TS. Hồ Minh Sơn phân tích yếu tố pháp lý về người mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm ở Quảng Nam và báo tin giả bị cướp để che giấu nợ nần, đối diện mức án nào?

(HNTTO) – Nhằm lan toả các mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp thành viên và các độc giả. Theo đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA); Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (VICRAFTS); Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam quan tâm, nhất là trong việc tuyên truyền Luật Hoà giải ở cơ sở; Luật Cư trú; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật Giao thông đường bộ; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật trẻ em; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo…
Cụ thể, sáng ngày 08/04/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các độc giả, các doanh nghiệp thành viên, các doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại…
Tại buổi tham vấn pháp lý, nhiều độc giả đã đặc biệt quan tâm đến người mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm ở Quảng Nam và báo tin giả bị cướp để che giấu nợ nần, sẽ đối diện mức án nào?…Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn đã giải đáp các thắc mắc một cách cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất: Người mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm ở Quảng Nam
Qua theo dõi các cơ quan thông tin báo chí đưa tin, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (44 tuổi, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để điều tra hành vi Giết người.
Bị can Tô Thị Ty Na (44 tuổi, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) áo đỏ, bị khởi tố để điều tra hành vi Giết người
Kết quả điều tra xác định, vào hồi 22h5 ngày 2/1/2023 trước đó, cháu N.V.H. (SN 2017, là con ruột của bà Na) chết tại nhà vệ sinh của gia đình. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan công an đã xác định Na là nghi phạm. Mục đích giết cháu bé nhằm trục lợi bảo hiểm. Đây là hành vi phi nhân tính cần xử lý theo chế tài nghiêm khắc nhất.
Nhiều năm tham gia công tác bảo vệ trẻ em, trực tiếp can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều trẻ em yếu thế, bị bạo hành, bị xâm hại, thậm chí có những trẻ em bị sát hại nhưng tôi chưa từng thấy vụ việc nào mẹ lại sát hại con để trục lợi bảo hiểm như vụ việc này…
Pháp luật Việt Nam hiện bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, đặc biệt là bảo vệ trẻ em. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, nhất là Luật trẻ em 2016 đã có rất nhiều các quy định cụ thể để bảo vệ quyền trẻ em, trong đó có quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng sức khỏe.
Phân tích về góc độ pháp lý, quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự, đối với hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác, trong vụ án trên lại chính là con ruột của nghi phạm trước hết cấu thành tội Giết người.
Theo Điều 123, tội Giết người có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong vụ án, nạn nhân mới 8 tuổi là tình tiết tăng nặng theo quy định (Giết người dưới 16 tuổi). Theo thông tin của các cơ quan thống tấn báo chí đưa tin, có thể thấy mục đích sát hại con của nghi phạm nhằm trục lợi tiền bảo hiểm. Do đó, người phụ nữ này có thể bị xem xét thêm về tội Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó, với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như phạm tội với động cơ đê hèn, phạm tội với người dưới 16 tuổi, phạm tội với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục … nên hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt là tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Với tội danh trên có thể bị phạt tới 7 năm tù nếu số tiền trục lợi lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án này có thể coi là trường hợp điển hình về việc trục lợi bảo hiểm bằng hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Trên thực tế, đã ghi nhận nhiều vụ việc như dàn dựng tai nạn, làm giả hồ sơ y tế, giả chết,… Thế nhưng, giết con ruột để trục lợi bảo hiểm là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức ở mức độ nghiêm trọng và rất phi nhân tính.
Căn cứ theo Điều 6 Luật trẻ em quy định nghiêm cấm hành vi: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em;…Pháp luật cũng quy định trách nhiệm bảo vệ đầu tiên là trách nhiệm của cha mẹ.
Đồng thời, Luật Hôn nhân và gia đình quy định cha mẹ của trẻ em có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đến khi trưởng thành. Vì vậy, hành vi sát hại chính con đẻ của mình để trục lợi bảo hiểm là hành vi vô cùng nhẫn tâm, cần phải xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ yếu tố nhân thân của người mẹ, làm rõ động cơ mục đích phạm tội làm căn cứ xử lý và cũng là căn cứ để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn tình trạng xâm phạm đến thân thể của trẻ em, trục lợi bảo hiểm xảy ra như vụ việc đãnêu ở trên.
Trường hợp thứ hai: Loan báo tin giả bị cướp để che giấu nợ nần, đối diện mức án nào?
Điển hình, vào ngày 23/03/2024 mới đây, Công an phường Bình Hưng Hòa A (TP.HCM) đang hoàn tất hồ sơ xử lý PHL (30 tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú tại phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) về hành vi khai báo thông tin giả, không đúng sự thật đến cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Được biết, L đến công an trình báo rằng khi trên đường đi làm về, đến khu vực trước Cổng Đa Minh (nghĩa trang Bình Hưng Hòa), anh ta bị bốn thanh niên đi trên hai xe máy áp sát, đạp ngã. Ví của L rơi xuống đường, bên trong có 9 triệu đồng. Hai người nam ngồi sau xe xuống dùng cây sắt tấn công, đánh vào đầu và móc túi lấy điện thoại di động của L rồi tẩu thoát.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Bình Hưng Hòa A nhanh chóng điều tra, truy xét nhưng không tìm thấy bằng chứng về vụ cướp. Sau khi bị thẩm vấn, L thừa nhận đã dựng chuyện.
Độc giả đặt câu hỏi: Hành vi của L có phải chịu chế tài pháp lý nào hay không?
Dưới góc độ pháp lý, hành vi của L có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì đã cố tình cung cấp thông tin giả đến cơ quan công an, làm sai lệch sự thật về một vụ cướp không có thật. Khi trình báo, L đã cố tình mô tả chi tiết một vụ việc một cắp nghiêm trọng, bao gồm cả tình tiết bị đánh vào đầu và bị cướp mất tài sản…
Có thể thấy, đối với hành vi này không chỉ làm mất thời gian và công sức của lực lượng chức năng trong việc xác minh, điều tra mà còn có thể gây hoang mang trong dư luận, tạo ra nhận thức sai lệch về tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Cạnh đó, với việc trình báo thông tin giả một cách có chủ đích thể hiện sự cố ý của L nhằm đạt được mục đích cá nhân, đó là che giấu sự thật về việc sử dụng tiền và tài sản của mình.
Mặt khác, hành vi này của L đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của cơ quan công an. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng phải huy động nhân sự, phương tiện để điều tra, xác minh tại hiện trường.
Song song đó, hành vi của L vi phạm quy định về việc báo thông tin giả, không đúng sự thật đến cơ quan có thẩm quyền. Theo điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 2-3 triệu đồng.
Căn cứ theo Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015 (SĐBS 2017), trong trường hợp này L không có ý định vu khống ai, tuy nhiên nếu có yếu tố gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động tư pháp, người vi phạm có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.
TS. Hồ Minh Sơn
Tin rằng, thông qua vụ việc dù chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, hành vi của L vẫn cần được xử lý nghiêm khắc để răn đe và ngăn chặn các hành vi tương tự trong tương lai.
CTV TVPL Trần Ngọc Danh – Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn