Nghiên cứu trao đổi

TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị hành vi đưa ‘tin vịt’ hoặc “đào” lại clip mập mờ thông tin lên không gian mạng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

(HNTTO) – Sáng ngày 15/02/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi hội thoại pháp luật, nhằm tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE, Câu lạc Câu lạc bộ báo chí truyền thông và Chính sách pháp luật (Viện IRLIE) và một số người dân…

Tại đây, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã phân tích hai tình huống pháp lý đối với hành vi đưa ‘tin vịt’ hoặc “đào” lại clip mập mờ thông tin lên không gian mạng, có thể bị phạt tiền hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự….

Trường hợp thứ nhất: Đăng “tin vịt”, không kiểm chứng

Những người đưa thông tin thất thiệt sẽ phải đối diện với các chế tài pháp lý, không đơn giản chỉ là xử phạt hành chính.

Cụ thể, chiều 11-2, T và C lướt mạng xã hội Facebook thì thấy có thông tin cảnh giác bắt cóc trẻ em và đã chia sẻ lại thông tin này lên trang cá nhân của mình mà không kiểm tra tính chính xác của nguồn tin. Sau đó, Công an tỉnh Quảng Nam đã triệu tập để làm việc với HVT (ngụ xã Bình Minh) và PTC (ngụ xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) liên quan đến việc hai người này đã chia sẻ thông tin sai sự thật bắt cóc trẻ em.

Có thể thấy, đối với hành vi chia sẻ, đăng tải thông tin không đúng sự thật, vi phạm trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội không mới. Thời gian qua, Công an các địa phương đã xử phạt rất nhiều trường hợp tương tự như hai trường hợp nêu trên.

Hầu hết các trường hợp cá nhân bị xử phạt đều chưa nhận thức được hậu quả của mình gây ra, chỉ nghĩ đơn giản là chia sẻ thông tin để gây hiếu kỳ, thu hút lượt tương tác trên mạng xã hội để bán hàng, câu view, câu like…

Mặc dù vậy, cần nhìn nhận một cách nghiêm túc là hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Theo đó, không đơn giản là phạt hành chính mà người đăng tải thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội vu khống; tội làm nhục người khác; tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…(tùy thuộc vào hành vi, hậu quả của người thông tin sai sự thật gây ra).

Về chế tài hành chính, căn cứ theo quy định tại Điều 101, Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định14/2022), người đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính.

Trong đó, người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.

Bên cạnh việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Đồng thời, còn có thể bị xử lý hình sự, xử phạt hành chính (tùy từng vụ việc) thì người đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật còn có thể phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

Căn cứ theo Điều 592 Bộ luật Dân sự quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Mặt khác, người vi phạm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trường hợp thứ hai: “Đào” lại clip mập mờ thông tin lên không gian mạng

Việc ‘đào lại’ một sự kiện cũ nhưng không ghi rõ thời gian, gây hiểu nhầm hoặc kích động dư luận có thể bị xử phạt nặng. Gần đây, một số trang mạng xã hội đăng tải một số clip không rõ tính xác thực hoặc thời gian xảy ra sự việc. Nội dung trong clip gây hiểu lầm, bức xúc từ cộng đồng mạng làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức.

Điển hình, trang TikTok Hi88 Rồng Đưa Tin ngày 11-2 có đăng tải clip nội dung “Một xe công vụ thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM đang lưu thông trên đường mà điều lạ là tài xế mặc thường phục, một tay lái xe còn một tay thì nghe điện thoại và không thắt dây an toàn. Chắc do gấp quá thôi nhỉ?”. Clip trên nhận về hàng trăm bình luận tiêu cực của cộng đồng mạng, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng CSGT TP HCM.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đoạn clip này diễn ra ở địa quận 12 và đã qua nhiều năm trước. Vụ việc trên cũng đã được Phòng CSGT Công an TP HCM xử lý. Vì lẻ đó, việc “đào lại” một sự kiện cũ nhưng không ghi rõ thời gian, gây hiểu nhầm hoặc kích động dư luận có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng.

Hành vi cung cấp, phát tán thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật An ninh mạng 2018. Việc đăng tải lại một sự kiện cũ nhưng không ghi rõ thời gian có thể khiến người xem hiểu lầm rằng đây là một vụ việc mới xảy ra, từ đó dẫn đến những phản ứng tiêu cực, thậm chí làm phát sinh những hành động sai lệch do hiểu nhầm bản chất sự việc.

Từ đó, không chỉ gây rối loạn thông tin trên không gian mạng mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân, tổ chức có liên quan. Căn cứ theo Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022), cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trường hợp nội dung đăng tải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội, dẫn đến hậu quả như kích động bạo lực, gây thiệt hại về tài sản, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) cũng quy định các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với hành vi đưa tin sai sự thật trên không gian mạng. Cùng với đó, nếu thông tin được đăng tải gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý theo điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Mức phạt có thể lên đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.

Ngoài ra, theo Điều 155 về tội làm nhục người khác hoặc Điều 156 về tội vu khống thì nếu nội dung đăng tải có tính chất vu khống, xuyên tạc sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức hoặc cá nhân, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý. Tùy vào mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tin rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão thì các thông tin trên mạng xã hội lan truyền với tốc độ nhanh chóng, việc kiểm chứng nguồn tin trước khi chia sẻ là vô cùng quan trọng. Song song đó, mong rằng tất cả người dùng mạng cần nâng cao ý thức trách nhiệm khi tiếp nhận và phát tán thông tin, tránh tiếp tay cho hành vi lan truyền tin giả, thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội…

Bùi Văn Hải (CTV TVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)

Bài viết liên quan

Back to top button