Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Giải quyết thế nào khi con trai lấy trộm sổ đỏ đi cầm cố- Có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập không?

(HNTTO) – Sáng ngày 12/04/2025, tại trụ sở số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam đã tổ chức buổi tham vấn pháp luật bằng hình thức trực tuyến cho các độc giả, các doanh nghiệp thành viên liên quan đến Bộ luật Dân sự 2015.
Tại buổi tham vấn pháp luật, các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) đã trực tiếp giải đáp hai trường hợp cụ thể như: Con trai lấy trộm sổ đỏ đi cầm cố, giải quyết thế nào – Có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập không?
Trường hợp thứ nhất: Con trai lấy trộm sổ đỏ đi cầm cố, giải quyết thế nào?
Doanh nghiệp thành viên tại Hà Nội nêu câu hỏi: Con tôi có mang sổ đỏ của vợ chồng tôi đi cầm cố để lấy tiền trả nợ và tiêu xài, xin hỏi tôi cần làm thế nào nếu con cái lấy trộm sổ đỏ của tôi đi cầm đồ?
Căn cứ theo Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định thì cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Ngoài ra, căn cứ vào Điều 295 Bộ luật dân sự năm 2015 có ghi nhận với tài sản bảo đảm, các loại tài sản mang đi cầm cố phải có quyền sở hữu hợp pháp của người cầm cố. Trong trường hợp những người con mang tài sản của bố mẹ, tức là mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là số đỏ) đứng tên của bố mẹ chứ không phải đứng tên của những người con đem đi cầm cố, sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, những người con này sẽ không thể cầm cố những tài sản đó do họ không phải là chủ sở hữu hợp pháp.
Căn cứ theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, trong trường hợp này giao dịch thế chấp bằng quyền sử dụng đất sẽ được coi là giao dịch vô hiệu do không thỏa mãn các yếu tố của một giao dịch dân sự. Giao dịch này vô hiệu do các yếu tố như không được sự đồng ý của chủ sở hữu đất hợp pháp, không tuân thủ trình tự và thủ tục thế chấp như không công chứng hợp đồng thế chấp theo đúng quy định của pháp luật, không đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền …
Vì vậy, quý doanh nghiệp hoàn toàn có thể khởi kiện đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đó là Tòa án để đề nghị tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu. Tại đây, Tòa án sẽ căn cứ theo Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015, giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên sẽ trao trả lại cho nhau những gì đã nhận, tức là những người con sẽ phải trả lại khoản tiền vay, và bên nhận thế chấp sẽ trả lại sổ đỏ cho bố mẹ.
Mặt khác, các vấn đề pháp lý như trên, gia đình bạn có thể gặp rất nhiều phiền phức như Bên cho vay tiền sai người đến đe dọa, uy hiếp, gây phiền phức, bạn có thể trình báo sự việc với công an địa phương để ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm. Cạnh đó, con của quý doanh nghiệp có thể gặp rắc rối pháp lý từ những chủ nợ do việc vay nợ. Quý doanh nghiệp cần chuẩn bị kĩ tình huống này nếu có phát sinh xảy ra để xử lý kịp thời.
Trường hợp thứ hai: Có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập không?
Độc giả tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) nêu câu hỏi: Năm 2022, tôi đã lập di chúc chia đất cho các con của mình. Hiện nay, tôi có thêm tài sản nên muốn viết di chúc lần 2 để chia cho các con. Xin cho tôi hỏi việc lập di chúc lần 2 có đúng pháp luật không?
Có thể hiểu, quy định của pháp luật thì di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Việc lập di chúc phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
Căn cứ theo quy định tại Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc có thể được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ: Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào; Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật; Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Cùng với đó, Căn cứ vào Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015, ở trường hợp này, quý độc giả đã lập di chúc hợp pháp từ năm 2022 để chia đất cho các con, sau đó, do còn tài sản nên bạn muốn lập di chúc lần 2 để chia phần tài sản này.
Vì vậy, quý độc giả có thể lựa chọn một trong hai cách sau:
Cách thứ 1: Có thể sửa đổi, bổ sung di chúc năm 2022 bằng việc bổ sung thêm nội dung phân chia phần tài sản phát sinh. Phần nội dung di chúc bổ sung có hiệu lực pháp luật như di chúc bạn đã lập năm 2022. Trong trường hợp phần bổ sung bạn có chỉnh sửa một phần nội dung của di chúc năm 2022 thì phần bổ sung có hiệu lực pháp luật, phần di chúc bị sửa đổi năm 2022 không có hiệu lực pháp luật.
Cách thứ 2: Quý độc giả có thể lập di chúc mới thay thế di chúc cũ đã lập năm 2022. Trường hợp độcgiả lập di chúc hoàn toàn mới, trong đó chỉ định lại người thừa kế, phân định lại phần di sản cho từng người thừa kế thì di chúc mới có hiệu lực pháp luật, di chúc năm 2022 bị hủy bỏ.
Tin rằng, với việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc quý độc giả có thể thực hiện vào bất cứ lúc nào…
Phó viện trưởng Viện IRLIE, ThS. Phạm Trắc Long – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn