Ông Phạm Trắc Long – GĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, có làm được thẻ căn cước – Chuyển nơi đăng ký thường trú cho con, cha mẹ có phải chuyển cùng?

(HNTTO) – Sáng ngày 15/02/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi hội thoại pháp luật, nhằm tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và một số người dân…
Tại đây, Ông Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Thường trực Viện IRLIE, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) đã giải đáp hai vấn đề liên quan việc người dân doanh nghiệp không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú liệu có làm được thẻ căb cước công dân và chuyển nơi đăng ký thường trú cho con, cha mẹ liệu có phải chuyển cùng…
Không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, có làm được thẻ căn cước
Theo quy định của pháp luật, trường hợp người đề nghị cấp thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại.
Căn cứ theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 nêu rõ, mọi công dân Việt Nam đều được cấp thẻ căn cước. Ngoài ra, theo Điều 4 Thông tư số 17/2024/TT-BCA ngày 15/5/2024 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước quy định về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú như sau: Thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ căn cước; Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng có nơi tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi tạm trú của người được cấp thẻ; Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ; Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú. Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt).
Do đó, người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thì vẫn được đăng ký cấp thẻ căn cước.
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 17/2024/TT-BCA cũng có hướng dẫn với trường hợp không thu nhận được hoặc thu nhận không đầy đủ thông tin về nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo.
Điển hình, nếu nơi sinh, quê quán, nơi đăng ký khai sinh trên thẻ Căn cước chưa có hoặc chưa đầy đủ thông tin về cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh: Công dân phải cung cấp giấy tờ, tài liệu đã có đầy đủ thông tin đó để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Qua đó, giấy tờ người dân cung cấp vẫn chưa đầy đủ thông tin về địa danh hành chính: Công dân cung cấp thông tin và phải làm văn bản cam kết, chịu trách nhiệm với các thông tin về nơi sinh, quê quán, nơi đăng ký khai sinh đã cung cấp.
Với thông tin dân tộc, tôn giáo chưa có trên thẻ Căn cước hoặc công dân đề nghị cập nhật, điều chỉnh: Sẽ được cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh. Trong đó, dân tộc, tôn giáo được cập nhật phải thuộc danh mục dân tộc, tôn giáo đã được ban hành hoặc công nhận.
Chuyển nơi đăng ký thường trú cho con, cha mẹ có phải chuyển cùng?
Căn cứ theo Điều 12 Luật Cư trú quy định: Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống…
Người chưa thành niên có thể nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Trong đó, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện tại Khoản 3 điều 20 Luật cư trú: Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.
Căn cứ vào khoản 1, Điều 7, Nghị định 154/2024 có hướng dẫn trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú không phải là nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Vì vậy, người dân có thể chuyển nơi đăng ký thường trú cho con vào địa chỉ của mình đang đăng ký tạm trú nếu đáp ứng quy định trên mà không bắt buộc mẹ cũng phải chuyển nơi đăng ký thường trú theo con. Khi tiến hành thủ tục đăng ký thường trú cho con thì bạn phải thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trần Danh (CTV TVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)