Xã hội

LS. Phạm Lan Thảo – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Năm 2025, có nhiều điểm mới thuế thu nhập cá nhân – Lấy tiền lì xì của con, có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

(HNTTO) – Sáng ngày 15/02/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tổ chức buổi hội thoại pháp luật, nhằm tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và một số người dân…

Tại đây, Luật sư Phạm Lan Thảo – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) đã giải đáp hai vấn đề liên quan việc có nhiều điểm mới thuế thu nhập cá nhân năm 2025 và cha mẹ lấy tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng

Thuế thu nhập cá nhân từ năm 2025 có nhiều điểm mới

Căn cứ vào Điều 8 Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.

Qua đó, tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán, các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ có trách nhiệm thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân.

Căn cứ tại khoản 5 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025 cũng sửa đổi, bố sung các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số tại Luật Quản lý thuế 2019.

Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.

Kể từ 1/1/2026, thu nhập từ kinh doanh trên 200 triệu/năm mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay, ngưỡng thu nhập từ kinh doanh chịu thuế thu nhập cá nhân là 100 triệu đồng trở lên theo khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi bởi Luật số 71/2014/QH13.

Căn cứ theo quy định quy định mới nhất tại Điều 17 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024, ngưỡng thu nhập từ kinh doanh chịu thuế thu nhập cá nhân tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 nêu trên tiếp tục được sửa đổi.

Cụ thể, thu nhập từ kinh doanh chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thu nhập từ kinh doanh chịu thuế thu nhập cá nhân nêu trên không bao gồm thu nhập của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh có doanh thu dưới mức quy định tại khoản 25 Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 là 200 triệu đồng/năm.

Căn cứ vào Điều 18 Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 cũng nêu rõ quy định về mức doanh thu của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế tại khoản 25 Điều 5 của Luật này và Điều 17 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Kể từ ngày 1/1/2026, cá nhân sản xuất, kinh doanh có doanh thu trên 200 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thay vì ngưỡng 100 triệu đồng/năm như hiện tại.

Lấy tiền lì xì của con, cha mẹ có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

Lì xì là một phong tục truyền thống của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán, mang ý nghĩa chúc phúc, cầu may mắn và thịnh vượng. Ngoài ý nghĩa tinh thần, việc quản lý số tiền lì xì của trẻ em cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý đáng quan tâm.

Căn cứ theo Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trẻ em có quyền sở hữu tài sản riêng, bao gồm tài sản được thừa kế, tặng cho riêng, thu nhập từ lao động và các nguồn thu hợp pháp khác. Tiền lì xì là khoản tiền được người lớn tặng cho trẻ em trong dịp Tết, vì vậy, nó được coi là tài sản riêng của trẻ.

Đối với trẻ dưới 15 tuổi, cha mẹ có quyền quản lý tài sản riêng của con và chỉ được sử dụng vì lợi ích của con. Đối với trẻ từ 15 tuổi trở lên, trẻ có quyền tự quản lý tiền lì xì hoặc có thể nhờ cha mẹ giữ hộ. Nếu cha mẹ tự ý sử dụng tiền lì xì của con vào mục đích khác mà không phải vì lợi ích của con, hành vi này có thể bị coi là vi phạm pháp luật.

Căn cứ theo Điều 58 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Điều này áp dụng nếu cha mẹ lấy tiền lì xì của con mà không được con đồng ý và không sử dụng vì lợi ích của con.

Điển hình, mức xử phạt được áp dụng khi cha mẹ tự ý chiếm đoạt tài sản riêng của con, sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân thay vì vì lợi ích của con, không xem xét nguyện vọng của con khi sử dụng tài sản đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên.

Trong thực tế, cha mẹ thường giữ tiền lì xì của con để giúp con tiết kiệm, tránh tiêu xài lãng phí hoặc sử dụng vào những khoản chi tiêu hợp lý như mua sách vở, quần áo, đóng học phí. Nếu việc giữ tiền nhằm đảm bảo lợi ích của con, hành vi này không bị coi là vi phạm pháp luật.

Mặc dù vậy, nếu cha mẹ tự ý sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân mà không vì lợi ích của con, hoặc không hoàn trả khi con đủ tuổi quản lý tài sản riêng, thì có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Để tránh những tranh chấp không đáng có, cha mẹ nên giải thích rõ ràng cho con về giá trị và cách quản lý tài sản. Nếu giữ tiền giúp con, nên có sự thỏa thuận và giải thích hợp lý. Đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên, cần tham khảo ý kiến của con khi sử dụng số tiền này. Khi trẻ đủ 15 tuổi, nên để con tự quản lý tài sản hoặc hỗ trợ quản lý theo mong muốn của con.

Thuỳ Duyên (CTV TVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)

Bài viết liên quan

Back to top button