TS. Hồ Minh Sơn phân tích yếu tố pháp lý liên quan vụ thao túng tâm lý lừa đảo người dân giải hạn – Người chơi đánh bạc trực tuyến, cái bẫy và trở thành “con mồi”
![](https://huongnghiepthitruong.vn/wp-content/uploads/2025/02/image0-7-780x470.jpeg)
(HNTTO) – Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); một số độc giả yêu cầu Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc nhờ tham vấn pháp lý liên quan đến vụ thao túng tâm lý lừa đảo người dân nhằm giải hạn và chơi đánh bạc trực tuyến…
Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn phân tích cụ thể như sau: Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của khách hàng, một số đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn coi bói, trục vong, giải hạn online.Ngoài ra, người tham gia đánh bạc online rất ít, thậm chí là không có cơ hội chiến thắng. Bởi, các hệ thống đánh bạc trực tuyến không hoạt động dựa trên sự may rủi thực sự mà được lập trình để đảm bảo nhà cái luôn có lợi.
Thao túng tâm lý lừa đảo người dân giải hạn
Cụ thể, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa mới đây đã nhận được đơn của một phụ nữ (ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) tố giác một đối tượng ở TP Thanh Hóa lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng thông qua bói toán, trục vong, giải hạn. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Trịnh Phương Mai là đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của khách hàng để lừa đảo với các thủ đoạn trên. Tại cơ quan Công an, Trịnh Phương Mai khai nhận, từ đầu năm 2022, Mai thường sử dụng mạng xã hội Facebook với tên “Triệu Phương Mai” để đăng tải bài viết nhằm thu hút người dân có nhu cầu xem bói, tử vi, tướng số và giải hạn.
Được biết, vào khoảng tháng 4/2024, chị Đ.T.T.O ở TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã nhờ Mai xem bói. Lợi dụng tâm lí nhẹ dạ, cả tin của chị O, Mai đã bịa ra các câu chuyện tâm linh không có thật nhằm thao túng tâm lý, khiến chị O lo sợ, phải làm các thủ tục giải hạn. Theo kết quả điều tra ban đầu, chị Đ.T.T.O đã nhiều lần chuyển tiền cho Trịnh Phương Mai, trong đó lần ít nhất là 25 triệu đồng, nhiều nhất là 54 triệu đồng. Từ tháng 7/2024 đến khi bị bắt, Trịnh Phương Mai đã dụ dỗ, buộc chị O. chuyển số tiền hơn 1 tỷ đồng để cúng giải hạn, giải bùa, giải vong.
Có thể thấy, việc bị bắt giữ vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua bói toán, trục vong, giải hạn ở trường hợp này là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có thể cấu thành Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Phân tích, Trịnh Phương Mai đã dùng thủ đoạn gian dối để khiến nạn nhân tin vào những câu chuyện tâm linh bịa đặt, từ đó liên tục yêu cầu chuyển tiền để làm các nghi lễ không có thật. Hành vi này không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản cho nạn nhân, mà còn lợi dụng sự mê tín để thao túng tâm lý, khiến nạn nhân rơi vào trạng thái hoang mang, sợ hãi.
Như vậy, căn cứ theo Điều 174 BLHS, số tiền mà Trịnh Phương Mai chiếm đoạt là hơn 1 tỷ đồng, do đó đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất thuộc khoản 4 của Điều luật này”. Đồng thời, hình thức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. Mặt khác, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, hoạt động mê tín dị đoan trên không gian mạng diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng thường xuyên phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, xây dựng các kênh youtube, các website để tuyên truyền về các hoạt động mê tín dị đoan. Nhiều người vì nhẹ dạ cả tin nên đã tin theo, làm theo các đối tượng này dẫn đến mất tiền, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy, việc xử lý về các hành vi hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các cô đồng, thầy bói, thầy phong thủy do có hành vi vi phạm pháp luật là cần thiết. Mê tín dị đoan là việc đặt niềm tin mù quáng vào những điều mơ hồ, không dựa trên cơ sở khoa học, thực tế, mà chỉ dựa vào những quan niệm được truyền miệng hoặc do tưởng tượng. Một số hình thức mê tín dị đoan ở Việt Nam như bói toán, xem tướng số, tử vi, gọi hồn, thỉnh vong, cúng sao giải hạn, chữa bệnh bằng thuật bùa chú, yểm bùa…
Căn cứ theo quy định tại Điều 320, Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hành nghề mê tín dị đoan”.
Đây cũng sẽ là bài học đối với nhiều người tiền mất tật mang khi nhẹ dạ cả tin, tin theo các hoạt động bói toán, đồng cốt. Việc xử lý với đối với các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng là hình thức răn đe mạnh mẽ, để đảm bảo an ninh an toàn mạng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh quyết liệt đối với các tệ nạn xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Cạnh đó, TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị, người dân cần nâng cao nhận thức về mê tín dị đoan; phân biệt tín ngưỡng chân chính với mê tín dị đoan. Với những hành vi bói toán, cúng giải hạn với mục đích trục lợi đều là bất hợp pháp. Không nên tin vào những lời phán đoán vô căn cứ từ các ‘thầy bói’, ‘thầy cúng’ trên mạng xã hội”. Trong bối cảnh công nghệ mạng “nở rộ”, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng Facebook, TikTok, Zalo để tiếp cận nạn nhân, tạo niềm tin bằng các bài viết thu hút. Người dân cần kiểm chứng thông tin, không dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền khi chưa xác minh rõ ràng; báo ngay cho cơ quan công an khi phát hiện hành vi lừa đảo. Khi gặp trường hợp nghi ngờ, người dân nên trình báo với cơ quan công an để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp đã bị lừa, cần giữ lại bằng chứng (tin nhắn, biên lai chuyển tiền) và tố giác đến các cơ quan chức năng để kịp thời để bảo vệ quyền lợi của mình.
Người chơi đánh bạc trực tuyến, cái bẫy và trở thành “con mồi”
Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán hoặc lễ hội Xuân, tệ nạn cờ bạc lại bùng phát, tràn lan từ nông thôn đến thành thị, bởi tâm lý của một bộ phận người dân cho rằng, việc thử vận may đầu năm qua trò đỏ – đen chỉ là một thú vui chơi ngày Tết. Ngoài việc các hình thức đánh bạc trực tiếp, những năm gần đây, đánh bạc trực tuyến cũng đang nở rộ, với quy mô rộng, thậm chí xuyên quốc gia với số người và số tiền tham gia lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Xảy ra tình trạng này, nhiều chuyên gia tội phạm học cho rằng, rất dễ dàng tìm được những website đánh bạc trực tuyến vì nó được quảng cáo khắp mọi nơi trên nhiều nền tảng. Những trang này được thiết kế bắt mắt, dễ chơi và được quảng cáo là dễ thắng.
Khẳng định rằng, lực lượng công an các đơn vị, địa phương trên cả nước ngay những ngày đầu năm mới 2025 đã phá hàng loạt các đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia …phần nào cho thấy tính chất, mức độ và quy mô hoạt động của loại tội phạm này.
Điển hình, ngày 10/01/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 16 bị can về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Điều hành đường dây này là đối tượng Trần Trung Hiếu, tức Hiếu “Dế”, 35 tuổi, trú tại phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Cơ quan công an xác định, tài khoản Super Master của Hiếu ghi nhận tổng số tiền giao dịch cá độ bóng đá từ ngày 27/11 đến ngày 31/12/2024 là 106 tỷ đồng. Thống kê từ cuối năm 2023 đến nay, tổng số tiền các đối tượng dùng để cá độ là khoảng 1.200 tỷ đồng.
Theo TS. Hồ Minh Sơn phân tích, cá cược và đánh bạc online không chỉ là một vấn đề pháp lý mà còn là một rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội ngày càng trở thành công cụ để các tổ chức đánh bạc trực tuyến hoạt động tinh vi hơn. Qua đó, các đối tượng phạm tội tận dụng kẽ hở pháp lý, che giấu danh tính và lợi dụng nền tảng công nghệ để vận hành hệ thống đánh bạc bất hợp pháp. Trong đó, nhiều trò chơi cá cược trá hình được ngụy trang dưới dạng game giải trí, khiến nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, tham gia mà không ý thức được rằng mình đang đánh bạc.
Qua theo dõi các cơ quan truyền thông đã thông tin, các đối tượng làm việc với cơ quan điều tra, họ đều khai thác tâm lý ham thử vận may, mong muốn kiếm tiền nhanh mà không cần đầu tư nhiều công sức. Ngoài ra, các hệ thống này tích hợp tiền điện tử và ví điện tử giúp người chơi dễ dàng nạp tiền chỉ trong vài thao tác. Từ đây, vừa tạo cảm giác tiện lợi, vừa giúp che giấu dòng tiền, khiến việc kiểm soát và xử lý vi phạm trở nên khó khăn hơn. Một khi đã bước chân vào, người chơi rất dễ rơi vào vòng xoáy của cám dỗ và mất kiểm soát, dẫn đến hậu quả tài chính nghiêm trọng.
TS. Hồ Minh Sơn cho biết, người đánh bạc online rất ít, thậm chí là không có cơ hội chiến thắng. Bởi, các hệ thống đánh bạc trực tuyến không hoạt động dựa trên sự may rủi thực sự mà được lập trình để đảm bảo nhà cái luôn có lợi. Các thuật toán trong trò chơi được thiết kế để ban đầu tạo cảm giác chiến thắng nhằm kích thích người chơi tiếp tục nạp tiền, nhưng về lâu dài, hệ thống sẽ điều chỉnh để họ thua nhiều hơn thắng. Các đối tượng sử dụng nhiều cách thức can thiệp kỹ thuật để thao túng kết quả thắng thua như:
Ban đầu, người chơi có thể dễ dàng thắng một số tiền nhỏ để tạo niềm tin, nhưng sau đó, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh để người chơi thua liên tiếp. Điều này khiến người chơi càng lún sâu vào vòng xoáy thắng thua. Các trò chơi như xóc đĩa, bài lá, hay slot machine thường được quảng cáo là hoạt động dựa trên cơ chế ngẫu nhiên. Thực tế, nhiều app và website có thể can thiệp vào kết quả để đảm bảo rằng người chơi luôn thua về lâu dài. Kết quả “ngẫu nhiên” này thực chất đã được lập trình để có lợi cho nhà cái.
Song song đó, một số nền tảng đánh bạc online còn sử dụng chiêu trò “khóa tài khoản”, “lỗi hệ thống”, hoặc “thay đổi thuật toán” để tước đoạt tiền thắng cược của người chơi. Vì vậy, thực tế người chơi chỉ là “con mồi” trong một cái bẫy được sắp đặt sẵn. Vì vậy, anh Mạnh khẳng định, đánh bạc online không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, là một hình thức lừa đảo có tổ chức…Các đối tượng này, thường thao túng tâm lý người chơi. Cụ thể, các app cờ bạc thường sử dụng các yếu tố tâm lý như âm thanh, hình ảnh và hiệu ứng để kích thích người chơi tiếp tục đặt cược, ngay cả khi họ đang thua lỗ. Khi lượng người chơi đạt đến con số nhất định hoặc khi đã gom đủ tiền, các tổ chức có thể đánh sập hệ thống và biến mất, để lại hàng nghìn nạn nhân. Nhất là, phần lớn các web đánh bạc online có máy chủ đặt tại nước ngoài, gây khó khăn trong việc xử lý pháp lý và truy vết đối tượng đứng sau. Việc này giúp các đối tượng né tránh pháp luật, khiến người chơi không có cách nào khiếu nại hay lấy lại tiền, TS. Sơn nhận định thêm.
Cũng theo TS. Hồ Minh chia sẻ thêm nhiều trang web yêu cầu thông tin cá nhân khi đăng ký, sau đó bán dữ liệu hoặc sử dụng nó để thực hiện các hành vi lừa đảo khác. Với việc tham gia các hoạt động đánh bạc online không chỉ khiến nạn nhân đối mặt với những rủi ro tài chính, mà còn có thể bị lừa đảo, mất thông tin cá nhân, hoặc thậm chí bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp. Bởi vậy, hành vi đánh bạc dưới mọi hình thức, bao gồm đánh bạc trực tuyến đều bị coi là bất hợp pháp tại Việt Nam, ngoại trừ một số hình thức xổ số được kiểm soát và cấp phép bởi Nhà nước. Đặc biệt, tuyệt đối không tin vào các chiêu trò “dễ thắng”. Bởi, các app cờ bạc thường dụ dỗ người chơi bằng các khuyến mãi hấp dẫn như “nạp tiền lần đầu nhận thưởng lớn” hoặc “tỷ lệ thắng cao”.
Như vậy, đây chỉ là những chiếc bẫy tâm lý để lôi kéo người chơi vào vòng xoáy cờ bạc. Hãy nhớ rằng, không có cái gì gọi là “dễ thắng” trong cờ bạc. Không chia sẻ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng: Các app cờ bạc có thể yêu cầu người chơi cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, hoặc thậm chí quyền truy cập vào điện thoại. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin, hoặc chiếm đoạt tài sản. Khi người dân, nếu phát hiện mình hoặc người thân bị lừa đảo qua các app cờ bạc trực tuyến, người dân hãy ngay lập tức báo cáo với cơ quan chức năng như Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, hoặc các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ.
Dẫn chứng luật, căn cứ theo Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về các hành vi/tội danh đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ phạm “tội đánh bạc”. Tội danh này có loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.Trong đó, việc “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” là tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 321 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Do vậy, người đánh bạc trực tuyến có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 07 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, TS. Sơn cho hay.
Căn cứ theo quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên, hoặc tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc kết án về các hành vi/tội danh đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ phạm “tội tổ chức đánh bạc”. Tội danh này có loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 10 năm. TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng thêm, căn cứ tại điểm c Khoản 2 Điều 322 Bộ luật hình sự, việc “sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” là tình tiết định khung tăng nặng, với mức hình phạt là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Như vậy, người tổ chức đánh bạc trực tuyến có thể đối mặt với hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. Cùng đó, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Văn Hải – Ngọc Danh (CTV TVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)