TS. Hồ Minh Sơn phân tích yếu tố pháp lý khi livestream trên mạng xã hội và sau vụ tố đánh một nữ sinh, chủ trọ ở Hà Nội bị xử lý như thế nào?

(HNTTO) – Sáng ngày 04/04/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS); Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho các độc giả và các doanh nghiệp thành viên…
Tại đây, TS. Hồ Minh Sơn đã trực tiếp phân tích yếu tố pháp lý liên quan đến hai trường hợp như: Trường hợp thứ nhất: Trách nhiệm pháp lý khi livestream trên không gian mạng xã hội; Trường hợp thứ hai: Chủ trọ ở Hà Nội đối diện với nhiều vấn đề pháp lý sau vụ bị tố đánh một nữ sinh…
Trường hợp thứ nhất: Trách nhiệm pháp lý khi livestream trên mạng xã hội
Theo quy định pháp luật, người thực hiện hoạt động livestream nói riêng và các hoạt động khác trên mạng xã hội nói chung phải chịu trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp.
Điển hình, qua theo dõi trên không gian mạng xã hội thì gần đây xuất hiện khá nhiều các vụ livestream đấu tố nhau trên mạng xã hội liên tục diễn ra. Vợ chồng cãi nhau cũng livestream, đòi nợ cũng livestream, “nói xấu” đối thủ cạnh tranh cũng livestream và tất nhiên nội dung thì không hề tích cực và thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Qua theo dõi vụ streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) cùng hội “người yêu cũ” đã có những màn tương tác qua lại ở những phiên livestream trên TikTok. Đỉnh điểm buổi phát sóng ngày 28-3 thu hút cả triệu người xem, trong đó khán giả muốn bình luận thì phải trả phí (135.000-155.000 đồng/tháng). Theo đó, phân trần, phủ nhận về những lùm xùm tình ái, rapper Pháo thì đòi tham gia và đối chất trực tiếp. Chưa dừng lại ở đó, Ngọc Kem (bạn gái cũ của ViruSs) và một số cô gái khác tiếp tục mở livestream khác, tố cáo anh chàng này hẹn hò cùng lúc với nhiều người.
Như vậy, ngoại tình hay không, yêu cùng lúc mấy người là chuyện riêng – nhưng nó lại được các chính chủ công khai trên mạng xã hội thì đây không còn là chuyện cá nhân. Qua đó, thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là từ những người có sức ảnh hưởng sẽ có tác động lớn đến cộng đồng và pháp luật thì luôn có các quy định để điều chỉnh vấn đề này.
Với những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của cộng đồng. Với lượng người theo dõi đông đảo, họ cần có trách nhiệm tuân thủ các quy tắc đạo đức, không lan truyền thông tin gây kích động hay xâm phạm quyền riêng tư của người khác.
Đồng thời, livestream kiểu “bóc phốt” có thể gây tổn hại đến người bị nhắc đến mà còn vi phạm quy định pháp luật về quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm và bí mật đời tư. Những cuộc đối chất công khai trên livestream, nhất là liên quan đến chuyện đời tư, có thể vô tình tạo ra “thói quen công kích” trên không gian mạng.
Cạnh đó, với những mâu thuẫn cá nhân bị phơi bày trước hàng triệu người xem, khán giả dễ bị cuốn vào cuộc tranh luận theo hướng thiếu tích cực; hay sử dụng lời lẽ công kích, thậm chí tấn công cá nhân liên quan. Từ đây, có thể dẫn đến tình trạng “tòa án trên mạng xã hội” nơi mà sự phán xét không dựa trên bằng chứng rõ ràng mà bị chi phối bởi cảm xúc và định kiến. Nếu không có sự kiểm soát và định hướng hợp lý, mạng xã hội có thể trở thành một môi trường “độc hại”, nơi việc công kích cá nhân dần trở nên bình thường hóa…
Khuyến nghị, nhằm hạn chế những hệ lụy tiêu cực trên, cần có sự phối hợp giữa cá nhân, cộng đồng mạng và cơ quan quản lý để định hướng lại cách sử dụng không gian mạng một cách văn minh và có trách nhiệm hơn. Những người nổi tiếng cũng cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cung cấp nội dung, tránh khai thác đời tư cá nhân như một công cụ để thu hút sự chú ý. Mặt khác, người dùng mạng xã hội cần nâng cao nhận thức khi tiếp nhận thông tin, tránh tiếp tay cho văn hóa công kích. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo một môi trường mạng lành mạnh, tôn trọng quyền riêng tư và đạo đức xã hội.
Căn cứ vào khoản 30, Điều 3, Nghị định 147/2024 định nghĩa livestream (phát trực tuyến) là tính năng cho phép các tài khoản trên các mạng xã hội hoặc trên các nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử truyền tải trực tuyến các nội dung, các dữ liệu dưới dạng âm thanh, hình ảnh theo thời gian thực.
Theo điểm d, khoản 6, Điều 24 của Nghị định 147 còn nêu rõ chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được cung cấp tính năng livestream hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức.
Tại điểm e, khoản 3 Điều 23 Nghị định 147 quy định các tổ chức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Vì vậy, chỉ các nền tảng mạng xã hội nào được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp phép hoạt động thì mới được cung cấp tính năng livestream cho người dùng. Đối với cá nhân, khi tham gia mạng xã hội và muốn livestream thì tài khoản đó phải được xác thực…
Do đó, người nổi tiếng có khả năng định hướng tư tưởng và quan điểm của công chúng. Thế nhưng, những cuộc livestream đấu tố, chỉ trích lẫn nhau dễ tạo ra xu hướng xấu, đặc biệt đối với giới trẻ.
Cụ thể, vào tháng 12-2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 3196 về bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khi ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng không được đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Đối với người sử dụng mạng xã hội nói chung, pháp luật hiện hành nghiêm cấm các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin để vu khống, xúc phạm uy tín, tiết lộ bí mật cá nhân của người khác. Vì lẻ đó, dù là ai, khi thực hiện livestream phải lưu ý những nội dung mà mình phát ngôn, nếu không sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro pháp lý.
Căn cứ vào điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022) quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; các thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Mức phạt sẽ là từ 20-30 triệu đồng nếu có hành vi lợi dụng mạng xã hội để tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt này áp dụng đối với tổ chức vi phạm, trường hợp cá nhân vi phạm mức phạt sẽ bằng 1/2 so với mức phạt trên.
Cùng với đó, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), ở mức độ nghiêm trọng hơn hành vi sử dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, tiết lộ bí mật cá nhân của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2-7 năm tù.
Trường hợp thứ hai: Chủ trọ ở Hà Nội đối diện với nhiều vấn đề pháp lý sau vụ bị tố đánh một nữ sinh
Ví dụ: Vào ngày 25-2, chị A. dọn phòng để chuyển sang nơi khác. Dù chị A. đã hoàn thành việc dọn dẹp và bàn giao lại các tài sản của phòng. Tuy nhiên, khi đề nghị chủ trọ trả lại tiền cọc, ông L. lấy nhiều lý do phi lý nhằm gây khó dễ. Sau tranh cãi, ông L. chấp nhận trả lại cọc. Nhưng, theo bài đăng, A. đã bị gia đình ông L. đánh hội đồng trong nhà. Chỉ khi cô gái khóc, hét lớn, ông L. và người thân mới dừng tay và cho cô rời khỏi nhà. Chị A. sau đó đến trình báo công an sở tại.
Có thể thấy, hành vi của ông L. (chủ nhà) trong trường hợp trên không chỉ đơn thuần là tranh chấp hợp đồng thuê nhà mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng.
Qua theo dõi thông tin trên các cơ quan truyền thông và mạng xã hội, căn cứ theo điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu ông L. và người thân sử dụng vũ lực hoặc đe dọa nhằm cưỡng ép người thuê vào trong phòng, theo đó có thể là bị truy tố về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong khi đó, ở mặt khách quan thể hiện ở hành vi bắt giữ người trái pháp luật là khống chế người khác để tạm giữ họ, có thể dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác nhau như khống chế không cho vượt ra ngoài sự kiểm soát trong một khoảng thời gian ngắn.
Đối với hành vi giam người trái pháp luật được thể hiện là nhốt người bị bắt vào một nơi trong một thời gian nhất định (như tạm giam, nhốt ở trong nhà, phòng kín…). Luật quy định rất rõ, ai có hành vi ngăn cản người khác rời khỏi một địa điểm trái với ý muốn của họ, nhất là khi sử dụng vũ lực, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Nếu hành vi này diễn ra trong một khoảng thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do cá nhân của người bị hại, mức phạt có thể lên đến 7 năm tù.
Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung năm 2017), việc ông L. đóng kín cửa cùng người thân lao vào hành hung chị A. là yếu tố có thể khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Ở câu chuyện này không chỉ là một tranh chấp dân sự thông thường giữa chủ nhà và người thuê, mà đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Việc xử lý theo đúng quy định pháp luật không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của nạn nhân mà còn góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự xảy ra trong tương lai. Vì vậy, người bị hại cần chủ động thu thập bằng chứng, trình báo với cơ quan chức năng và yêu cầu giám định thương tích để khởi tố hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả…
CTV TVPL Bùi Văn Hải – Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm