LS. Phạm Lan Thảo – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Cho vay tiền không thời hạn – Người có biểu hiện rối loạn tâm thần gây án, xử lý thế nào?
(HNTTO) – Ngày 07/01/2025, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho một số độc giả thường xuyên theo dõi các trang tin điện tử, mạng xã hội trực thuộc như: www.huongnghiepthitruong.vn; www.chinhsachphapluat.vn; www.thamvanphapluat.vn; www.tuvanphapluatvietnam.vn; www.bestlife.net.vn; www.nghiencuupldautu.vn; www.phattrienspcongnghe.vn; www.doanhnghiepnongnghiep.vn và đặc san in Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông; đặc san khoa học Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập liên quan đến Luật Dân sự 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015…
Tại đây, Luật sư Phạm Lan Thảo – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) nêu lại câu hỏi và trả lời cụ thể hai vấn đề mà độc giả quan tâm, như sau: Tôi cho bà bạn vay một số tiền, hai bên viết giấy tay không ghi thời hạn trả và lãi suất (LS) vay. Nay tôi muốn lấy lại tiền vốn và yêu cầu trả lãi nhưng bà bạncố tình không trả, vậy tôi có thể khởi kiện ra tòa không. Đồng thời, không ít vụ việc đau lòng xảy ra do đối tượng gây án là người có biểu hiện rối loạn tâm thần. Vậy đối tượng này phải đối mặt với chế tài xử lý ra sao?
Cho vay tiền không thời hạn có đòi được không?
Vay tiền được xác định là hợp đồng (HĐ) vay tài sản (TS), là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao TS cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay TS cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Căn cứ theo Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:Bên vay TS là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu TS là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý; Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức LS theo quy định là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trong đó, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: Lãi trên nợ gốc theo LS thỏa thuận trong HĐ tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức LS là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% LS vay theo HĐ tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, trong trường hợp của bạn là HĐ vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại TS và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Do đó, muốn đòi nợ, bạn phải báo trước cho bà bạn một thời hạn nhất định, sau thời hạn đó mà bà bạn không trả nợ thì bạn có quyền khởi kiện tại tòa án cấp huyện nơi bà bạn cư trú.
Người có biểu hiện rối loạn tâm thần gây án, xử lý thế nào?
Có thể thấy, các vụ việc do người tâm thần sống ở cộng đồng do gia đình và người giám hộ buông lỏng quản lý để xảy ra việc người tâm thần xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, thì về nguyên tắc chỉ phát sinh việc bồi thường do thiếu sự quản lý giám sát của người giám hộ hoặc gia đình, mà không đặt ra trách nhiệm hình sự đối với họ. Bởi,những người này không có năng lực trách nhiệm hình sự, họ sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự và bắt buộc chữa bệnh (nếu có).
Cùng với đó, đối với những trường hợp cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa được cơ quan chức năng nào chứng nhận, xác nhận và vẫn đang sinh sống tại cộng đồng nhưng gây ra các vụ việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra xác minh người này có đủ năng lực hành vi dân sự, có phải chịu chế tài hình sự hay không.
Qua đó, nếu bị bệnh dẫn tới mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định.
Bện cạnh đó, trường hợp người sử dụng rượu, bia, chất kích thích dẫn tới không làm chủ được bản thân, bị ngáo đá, bị ảo giác mất kiểm soát bản thân mà thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý, nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Vì vậy, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do hành vi của người tâm thần, người bị bị bệnh, người bị ngáo đá, bị ảo giác, người sử dụng chất kích thích, rượu, bia gây ra thì rất cần thiết phải thực hiện các giải pháp mang tính phòng ngừa tại cộng đồng.
Song song đó, chính quyền, cơ quan đoàn thể và gia đình cần quản lý tốt những người bị tâm thần, còn những người có hành vi quá khích và ngáo đá, ảo giác mất kiểm soát bản thân sau khi sử dụng chất kích thích thì người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp hoặc chế tài pháp lý đối với những người này.
Trần Danh – Kiên Cường (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)