Nghiên cứu trao đổiThị trường

TS. Hồ Minh Sơn: Người đi XKLĐ, đóng bảo hiểm không liên tục vẫn được thụ hưởng lương hưu – Cách tính lương hưu như thế nào?

(HNTTO) – Mới đây, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam tổ chức buổi tham vấn pháp lý, phân tích nghiên cứu về thị trường lao động ở nước ngoài đượchưởng những bảo hiểm và cách tính lương hưu như thế nào luôn được cộng đồng doanh nghiệp và độc giả quan tâm…

Dưới góc độ chuyên gia, TS. Hồ Minh Sơn đã trực tiếp phân tích và tham vấn cụ thể sau: Trường hợp thứ nhất: Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tham gia BHXH bắt buộc đủ 15 năm (có thể cộng dồn thời gian tham gia BHXH cả ở nước ngoài và trong nước) khi đến tuổi nghỉ hưu được nhận lương hưu hàng tháng…; Trường hợp thứ hai: Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 đã bổ sung quy định để tính lương hưu đối với người Việt Nam đi lao động nước ngoài có tham gia BHXH ở nước ngoài. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn chi tiết về nội dung này.

Trường hợp thứ nhất: Cơ hội lớn cho người đi XKLĐ, đóng bảo hiểm không liên tục vẫn hưởng lương hưu 

Doanh nghiệp nêu câu hỏi, quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như thế nào? Các chế độ thụ hưởng ra sao?

Luật BHXH năm 2024 bắt đầu có hiệu lực từ 1/7 tới quy định, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quyền tham gia và thụ hưởng BHXH bắt buộc.

Về chính sách đảm bảo quyền lợi tham gia và thụ hưởng BHXH cho người lao động làm việc ở nước ngoài, BHXH Việt Nam đã thông tin cụ thể.

Căn cứ theo Luật BHXH 2024, người lao động là công dân Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có quyền tham gia BHXH bắt buộc. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm đóng BHXH. Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Phương thức đóng có thể là hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần, hoặc đóng trước một lần cho nhiều kỳ, hoặc truy đóng sau khi về nước. Thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.

Trong trường hợp được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới tại nước tiếp nhận lao động thì việc đóng BHXH tiếp tục theo phương thức này hoặc truy đóng sau khi về nước. Cơ quan BHXH có trách nhiệm xác định và theo dõi người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH.

Đối với quyền lợi thụ hưởng chính sách BHXH bắt buộc, Luật BHXH 2024 quy định rõ: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời gian đóng BHXH bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ BHXH theo quy định của Luật này.

Người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất và được rút BHXH một lần. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp ốm đau hàng tháng được tính bằng 75% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi người lao động nghỉ việc. Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trước khi đi.

Đặc biệt, lao động nữ là công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi mà có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì được hưởng chế độ thai sản.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi về nước, nếu đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu. Thời gian đóng BHXH ở Việt Nam và ở nước ngoài có thể được cộng gộp nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định. Mức hưởng lương hưu hàng tháng được tính theo tỷ lệ phần trăm trên mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Thân nhân của người lao động đang đóng BHXH bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc mà bị chết thì được hưởng chế độ tử tuất. Chế độ tử tuất bao gồm trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất (hàng tháng hoặc một lần).

Mặt khác, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc làm việc ở nước ngoài mà có yêu cầu có thể được hưởng BHXH một lần trong các trường hợp quy định tại Luật BHXH 2024. Do đó, trong trường hợp này, người đang làm việc và đóng BHXH bắt buộc, nếu anh tiếp tục đóng BHXH cho đến khi về nước đủ 15 năm, thì đến tuổi nghỉ hưu sẽ đủ điều kiện nhận lương hưu.

Nếu thời gian đóng BHXH của quý doanh nghiệp chưa đủ 15 năm, khi về nước, có thể tiếp tục tham gia BHXH. Thời gian tham gia BHXH sẽ được cộng dồn cả ở nước ngoài và tại Việt Nam. Quý doanh nghiệp tham gia đóng BHXH đủ 15 năm trở lên thì khi đến tuổi nghỉ hưu, anh sẽ nhận được lương hưu hàng tháng.

Trong suốt quá trình tham gia BHXH bắt buộc, quý doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, và có quyền rút BHXH một lần theo quy định của Luật BHXH 2024.

Trường hợp thứ hai: Người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài sẽ được tính lương hưu như thế nào?

Tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất cách tính lương hưu đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH ở nước ngoài.

Theo dự thảo, việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm, được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 66 của Luật BHXH.

Cụ thể, mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Ví dụ điển hình, ông T. 62 tuổi, đề nghị hưởng lương hưu từ ngày 1/3/2029, có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam là 10 năm và thời gian đóng BHXH ở Hàn Quốc là 5 năm. Việc xem xét, giải quyết chế độ hưu trí đối với ông T. được thực hiện căn cứ theo quy định của Luật BHXH và Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để xét điều kiện hưởng lương hưu của ông C. là tổng thời gian tham gia BHXH ở Việt Nam và Hàn Quốc: 10 năm + 5 năm = 15 năm. Do đó, ông C, đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Điển hình, mức hưởng lương hưu ở Việt Nam được tính theo thời gian người lao động đã đóng BHXH tại Việt Nam: Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông C. là: 10 năm x 2,25% = 22,5%.

Căn cứ theo quy định tại Điều 72 của Luật Bảo hiểm xã hội, mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với 10 năm đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam được tính. Bên cạnh mức lương hưu được hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội của Việt Nam, ông C. còn được hưởng chế độ hưu trí đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại Hàn Quốc theo quy định của phápluật Hàn Quốc.

Được biết trước đó, Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã được ký kết ngày 14/1/2021, tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này, và cũng là Hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác.

Tin rằng, với việc ký kết Hiệp định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước khi di chuyển đến làm việc trên lãnh thổ của mỗi bên, bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động. Song song đó, việc quy định về tránh đóng song trùng bảo hiểm xã hội, người lao động hai nước sẽ được tính cộng gộp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ở cả Việt Nam, Hàn Quốc để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí.

(Bài xuất bản số đặc biệt T4, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)

Hồ Vĩnh Chung – PCVP Viện IRLIE; CVP Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm

 

Bài viết liên quan

Back to top button