Ông Hồ Minh Sơn: Phân tích yếu tố pháp lý liên quan đến ‘Săn tiền thưởng’ – Cần tránh những mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra
(HNTTO) – Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định số 100/2020 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Theo đó, nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước, trong đó có những lỗi tăng gấp 36-50 lần. Đây được coi là giải pháp ‘đột phá’ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) và xây dựng văn hóa giao thông trong nhân dân.
Ngay sau khi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đi vào cuộc sống, một số người dân, doanh nghiệp đã liên hệ Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE); Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Tạp chí điện tử Việt Nam Hương Sắc yêu cầu tham vấn pháp lý xoay quanh việc những “Thợ săn tiền thưởng” được thực hiện như thế nào, liệu có khả năng vướng yếu tố pháp lý liên quan hay không?.
Phân tích vấn đề trên, TS. Hồ Minh Sơn đã dẫn chứng một cách cụ thể: Vào tối ngày 31/12/2024 vừa qua, Bộ Công an đã thống kê về số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trong năm 2024. Trên toàn quốc xảy ra 21.532 vụ TNGT đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân chính xảy ra TNGT là do đã sử dụng rượu, bia mà tham gia giao thông, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều…
TS. Hồ Minh Sơn khẳng định, việc tùy tiện khi tham gia giao thông, không thượng tôn pháp luật về TTATGT, nhất là quy tắc giao thông là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có. Do đó, việc tăng nặng mức phạt tiền với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTATGT và kèm theo là các hình thức xử lý nghiêm như: tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn, trừ điểm giấy phép lái xe…quy định tại Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, giúp giảm thiểu vi phạm giao thông, giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT và thiệt hại do TNGT gây ra.
Nhấn mạnh, TS. Hồ Minh Sơn cho rằng: “Đáng mừng nhất là ngay sau khi Nghị định số 168 được ban hành đi vào cuộc sống, đông đảo người dân trên cả nước rất đồng tình với mức phạt mới này, bởi ai cũng cho rằng, đây là việc làm thể hiện sự răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh đối với những ai vi phạm các lỗi dễ dẫn đến TNGT, gây hậu quả xấu cho xã hội. Từ đó, cho thấy những hành vi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều trên cao tốc, chở hàng hóa cồng kềnh không tuân thủ quy định, mở cửa xe không đảm bảo điều kiện an toàn hoặc lạng lách, đánh võng, điều khiển xe bằng chân, chạy quá tốc độ đuổi nhau, vi phạm nồng độ cồn…có thể gây ra TNGT cao, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người khác và gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội”.
Điển hình, khi đã có hành lang pháp lý đủ tính răn đe, quá trình thực thi cần đảm bảo minh bạch, thấu tình đạt lý, nhất là phải tăng cường các yếu tố khoa học – công nghệ để người vi phạm nhận ra lỗi của mình với tinh thần “tâm phục, khẩu phục”. Tuy nhiên, để Nghị định số 168 đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các mức phạt mới, giúp người dân hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành, tránh vi phạm để bị xử phạt với các mức cao này, ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lực lượng thực thi công vụ, tránh tình trạng tiêu cực khi xử phạt người vi phạm, TS. Sơn nói thêm.
Qua đó, với việc tăng mức xử phạt cũng là một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm giao thông, từ đó giảm thiểu các vụ tai nạn. Đặc biệt, quá trình ghi hình tìm kiếm người vi phạm giao thông nếu không cẩn trọng, những ‘thợ săn tiền thưởng’ sẽ có nguy cơ trở thành kẻ vi phạm pháp luật.
Kể từ ngày 1/1/2025, Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Điều này, cho phép Bộ Công an chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Với mức chi cho nội dung này không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa là 5 triệu đồng/vụ việc. Cục CSGT hiện đang xây dựng quy định cụ thể để hướng dẫn chi trả cho người cung cấp thông tin vi phạm và tiêu chí trả cho từng nội dung.
TS. Hồ Minh Sơn cho rằng, hành vi vi phạm giao thông của người dân cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Để giảm thiểu cần phải thực hiện đồng bộ với rất nhiều giải pháp và trong đó có việc nâng cao cơ sở hạ tầng về giao thông và tích cực tuyên truyền. Cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có những biện pháp khác như nâng cao, cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng lái xe cho tài xế, phát triển hệ thống giao thông công cộng. Việc tăng mức xử phạt cũng là một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm giao thông, từ đó giảm thiểu các vụ tai nạn. Tôi đồng tình với việc xử phạt nghiêm, nặng đối với hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc ví dụ như đi ngược chiều, đi lùi, dừng đỗ không đúng nơi quy định. Những hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông rất cao và rất nguy hiểm…
Thế nhưng, quy định về việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông là điểm mới đáng ghi nhận. Với việc áp dụng cần phải tổng kết rút kinh nghiệm, có sự kiểm soát và có thể điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, những quy định mới như đã nói và dẫn chứng ở trên kích thích về mặt lợi ích kinh tế cho công dân khi báo tin vi phạm giao thông cho lực lượng chức năng, góp gia tăng nguồn tin làm căn cứ xử lý vi phạm giao thông…Mặt khác, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi việc phát hiện vi phạm giao thông không chỉ do lực lượng chức năng, các thiết bị chuyên dụng mà còn từ tai mắt của người dân.
Song song đó, các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng/vụ, từ đó khiến một số người muốn trở thành “thợ săn tiền thưởng” kể từ ngày 01/01/2025. Tuy nhiên, việc quay clip để tìm kiếm hành vi vi phạm giao thông một cách có chủ đích, hoạt động thường xuyên có thể sẽ xảy ra một số mâu thuẫn, xung đột trong xã hội. Vì vậy, thực hiện trách nhiệm xã hội hoặc tìm kiếm cơ hội có thu nhập cá nhân cũng phải đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh của công dân nơi công cộng, TS. Sơn khuyến nghị.
Theo TS. Hồ Minh Sơn thì quá trình ghi hình tìm kiếm người vi phạm giao thông có thể sẽ có những tình huống tiếp nhận được thông tin có tính chất sơ hở, không đẹp của người tham gia giao thông, thậm chí có thể có những thông tin liên quan đến bí mật đời tư cá nhân. Do vậy, nếu tùy tiện thu thập thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân thì đây lại là hành vi vi phạm pháp luật. Từ đây, có thể phát sinh những mâu thuẫn về hành vi giữa người ghi hình và người tham gia giao thông. Song song đó, ghi lại hình ảnh của người khác chỉ được phép thực hiện mà không cần xin phép nếu có căn cứ, người đó đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và việc ghi hình nhằm mục đích để đảm bảo an toàn, lợi ích công cộng…
Trong khi đó, chỉ những hình ảnh về người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ thì mới được phép lưu trữ và chỉ được phép sử dụng để trình báo với cơ quan chức năng. Mặc dù vậy, pháp luật nghiêm cấm việc tùy tiện ghi hình người tham gia giao thông, lưu trữ thông tin hình ảnh đó để sử dụng vào các mục đích trái pháp luật. TS. Hồ Minh Sơn cân nhắc việc có thể xuất hiện những hình ảnh thông tin giả mạo, dàn dựng để nhận thưởng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Những hành vi này, nếu phát hiện việc có chủ ý gây khó cho lực lượng chức năng hoặc lợi dụng quy định mới của pháp luật để trục lợi thì cần phải xử lý nghiêm. Trong đó, đối với những hành vi cung cấp thông tin giả mạo cho lực lượng chức năng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu gây ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, và nếu ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ còn có thể bị xử lý hình sự.
Tin rằng thông qua trao đổi xoay quanh vấn đề này, cơ quan chức năng cần có những khuyến cáo, kiểm soát tình hình, cần có những cơ chế để bảo vệ người tố cáo, tránh những mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra…
Văn Hải – Trần Danh (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)