Nghiên cứu trao đổi

Phân tích yếu tố pháp lý việc bị hại có được bồi thường khi kẻ thủ ác gây án xong tự sát – Tự vệ ra sao khi bị người khác hành hung?

(HNTTO) – Trong thời gian gần đây, nhiều độc giả đã gửi thư về Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc quan tâm và nhờ tham vấn pháp lý liên quan đến việc bị hại có được bồi thường khi kẻ thủ ác gây án xong tự sát – Tự vệ ra sao khi bị người khác hành hung?

Có thể thấy, hai trường hợp này thường xuyên xảy ra qua theo dõi các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, điển hình: Ở trường hợp thứ nhất trong trường hợp hung thủ gây án xong tự sát, phía bị hại vẫn có thể nhận được bồi thường. Ở trường hợp thứ hai, những vụ bạo lực trên đường đã không còn xa lạ gần đây, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về quyền tự vệ của mình.

Trường hợp thứ nhất: Bị hại có được bồi thường khi kẻ thủ ác gây án xong tự sát?

Cụ thể, vào cuối tháng 12 năm 2024, NHA (33 tuổi, quê Vĩnh Long) được phát hiện đã chết trong tư thế treo cổ tại một nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. NHA được cơ quan chức năng xác định là nghi phạm đã sát hại chị DTNH (19 tuổi, em vợ) tại một phòng trọ ở quận Gò Vấp, TP.HCM…

Căn cứ Khoản 7 Điều 157 BLTTHS thì cơ quan chức năng sẽ không khởi tố vụ án. Trường hợp vụ án có nhiều nghi can thì những người còn lại vẫn sẽ khởi tố theo quy định, nếu hung thủ gây án tự sát trong giai đoạn khởi tố vụ án.

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS thì CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can, trường hợp hung thủ chết trong giai đoạn điều tra.

Qua đó, do hung thủ đã chết nên các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không khởi tố vụ án hoặc đình chỉ điều tra (nếu đã khởi tố) đối với vấn đề bồi thường thiệt hại. Lúc đó, nhiệm vụ bồi thường thiệt hại được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự (BLDS).

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 584 BLDS, người có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Do đó, trong trường hợp người có hành vi phạm tội chết thì những người được hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường nếu người có hành vi phạm tội có để lại tài sản.

Theo Điều 615 BLDS quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Có bốn trường hợp cần tham khảo:

Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Do đó, dù người gây án đã chết nhưng nếu họ có tài sản để lại thì tài sản đó vẫn được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị hại. Khi đó, những người hưởng thừa kế của người gây án phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Trường hợp người gây án đã chết mà không có tài sản để lại thì không ai có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại.

Tại Điều 591 BLDS cũng quy định, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai tang; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định…

Mặt khác, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại hoặc người bị thiệt hại trực tiếp nuôi dưỡng.

Trường hợp thứ hai: Tự vệ ra sao khi bị người khác hành hung?

Điển hình, ngày 10/02/2025, anh L.X.H (31 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) dừng xe máy để chờ lấy hàng đi giao ở ngách 50/310 Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội). Sau đó, ô tô nhãn hiệu Lexus do Tống Anh Tuấn (43 tuổi, ngụ Hà Nội) từ ngõ 310 Nghi Tàm đi vào ngách 50 thì xảy ra va chạm với xe máy. Tuấn sau đó dùng chân, tay, mũ bảo hiểm đánh gây thương tích anh H.. Theo camera ghi lại, anh H. đã dùng tay che và không dám đánh lại.

Có thể thấy, những vụ bạo lực trên đường đã không còn xa lạ, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về quyền tự vệ của mình khi đối diện với tình huống nguy hiểm.

Qua theo dõi các cơ quan báo chí đưa tin, camera ghi lại cảnh tượng anh bị đánh liên tiếp gần 20 lần trong 30 giây, không hề có sự phản kháng. Khuôn mặt anh sưng vù.

Câu hỏi được độc giả quan tâm và nêu cho chúng tôi: Nếu anh Hưng đánh trả, liệu có đi theo một hướng khác? Anh có quyền phản kháng không, và nếu có, giới hạn nào được xem là hợp pháp?

Căn cứ theo điều 22 Bộ Luật Hình sự 2015, phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân hoặc người khác. Nếu hành động tự vệ nằm trong giới hạn người phòng vệ sẽ không bị coi là có tội. Tuy nhiên, nếu vượt quá mức cần thiết, gây nguy hiểm không tương xứng với hành vi tấn công ban đầu, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ rất mong manh. Khi bị hành hung, nếu chỉ phản kháng để đẩy lùi nguy hiểm, bảo vệ bản thân mà không gây tổn hại nghiêm trọng cho kẻ tấn công, đó là hành động hợp pháp. Phòng vệ chính đáng là quyền của mỗi công dân để bảo vệ bản thân trước hành vi xâm phạm.

Mặc dù vậy, nếu hành vi chống trả rõ ràng vượt quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của cuộc tấn công, thì người phòng vệ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại điều 126 Bộ Luật Hình sự thì tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu hành vi tự vệ dẫn đến cái chết của kẻ tấn công trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người phòng vệ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội đối với 2 người trở lên, mức phạt tù có thể lên đến 5 năm.

Tại điều 136 Bộ Luật Hình sự có quy định về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu tỉ lệ tổn thương cơ thể của kẻ tấn công từ 31% đến 60%, người phòng vệ có thể bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu mức độ thương tích nghiêm trọng hơn hoặc gây chết người, mức phạt tù có thể lên đến 3 năm.

Từ đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét kỹ lưỡng bối cảnh, mức độ tấn công và hành vi của các bên để xác định tính hợp pháp của hành động phòng vệ. Nếu bị đánh nhẹ nhưng phản công bằng vũ khí nguy hiểm, người phòng vệ có thể bị xem là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, nếu bị tấn công dữ dội, không còn cách nào khác ngoài việc chống trả để bảo vệ tính mạng, thì hành động đó có thể được coi là hợp lý.

Đặc biệt, nếu bị tấn công trên đường, chúng ta nên làm gì? Nếu có thể tránh né hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, đó luôn là phương án an toàn nhất. Nếu buộc phải tự vệ, hãy giữ mức độ cần thiết, không nên tiếp tục tấn công khi đối phương đã dừng hành động nguy hiểm. Điều quan trọng là bảo vệ chính mình nhưng cũng phải tránh những hậu quả pháp lý không đáng có.

Thực tế từ câu chuyện của anh H. đặt ra nhiều suy ngẫm. Nếu anh đánh trả, có thể anh đã giảm bớt thương tích, nhưng cũng có khả năng anh sẽ vướng vào vòng lao lý. Giữa cơn giận dữ và sự sống còn, đôi khi giữ được sự bình tĩnh không chỉ giúp bảo vệ tính mạng mà còn tránh việc vi phạm pháp luật.

Có thể khẳng định rằng, việc phòng vệ chính đáng là quyền lợi hợp pháp, nhưng vượt quá giới hạn có thể khiến người bảo vệ chính mình trở thành người vi phạm pháp luật. Khuyến nghị, mỗi cá nhân cần trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm, đồng thời tránh rơi vào những rủi ro pháp lý không đáng có.

Vì vậy, với câu chuyện này là như một lời nhắc nhở tất cả mọi công dân rằng bạo lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không phải lúc nào người bị tấn công cũng có thể phản kháng mà không lo hậu quả.Song song với đó, thay vì để những sự việc tương tự tiếp diễn, xã hội cần nâng cao ý thức pháp luật, tăng cường các biện pháp bảo vệ và tạo ra một môi trường an toàn hơn cho tất cả mọi người.

TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm

Bài viết liên quan

Back to top button