa luật sư với khách hàng/người thừa kế của khách hàng. Khi nói về mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng liên quan đến dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp cho khách hàng, thì mối quan hệ này là mối quan hệ hợp đồng (trừ trường hợp được chỉ định).

Căn cứ vào khoản 1 Điều 26 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012 và 2015) có quy định: “Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức”.

Qua đó, hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ ghi nhận rõ nội dung, phạm vi công việc, nghĩa vụ cụ thể mà luật sư sẽ phải thực hiện, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng. Vì vậy, nếu giữa luật sư và khách hàng có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng dịch vụ pháp lý về nội dung, phạm vi công việc, nghĩa vụ của luật sư để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, thì có thể hiểu là nghĩa vụ của luật sư là chỉ dành riêng cho khách hàng.

Căn cứ theo Điều 382 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ được thực hiện chỉ dành cho cá nhân hoặc pháp nhân là bên có quyền mà cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại thì nghĩa vụ cũng chấm dứt”.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định hợp đồng chấm dứt trong trường hợp cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.

Xét bản chất hợp đồng dịch vụ pháp lý như đã phân tích (dịch vụ pháp lý do luật sư thực hiện chỉ dành riêng cho khách hàng), thì có thể xem đây là trường hợp hợp đồng chấm dứt theo quy định này.

Điển hình, căn cứ vào các quy định trên, trong trường hợp khách hàng chết thì hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ bị coi là chấm dứt (trừ trường hợp hợp đồng dịch vụ pháp lý có nhiều khách hàng cùng tham gia).

Do đó, khi khách hàng (đã mất) có người thừa kế chỉ đảm bảo rằng người thừa kế đó sẽ có quyền tham gia tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài mà không liên quan đến mối quan hệ giữa khách hàng với luật sư.Từ góc độ thực hành pháp luật, luật sư cần phải cẩn trọng xem xét đến tính pháp lý của hợp đồng dịch vụ pháp lý ký với khách hàng đã chết. Trong trường hợp người thừa kế của khách hàng muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ pháp lý, luật sư cần yêu cầu người thừa kế ký hợp đồng dịch vụ pháp lý mới với nội dung và phạm vi công việc tương tự như hợp đồng đã ký trước đó trước khi tiếp tục cung cấp dịch vụ cho người thừa kế. Việc này sẽ đảm bảo tính pháp lý cho hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Luật sư và các quy định khác của pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi năm 2012 và 2015) và Quy tắc 15 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, về việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho người có quyền lợi đối lập với khách hàng, đây là hành vi bị nghiêm cấm.

Có thể hiểu, mối quan hệ giữa khách hàng và tổ chức hành nghề luật sư, luật sư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ này cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng, bao gồm Bộ luật Dân sự và Luật Luật sư, cũng như các thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.

Một vấn đề pháp lý đặt ra ở đây, trong vai trò là đương sự trong một vụ án và cũng là khách hàng của tổ chức hành nghề luật sư, không may qua đời trong khi vụ việc chưa được giải quyết, hợp đồng dịch vụ pháp lý có đương nhiên chấm dứt không?

Do đó, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng sẽ chấm dứt khi “cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện”. Mặc dù vậy, không phải mọi hợp đồng đều tự động chấm dứt khi cá nhân qua đời, mà chỉ chấm dứt khi hợp đồng yêu cầu phải do chính cá nhân đó thực hiện. Vì lẻ đó, trong trường hợp cá nhân là khách hàng qua đời khi hợp đồng vẫn đang trong quá trình thực hiện, nhưng hợp đồng không có điều khoản quy định về việc chấm dứt hợp đồng khi khách hàng chết, hợp đồng vẫn có thể tiếp tục hiệu lực. Vấn đề ở đây đặt ra là sẽ phụ thuộc vào quyết định của người thừa kế của cá nhân đã qua đời, rằng họ có muốn tiếp tục hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư hay không.

Thực tế, đã có những vụ việc mà người thừa kế của cá nhân đã qua đời quyết định tiếp tục hợp đồng, yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư tiếp tục cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp này, hợp đồng vẫn được duy trì. Nhằm đảm bảo quá trình thực hiện hợp đồng thuận lợi và tránh rủi ro tranh chấp, các bên thường lập một văn bản xác nhận ý chí của người thừa kế về việc đồng ý tiếp tục hợp đồng dịch vụ pháp lý trước đó, hoặc ký kết một hợp đồng mới dựa trên các điều khoản cũ, đồng thời bổ sung những thỏa thuận mới (nếu có). Song song đó, nếu người thừa kế không muốn tiếp tục hợp đồng, hai bên sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng, và hợp đồng dịch vụ pháp lý sẽ chấm dứt.

Trường hợp thứ hai: Phạm tội khi ‘ngáo đá’ là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự?

Độc giả tại TP.HCM nêu câu hỏi: Trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra vụ việc đối tượng ‘ngáo đá’ gây rối trật tự công cộng, thậm chí là phạm tội nghiêm trọng. Vậy phạm tội khi ‘ngáo đá’ có được coi là tình tiết làm giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự?

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm nêu ví dụ điển hình, vào ngày 27/03/2025, tại phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra vụ việc nam thanh niên (Phan Văn Tuấn) nghi có biểu hiện “ngáo đá” vào nhà dân khống chế và dùng dao đe dọa cháu gái 9 tuổi. Qua 4 giờ “cân não”, lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh đã giải cứu thành công cháu bé. Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ Phan Văn Tuấn để điều tra về hành vi cướp tài sản; bắt, giam giữ người trái pháp luật. 1 ngày sau, đối tượng này vẫn có biểu hiện “ngáo đá”, chưa lấy được lời khai. Điều tra nhanh, Tuấn từng có 3 tiền án.

Tương tự, vào ngày 3/3/2025, Công an phường 7, TP Vũng Tàu đến nhà Dương Hữu Trí để kiểm tra đối tượng quản lý theo quy định, mời Trí về phường để thực hiện xét nghiệm ma túy theo lịch. Thếnhưng, Trí không chấp hành, còn đuổi chém lực lượng chức năng. Thấy sự việc nghiêm trọng, Công an phường 7 tăng cường các lực lượng khác đến hiện trường để vận động, mời Trí về phường, nhưng Trí vẫn không chấp hành, còn xông lên dùng dao đâm trọng thương chiến sĩ cảnh sát cơ động Nguyễn Ngọc Minh N. Sau đó, Trí đốt xe, cố thủ tại tầng 2 trong nhà. Dù được đồng đội đưa đi cấp cứu ngay, chiến sĩ N. đã hy sinh tại bệnh viện.

Căn cứ theo quy định tại Điều 51, Điều 52, Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017), phạm tội khi “ngáo đá” (hay nói chính xác hơn là phạm tội khi sử dụng ma túy) không phải là tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng trách nhiệm hình sự. Người sử dụng ma túy là người tự đưa mình vào trạng thái mất kiểm soát tinh thần và hành vi, căn cứ theo Điều 13, Bộ luật này, họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Vì vậy, phạm tội khi sử dụng ma túy không làm thay đổi trách nhiệm hình sự của đối tượng phạm tội.

Căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, đối tượng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng.

Phân tích thêm vụ việc thanh niên bị “ngáo đá” khống chế cháu bé 9 tuổi tại Bắc Ninh, có thể thấy, đây là vụ việc có tính chất hết sức nghiêm trọng. Đối tượng thể hiện sự manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật và đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người khác. Căn cứ theo Điều 169, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017), đối với hành vi khống chế, bắt cóc bé gái làm con tin rồi yêu cầu cung cấp tiền và phương tiện để đối tượng bỏ trốn là hành vi có dấu hiệu của tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Với tình tiết tăng nặng kịch khung hình phạt khi phạm tội “Đối với người dưới 16 tuổi”, đối tượng có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này, mức phạt có thể áp dụng là 5 năm đến 12 năm tù. Cùng với đó, việc định khung hình phạt còn tùy thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt, nếu giá trị lớn, có thể áp dụng mức phạt cao nhất là tù chung than…

Viện trưởng Viện IMRIC, TS. Hồ Minh Sơn – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm

 

Bài viết liên quan

Back to top button