Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Người lao động hưởng chế độ nghỉ ốm tối đa bao nhiêu ngày – Nên làm gì nếu công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội?

(HNTTO) – Sáng ngày 04/04/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho các độc giả là công nhân ở các khu công nghiệp và các doanh nghiệp thành viên…
Tại đây, các luật gia, luật sư, các tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn đã tham vấn, giải đáp các câu hỏi liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực đến 1/7/2025) và Bộ luật Lao động 2019…
Trường hợp thứ nhất: Người lao động hưởng chế độ nghỉ ốm tối đa bao nhiêu ngày trong năm?
Người lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 nêu câu hỏi: Theo quy định của pháp luật, chế độ nghỉ ốm đau được tính như thế nào, thời gian nghỉ tối đa trong năm ra sao?
Căn cứ Điều 26, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 (có hiệu lực đến 1/7/2025) quy định thời gian nghỉ chế độ ốm đau tối đa trong 1 năm của người lao động với số ngày từ 30 – 70 ngày làm việc/năm. Riêng trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì có thể nghỉ dài ngày hơn, thậm chí thời gian nghỉ ốm có thể bằng thời gian đã đóng BHXH.
Hiện nay, pháp luật không giới hạn thời gian nghỉ ốm trong 1 tháng nhưng người lao động nghỉ ốm cần phải đảm bảo tổng thời gian nghỉ ốm trong 1 năm không vượt quá số ngày được xác định dưới đây:
Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường: Được nghỉ tối đa 30 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm dưới 15 năm; Được nghỉ tối đa 40 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; Được nghỉ tối đa 60 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 30 năm trở lên.
Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên: Được nghỉ tối đa 40 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm dưới 15 năm; Được nghỉ tối đa 50 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; Được nghỉ tối đa 70 ngày làm việc nếu đã đóng bảo hiểm từ đủ 30 năm trở lên.
Người lao động mắc bệnh cần điều trị dài ngày: Được nghỉ tối đa 180 ngày, bao gồm cả ngày lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần. Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn cần phải điều trị thì được nghỉ tiếp với thời gian tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Thời gian người lao động nghỉ ốm vẫn được coi là thời gian làm việc và được tính vào số ngày nghỉ phép năm của người lao động, với điều kiện là thời gian nghỉ ốm cộng dồn không quá 2 tháng trong 1 năm.
Căn cứ theo Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7, người lao động mắc bệnh dài ngày sẽ không còn được hưởng trọn vẹn 180 ngày nghỉ chế độ ốm đau như trước đây. Qua đó, người lao động mắc bệnh dài ngày có thể nghỉ chế độ ốm đau trong 1 năm tối đa từ 30 – 70 ngày, tùy vào điều kiện làm việc của mỗi người, với mức hưởng bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Trong trường hợp người lao động vẫn cần tiếp tục điều trị sau khi hết thời gian nghỉ ốm đau tối đa, sẽ tiếp tục hưởng chế độ ốm đau nếu bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Y tế ban hành.
Để được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật BHXH 2024, quý độc giả phải đáp ứng các điều kiện: Điều trị bệnh không phải bệnh nghề nghiệp, điều trị tai nạn không phải tai nạn lao động hoặc điều trị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại, theo tuyến đường và thời gian hợp lý.
Trường hợp thứ hai: Người lao động nên làm gì nếu công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội?
Người lao động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai nêu câu hỏi: Nghỉ việc đã lâu nhưng chưa nhận được sổ bảo hiểm xã hội từ công ty cũ, người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
Căn cứ theo khoản 5 Điều 21 Luật BHXH 2014 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn đưa ra hướng dẫn như sau: Công ty cũ không chốt sổ BHXH và cung cấp tờ rời quá trình tham gia BHXH cho bạn, bạn có thể tham khảo và thực hiện các hành động sau để giải quyết vấn đề này:
Liên hệ trực tiếp với công ty cũ: Người lao động (NLĐ) cần liên hệ với bộ phận nhân sự hoặc kế toán của công ty cũ để yêu cầu trả lại sổ BHXH; Gửi đơn yêu cầu bằng văn bản, có ghi rõ thời hạn công ty phải hoàn trả sổ.
Gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng: Nếu công ty cố tình không trả sổ BHXH, NLĐ có thể gửi đơn khiếu nại đến: Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi công ty đóng BHXH để yêu cầu can thiệp.
Về hồ sơ khiếu nại bao gồm: Đơn khiếu nại (nêu rõ việc công ty không trả sổ BHXH); Hợp đồng lao động, quyết định nghỉ việc (nếu có); Giấy tờ xác nhận quá trình làm việc; CMND/CCCD (bản sao).
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 và Khoản 3 Điều 19 Luật BHXH 2014, người lao động có quyền: “Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội” và trách nhiệm: “Bảo quản sổ BHXH”.
Có thể thấy, hiện người tham gia được cấp và bảo quản 01 sổ BHXH duy nhất. Khi người tham gia BHXH lần đầu sẽ được cơ quan BHXH cấp bìa sổ, hàng năm cơ quan BHXH sẽ gửi thông báo xác nhận thời gian tham gia BHXH, BHTN đến người tham gia.
Do đó, nếu quý độc giả đã được cấp bìa sổ BHXH trước đó thì cơ quan BHXH sẽ không cấp bìa sổ mới, NLĐ không thể được cấp sổ BHXH mới nếu đã có sổ cũ. Nếu không lấy được sổ từ công ty cũ, NLĐ có thể đến cơ quan BHXH để xin trích lục quá trình đóng BHXH và làm thủ tục cấp lại sổ…
Phó viện trưởng Viện IRLIE Phạm Trắc Long – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn