Nhiều công ty chứng khoán đặt mục tiêu tăng lãi mạnh

(HNTTO) – Đánh giá kịch bản tích cực của VN-Index trong năm 2025, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với các con số thực hiện được trong năm 2024.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, nhiều CTCK đã đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng tích cực của thịtrường chứng khoán (TTCK).
Ban lãnh đạo Chứng khoán DNSE nhận định, TTCK Việt Nam năm 2025 sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi với khung pháp lý đã được hoàn thiện thông qua các Nghị định 08 và Nghị định 65; thanh khoản TTCK tiếp tục cải thiện sau khi tăng 23% trong năm 2024; và mặt bằng lãi suất thấp thu hút dòng vốn từ kênh tiết kiệm sang chứng khoán, thể hiện qua dư nợ margin đạt đỉnh 180.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có các yếu tố hỗ trợ khác như GDP dự kiến tiếp tục tăng trưởng tốt, lạm phát kỳ vọng duy trì ổn định, chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng, khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo FTSE Russell và hệ thống giao dịch mới KRX đi vào vận hành sẽ hỗ trợ thanh khoản.
Trên cơ sở đó, Chứng khoán DNSE đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.507 tỷ đồng, tương đương tăng 82% so với thực hiện năm 2024. Lãi ròng 327 tỷ đồng, tăng 44%. Nếu hiện thực hóa thành công, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của Chứng khoán DNSE kể từ khi niêm yết đến nay.
Một đơn vị khác cũng mới tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên là CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS). Trong tờ trình gửi Đại hội, HĐQT VFS đánh giá nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ TTCK năm 2025 như kinh tế dự báo hồi phục, đẩy mạnh đầu tư công, triển khai hệthống giao dịch KRX. VFS kỳ vọng VN-Index dao động trong biên độ 1.260 – 1.400 điểm trong năm 2025. Dòng tiền hoạt động sôi động hơn, kỳ vọng giao dịch ở mức bình quân 18-20 nghìn tỷ đồng/phiên khi VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.300 điểm.
2025 vẫn được đánh giá là năm có nhiều thuận lợi để các công ty chứng khoán đặt mục tiêu tham vọng
Các cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2025 dự kiến 515,15 tỷ đồng, tăng tới 75% so với mức thực hiện năm 2024. Lãi trước thuế kế hoạch 172,5 tỷ đồng, tương đương tăng 10,5%. Chia sẻ với cổ đông, CEO Trần Anh Thắng nhận định, đây là mục tiêu thách thức với ban điều hành. Trong năm 2025, VFS sẽ tập trung vào các mảng doanh thu môi giới, cho vay ký quỹ và doanh thu tự doanh.
Ngoài ra, hàng loạt CTCK “top” đầu thị phần môi giới giao dịch sàn HoSE (năm 2024) dù chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, song đã hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2025 với các con số tăng trưởng tích cực.
CTCP Chứng khoán VPS – doanh nghiệp đứng đầu thị phần môi giới sàn HoSE năm 2024, đề ra kế hoạch doanh thu thuần 8.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2024. Ngoài ra, lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt là 3.500 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng, tăng 11%.
Tương tự, CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) – xếp thứ hai thị phần môi giới sàn HoSE, cũng gây chú ý với kế hoạch doanh thu 9.695 tỷ đồng, lãi trước thuế 4.252 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 20% so với thực hiện năm 2024. Đây là con số lợi nhuận kế hoạch kỷ lục của công ty này.
Không khó để chỉ ra hàng loạt CTCK với mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng mạnh như: Chứng khoán Kafi (mục tiêu lãi trước thuế 800 tỷ đồng, tăng 221,3% so với thực hiện năm 2024), Chứng khoán Maybank (kếhoạch 422 tỷ đồng, tăng 55,03%), Chứng khoán MBS (kế hoạch 1.300 tỷ đồng, tăng 39,7%), Chứng khoán ACBS (kế hoạch 3.120 tỷ đồng, tăng 59,39%)…
Dù vậy, vẫn có số ít CTCK đặt mục tiêu thận trọng với mức tăng trưởng lợi nhuận (so với thực hiện năm 2024) dưới 10%. Đó là CTCP Chứng khoán Agribank với mục tiêu năm 2025 lãi 181 tỷ đồng, tăng 7,42%; Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đặt kế hoạch lợi nhuận 910,5 tỷ đồng, tăng gần 7%. Ngoài ra còn có Chứng khoán Rồng Việt đặt mục tiêu 12 tỷ đồng lợi nhuận, chỉ tăng xấp xỉ gần 1%.
Ngược lại, CTCP Chứng khoán FPT (HoSE: FTS) với kế hoạch doanh thu từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính là 1.000 tỷ đồng, giảm 0,6% so với thực hiện 2024, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, giảm gần 2,5%. Đáng chú ý, đây là mức lợi nhuận thấp nhất của FTS trong giai đoạn 2021-2024.
Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị duy nhất đặt mục tiêu lỗ là CTCP Chứng khoán BOS (UPCoM: ART). Trong tờ trình ĐHĐCĐ thường niên, HĐQT công ty giả định với kịch bản phát hành riêng lẻ 10,8 triệu cổ phiếu thành công, doanh thu thuần dự kiến 10,8 tỷ đồng, lỗ gần 9,1 tỷ đồng.
Có thể thấy, với sự khởi sắc của TTCK trong gần 1 quý trở lại đây, đồng loạt cổ phiếu các CTCK đều diễn biến tích cực với mức tăng trưởng hai chữ số với FTS (+23,3%), VND (+24,29%), VCI (+19,05%), BSI (+22,53%), HCM (+11,56%)… trong khi đó một số mã như DSE (+0,2%), VDS (-2,01%) có mức tăng thấp hoặc giảm so với số đầu năm.
Đánh giá triển vọng các CTCK, SSI Research nhìn nhận, 2025 vẫn được đánh giá là năm có nhiều thuận lợi đểcác CTCK đặt mục tiêu tham vọng.
Bóc tách sâu hơn từng mảng kinh doanh, đơn vị này ước tính thu nhập từ phí mảng môi giới chứng khoán gần như không đổi trong năm 2025, trong bối cảnh giá trị giao dịch tăng sẽ bù đắp một phần cho xu hướng giảm phí do cạnh tranh giữa các công ty.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn trong năm 2024 và kế hoạch 2025 tiếp tục sẽ hỗ trợ doanh thu mảng cho vay ký quỹ, song mức tăng trưởng sẽ khó có sự bứt phá trong bối cảnh điều kiện thị trường nhiều biến động. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) có thể giảm do cạnh tranh và sự biến động của môi trường lãi suất.
Đáng chú ý, mảng ngân hàng đầu tư được dự báo sẽ dần hồi phục nhờ một số đợt IPO đang triển khai và mảng bảo lãnh phát hành trái phiếu có thể khả quan khi thị trường trái phiếu hồi phục. Riêng với mảng tựdoanh, doanh thu từ chứng chỉ tiền gửi hoặc giấy tờ có giá kỳ vọng vẫn duy trì tỷ trọng lớn.
Đức Ngọc
https://thoibaonganhang.vn/nhieu-cong-ty-chung-khoan-dat-muc-tieu-tang-lai-manh-162267.html