Nghi vấn biến tướng cờ bạc từ những hội thi chim “trá hình”

Từ thú vui nuôi chim tao nhã đã trở thành nơi câu độ, gài độ, cay cú, sát phạt.. và sạt nghiệp, tan nhà nát cửa, gia đình mất hạnh phúc, nợ chồng chất, thậm chí bị vướng lao lý cũng từ những cuộc đấu tại các hội thi chim bị biến tướng “trá hình” thành sới bạc.
Khắp nơi trên cả nước đang có hiện tượng nở rộ như nấm sau mưa. Nơi đâu cũng có trường chim thay cho trường gà, do loại hình đá gà độ bị cơ quan chức năng cấm, do có tính chất bài bạc. Câu lạc bộ (CLB) chơi chim được lập ra khắp nơi, có CLB trực thuộc Hội Sinh vật cảnh, nhưng cũng có nhiều CLB tự phát do một nhóm người hoặc một cá nhân điều hành. Nhiều giải đấu được mở ra với những tên gọi rất chuyên nghiệp như: Giải đấu tuần, giải đấu tháng, Cúp tranh hùng, siêu cúp Bình Định, siêu cúp Thái Nguyên, Siêu cúp Quảng Nam mở rộng… và nơi đây tình trạng đá chim cá độ, sát phạt nhau bằng tiền cũng kinh hoàng, sôi động không thua kém gì các trò cờ bạc đỏ đen khác.
Một Siêu cúp được tổ chức tại tỉnh Gia Lai dưới danh nghĩa Hội Sinh vật cảnh tỉnh Gia Lai tổ chức được quảng bá, kêu gọi người chơi tham gia từ rất sớm
Đặc biệt, hiện nay phong trào thi chim chào mào là hình thức được ưu chuộng và nở rộ với nhiều biến tướng cờ bạc bậc nhất. Trên khắp cả nước, ngày nào, tuần nào cũng có giải đấu, hội thi. Người tham gia sẽ đăng ký thi và đóng tiền cho ban tổ chức. Thường là, người thi sẽ chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản cá nhân của người đăng cai tổ chức, nhằm xác nhận mua vé để cho chim vào thi đấu. Những cuộc đấu tại trường thường có quy mô nhỏ có thể là vài chục lồng, nhưng các cuộc đấu với quy mô mở rộng có thể lên đến vài trăm lồng. Lệ phí tham gia đấu chim cũng nhảy múa theo cơ cấu của giải thưởng do ban tổ chức giải đặt ra, có giải lệ phí là vài triệu đồng, nhưng có giải lệ phí lên đến vài chục triệu đồng. Tổng số tiền sát phạt của một giải mở rộng lên đến hàng tỉ đồng, được ban tổ chức lách bằng cách quảng bá thưởng ô tô, xe máy, vật phẩm và tất cả được quy đổi ra tiền mặt (người chơi gọi là nhận tiền tươi).
Một giải đấu, “sát phạt” với số tiền tham gia là 3.000.000 đ, ban tổ chức giải cho cả trẻ vị thành niên tham gia thi đấu.
Và những cuộc đấu bất chấp tất cả, có những cuộc đấu có cả người chơi là trẻ vị thành niên, thiếu nhi tham gia sát phạt. Tình hình mất an ninh trật tự tại giải đấu do có tính chất sát phạt liên tục sảy ra. Nhiều vụ đánh nhau, mẫu thuẩn phát sinh trong thi đấu là không tránh khỏi. Thậm chí có những cuộc đấu, người thi trượt giải đánh cả trọng tài và vô vàn hệ luỵ từ những đấu trường như thế này.
Chưa kể, nạn tận diệt chim rừng, huỷ hoại mồi trường thiên nhiên do săn bắt, bẩy chim Chào mào để bán, huấn luyện thi đấu, tham gia đỏ đen diễn ra hằng ngày. Người nghệ nhân chân chính với thú chơi tao nhả không còn đất. Thay vào đó là những con bạc, “trá hình” sát phạt đỏ đen dưới mọi hình thức. Đấu trường bên trong nóng rực và đấu trường bên ngoài cũng nóng không kém với nhiều phi vụ chuyển nhượng, thét giá những chú chim đấu với giá lên đến hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng. Tệ nạn xã hội từ những đấu trường chim đã lên mức đáng báo động.
Một cuộc ẩu đả , đánh cả trọng tài vì “con bạc” không đồng ý với kết quả được lan truyền trên mạng xã hội trong một cuộc sát phạt tại cuộc thi chim.
Tiếng chửi thề, bàn tán inh ỏi theo số tiền mọi người theo độ ở khắp vùng miền kéo về những sân chơi đấu trường mở rộng. Thành phần tham gia độ thi chim khá đa dạng, phần lớn là những thanh niên rủng rỉnh tiền bạc, có thời gian chăm chút cho chim chiến. Ngoài những người nuôi chim, xách lồng đi độ chim thì cũng có khá nhiều người có máu đỏ đen đến các cuộc đấu chim mà sát phạt nhau như trò cờ bạc chuyên nghiệp.
Theo ông D. – người chơi chim cảnh, ngụ Đồng Nai từng mua nhiều suất tham gia thi các “siêu cúp mở rộng” cho biết: “mỗi độ sát phạt chim nhiều hay ít là do người tổ chức giải đặt ra, như các giải siêu cúp, người chơi phải đóng lệ phí là khá cao, quy mô giải đấu là cả trăm lồng đấu, tổng số tiền ăn thua, sát phạt lên tới hàng tỉ đồng, giá trị giải thưởng rất cao nên chim tham gia phải là chim chiến”.
Siêu cúp Quảng Nam – Đấu trường 100 được đăng cai trên các nền tảng mạng xã hội sẽ diễn ra vào ngày 1/6/2025 tới đây.
Các siêu cúp hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng diễn ra liên tiếp để chào đón các anh hùng có máu đỏ đen đưa chim đi thi đấu.
Những cuộc đấu, sát phạt, đỏ đen diễn ra hằng ngày, giải đấu được quảng bá rầm rộ trên các nền tảng số, mạng xã hội… kêu gọi con bạc đăng ký tham gia sát phạt. Nhưng ai, cơ quan nào cấp phép cho những cuộc đấu này? UBND cấp Xã, Phường, Sở Văn hoá Thể thao Di lịch các tỉnh hay Hội Sinh vật cảnh địa phương vẫn đang là dấu chấm hỏi? Chính quyền địa phương nơi diễn ra các cuộc đấu, cơ quan ban, ngành quản lý có biết hay không? khi để những cuộc đấu “trá hình” biến tướng như thế này diễn ra? Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, dẹp bỏ vấn nạn trên, trả môi trường trong sạch lại cho những nghệ nhân chân chính, hội viên hội sinh vật cảnh, để những chú chim không còn là “chiến tước” hót tan hạnh phúc, đá bay mất cửa nhà vì những trận chiến do kẻ trục lợi lên kế hoạch đưa con bạc vào tròng.
(Bài xuất bản số T4, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)
Nhóm PV