Ông Hồ Minh Sơn – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Cần nghiêm trị để răn đe hành vi côn đồ trước “đường kẻ” ý thức khi va chạm giao thông
(HNTTO) – Trong những thời khắc giao giữa năm cũ và năm mới, với những chuyến đi, công việc gấp rút và lo toan bộn bề sẽ gia tăng gánh nặng cho việc lưu thông trên đường. Thế nhưng, nếu có va chạm giao thông xảy ra, mỗi người chúng ta không nên vì nóng vội, giải quyết ngay bức xúc bằng những cú đá hay nắm đấm xối xả. Tất cả mọi người tham gia giao thông hãy cùng bình tĩnh nhìn nhận đúng sai để giải quyết một cách ôn hòa chính là cách để mỗi người giảm đi áp lực cho cuộc sống, tăng tính nhân văn, cùng xây dựng văn hóa thanh lịch, văn minh, cho mùa xuân đến thật vui tươi, trọn vẹn...
Cần giữ bình tĩnh, ứng xử có văn hoá khi xảy ra va chạm giao thông. Hành xử côn đồ sẽ gây hậu quả đáng tiếc.
Không riêng TP.HCM, hầu hết các địa phương trong cả nước vào dịp cuối năm lượng người tham gia lưu thông trên đường đều tăng lên gấp đôi, gấp ba ngày thường. Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa gia tăng với nhiều công việc phải hoàn thành gấp rút, tâm lý hối hả “chạy đua” với thời gian khiến ai nấy đều vội vã, cuống cuồng. Trong khi đó, cũng không ít người đi chơi, đi tiệc tùng, thăm người thân, đi thưởng thức không khí cuối năm đầy chộn rộn.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) nhận định không phải cung đường nào cũng là “những chuyến xe vui”. Những ngày qua, khá nhiều vụ va chạm dẫn đến xung đột dữ dội khiến dư luận phiền lòng. Thời buổi công nghệ thông tin, không chỉ hình ảnh mà những clip sống động do người đi đường quay lại đưa lên mạng xã hội cho chúng ta thấy tình trạng côn đồ, hành xử thiếu văn minh vô cùng đáng chê trách của một bộ phận người dân. Những người thực hiện các hành vi bạo lực, côn đồ khi va chạm giao thông sẽ phải chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điển hình, đôi vợ chồng “hổ báo” liên tiếp thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, ra những đòn sấm sét vào anh tài xế xe công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công an phường Bến Nghé đã xác định được danh tính của đôi nam nữ đánh đập tài xế xe ôm công nghệ và mời về trụ sở làm việc. Đáng giận là chàng trai này không phải là người gây ra va chạm, chỉ là “giữa đường thấy việc bất bình” mà vào căn ngăn nhưng lại bị đánh đập tàn nhẫn.
Tương tự, tại Bình Dương, sau vụ va quẹt xe, một người đàn ông bị đánh dập não, hôn mê sâu, tiên lượng rất nặng. Tối 1/1, mạng xã hội xôn xao đoạn clip ghi lại hình ảnh một vụ va chạm trên phố. Trong đoạn clip ngắn, một chiếc xe máy và một ô tô dừng ở giữa đường. Lúc này, một người đàn ông tiến đến phía ô tô, nhiều lần định giơ tay lên đấm. Sau đó, người này bất ngờ mở cửa xe ô tô chỗ ghế lái khiến nữ tài xế trong xe sợ hãi kéo cửa lại nhưng không được, chỉ biết giơ tay lên phòng vệ. Ngay sau đó, người đàn ông giơ chân đạp thẳng vào nữ tài xế trong xe rồi đóng cửa lại.
TS. Hồ Minh Sơn cho rằng các hành vi thiếu văn hóa, hoặc sử dụngbạo lựctrên đường phố do va chạm giao thông, hoặc các mâu thuẫn khác xảy ra khá thường xuyên, từ việc chửi bới, xúc phạm lẫn nhau cho đến việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm hoặc đập phá phương tiện diễn ra khá thường xuyên. Trong những cuộc va chạm đó, chúng ta chỉ thấy một điều, “ngọn lửa” của giận dữ, nóng vội giải quyết mâu thuẫn đã ngùn ngụt thiêu đốt tâm trí, làm mờ đi lý trí và tình cảm của những người này. Có thể hiểu, ai bị va chạm, quẹt xe, ngã ra đường, thậm chí xây xước, chảy máu và có thể còn bị nặng hơn thì cũng sẽ tức giận. Bởi vì, họ bị đau, bị ảnh hưởng đến công việc, chuyến đi đang gấp gáp… hay vì rất nhiều nguyên ngân khác nhau.
Theo TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị trong những clip người dân ghi nhận được, hầu hết những người này chưa bị ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe và tài sản. Không những thế, họ còn “thừa sức khỏe” đến mức phải “trút giận” bằng rất nhiều hành vi côn đồ, không tương xứng với những thiệt hại mà họ phải chịu. Khẳng định rằng, việc tuân thủ nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, có ý thức nhường nhịn khi tham gia giao thông, ôn tồn, hòa nhã, cùng bình tĩnh giải quyết nếu có va chạm xảy ra thì mới có thể kìm chế được “ngọn lửa” giận dữ trong mỗi người. “Ngọn lửa” này nếu được dung hòa bằng lý lẽ, sự hiểu biết, bằng nền tảng văn minh, lịch sự, bằng lối ứng xử nền nã theo đúng những điều khuyến cáo trong quy tắc ứng xử nơi công cộng mà người dân Hà Nội đã thực hiện bền bỉ, tạo thành nề nếp trong suốt tám năm qua thì sẽ nhanh chóng bị dập tắt, va chạm được giải quyết êm đẹp, trả lại sự giao thông thông suốt cho những “cung đường mùa xuân”.
Bên cạnh đó, những vụ việc liên tiếp xảy ra cho thấy sự yếu kém trong văn hóa chung của xã hội, không chỉ riêng trong tham gia giao thông. Chỉ vì lý do nhỏ nhặt, nhiều người sẵn sàng dùng hung khí, vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tạo dư luận xấu trong xã hội.
TS. Hồ Minh Sơn cho biết, các vụ ẩu đả khi tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của người liên quan mà còn làm ảnh hưởng an ninh trật tự, gây tắc nghẽn giao thông. Tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, người liên quan có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Vừa qua, lực lượng công an đã nhanh chóng tiếp nhận phản ánh từ mạng xã hội, báo chí, vào cuộc xác minh, xử lý nhiều vụ. Đây là điều rất cần thiết để răn đe, giáo dục.Thế nhưng, những vụ việc được các cơ quan báo chí phản ánh hoặc đăng tải trên không gian mạng chỉ là một phần, còn các vụ việc diễn ra trên thực tế có lẽ sẽ nhiều hơn rất nhiều.
Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn cho biết, việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực luôn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, xâm hại đến tinh thần, tài sản, sức khỏe và tính mạng của người khác, gây mất trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, tạo tâm lý bất an và bức xúc trong dư luận xã hội. Với những người thực hiện các hành vi bạo lực sẽ phải chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134), “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178) và “Tội gây rồi trật tự công cộng” (Điều 318) của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Dẫu biết rằng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhiêu đối tượng đã bị khởi tố và bắt giữ, mặcdù vậy, đối với nhiều người thì vẫn chưa đủ sức răn đe, làm nguội sự nóng giận, khiến các vụ việc vẫn tiếp diễn. Tình trạng này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu xảy ra từ va chạm giao thông. Thời điểm hiện tại, các bên thường có xu hướng bảo vệ mình, thậm chí bất chấp lý lẽ để nhận phần đúng về mình, đổ lỗi cho phía bên kia, dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã, công kích lẫn nhau, nóng giận và thiếu kiểm soát trong cách xử sự, giải quyết vụ việc.
TS. Hồ Minh Sơn cũng nhận định vẫn còn đó nhiều vụ việc thì sự thờ ơ, không có sự can ngăn kịp thời của những người xung quanh cũng là một trong các nguyên nhân khiến sự việc đi quá giới hạn, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, vụ việc xảy ra ngày 30/12/2024, tại thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Qua xem nội dung clip được đăng tải trên mạng xã hội, đối tượng đã liên tục tấn công nạn nhân mà không có bất kỳ ai can ngăn hay ngăn chặn. Nếu có sự can thiệp kịp thời của những người xung quanh thì có thể hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra.
Báo động tình trạng sử dụng vũ lực để giải quyết va chạm giao thông trên đường.
TS. Hồ Minh Sơn cho biết thêm, để hạn chế các vụ việc này, trước hết, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý thật nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, nhất là các vụ việc có tính chất côn đồ, manh động, coi thường pháp luật, để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan và đoàn thể, các nhà trường, cơ quan truyền thông báo chí cũng cần đẩy mạnh côngtác tuyên truyền, giáo dục các cách ứng xử có văn hóa, văn minh và đúng quy định của pháp luật khi xảy ra va chạm giao thông hoặc các mâu thuẫn trên đường phố và các nơi công cộng khác, để góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
Nhấn mạnh thêm, TS. Hồ Minh Sơn cho rằng: “Thông thường việc va chạm giao thông hoặc những mâu thuẫn trên đường phố thường là nhỏ nhặt, không quá lớn. Qua đó, nếu các bên đều có cách ứng xử văn hóa, kìm chế, tôn trọng lẫn nhau sẽ rất khó có thể xảy ra các vụ việc bạo lực, với những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, cách tốt nhất để giải quyết các vụ việc va chạm trên đường phố là cách ứng xử có văn hóa, lịch sự, nhẹ nhàng, tránh việc công kích, xúc phạm lẫn nhau. Nếu không thể tự hòa giải, giải quyết được thì cần trình báo, nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng”. Trong trường hợp bị tấn công, xâm hại đến sức khỏe hoặc tài sản, người dân cũng nên chọn giải pháp tránh né hoặc ngăn chặn (nếu có thể), nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh, hoặc các lực lượng có thẩm quyền.
Cũng theo TS. Hồ Minh Sơn phân tích nếu thực hiện hành vi tấn công trở lại, gây thiệt hại cho đối tượng chỉ nên là lựa chọn cuối cùng, khi không còn biện pháp phù hợp khác để tự vệ. Cách xử sự này sẽ giúp người dân không vượt quá giới hạn, không trở thành những người vi phạm pháp luật và phải vướng vào vòng lao lý, cũng như hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Câu tục ngữ “một điều nhịn chín điều lành” là rất phù hợp và cần được áp dụng trong các trường hợp này. Trong thời gia tới, Viện IMRIC sẽ tăng cường phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) tăng cường tổ chức các hội thảo, toạ đàm, tham vấn pháp luật, xem giáo dục Luật giao thông đường bộ là nhiệm vụ trọng tâm tới người dân cần đi đôi với việc nâng cao nhận thức về văn hóa và thái độ ứng xử trong giao thông. Vì đây là hai yếu tố then chốt không thể tách rời, bởi chỉ khi người dân vừa hiểu luật vừa biết cách hành xử văn minh, môi trường giao thông mới thực sự an toàn và văn minh.
TS. Hồ MInh Sơn chia sẻ thêm bạo lực giao thông là vấn đề nghiêm trọng và đang ngày càng gia tăng, với những hệ quả lớn về cả mặt pháp lý và xã hội. Đây là vấn đề nghiêm trọng, không những chịu hệ quả về các vấn đề pháp lý, mà còn gây tổn hại về tinh thần và tạo môi trường giao thông mất an toàn, ảnh hưởng đến trật tự công cộng. “Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực khi va chạm giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi có thể xảy ra như: Gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích hoặc giết người. Hành vi vi phạm trên có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, khi có va chạm giao thông thì người tham gia giao thông phải tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về giao thông, đồng thời cần phải tỉnh táo, có thái độ văn minh, lịch sự để giải quyết tình huống va chạm giao thông, ngoài ra cần phải tuân thủ và chấp hành việc giải quyết từ cơ quan chức năng”
Tin rằng, những ngày “đi đón mùa xuân”, mọi người khi tham gia giao thông dù còn rất nhiều vội vã, nhiều gấp gáp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người, mỗi người hãy nâng cao ý thức, ứng xử một cách văn minh, thanh lịch, đúng chuẩn mực “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, giữ gìn hình ảnh người dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Văn Hải – Tuấn Tú (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)