Ông Phạm Trắc Long – GĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Chuyển nhà có bị xóa đăng ký thường trú – Trường hợp nào đăng ký thường trú phải lấy ý kiến chủ nhà?
(HNTTO) – Sáng ngày 06/01/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến cho các doanh nghiệp thành viên, các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE.
Tại đây, doanh nghiệp trình bày và nêu gia đình tôi hiện đăng ký thường trú tại địa chỉ căn nhà mà chúng tôi đang cho thuê ở quận 12. Năm 2024, mua thêm căn nhà khác ở quận Gò Vấp, nên đã chuyển địa điểm sinh sống nhằm tiệc cho các con tiện đi học. Xin hỏi khi tôi không còn ở căn nhà ở quận 12, gia đình tôi có bị xóa đăng ký thường trú hay không?. Cạnh đó, trong điều kiện, trường hợp nào đăng ký thường trú phải xin ý kiến chủ nhà?
Dưới góc độ pháp lý, Luật gia Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Thường trực Viện IRLIE, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xin trả lời như sau:
Chuyển nhà có bị xóa đăng ký thường trú?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020, người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú: Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết; Ra nước ngoài để định cư; Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này; Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này; Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này; Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Do đó, trong trường hợp của quý doanh nghiệp, không nêu rõ doanh nghiệp có đăng ký tạm trú ở quận Gò Vấp hay không?. Theo đó, nếu doanh nghiệp vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại địa phương khác hoặc không khai báo tạm vắng thì có thể bị xóa đăng ký thường trú. Nếu quý doanh nghiệp đã đăng ký tạm trú thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú.
Trường hợp nào đăng ký thường trú phải lấy ý kiến chủ nhà?
Căn cứ Nghị định 154/2024/NĐ-CP về đăng ký cư trú đã hướng dẫn cụ thể về các trường hợp đăng ký cư trú phải lấy ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở từ đầu năm 2025.
Tại Điều 8 Nghị định 154/2024 quy định, trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.
Trong trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha, mẹ, cha, mẹ về ở với con đăng ký thường trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.
Trong trường hợp đăng ký thường trú không thuộc trường hợp trên mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chi cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Do vậy, việc lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định pháp luật, cha, mẹ, người giám hộ được thực hiện bằng một trong các hình thức: Ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
Ngoài ra, xác nhận nội dung đồng ý thông qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc cơ quan đăng ký cư trú trao đổi, lấy ý kiến trực tiếp thông qua việc kiểm tra, xác minh cư trú; Có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
Tuy nhiên, so với quy định hiện hành, việc xác nhận đồng ý qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến tại Nghị định 154/2024 là quy định hoàn toàn mới.
Bên cạnh đó, Nghị định 154/2024 còn hướng dẫn mới về trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú. Theo đó, trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì chủ hộ chỉ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú và kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Trường hợp một hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì một trong các thành viên đó thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú.Sau đó, người thực hiện thủ tục được kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, không phải nộp hồ sơ và thực hiện thêm các thủ tục đăng ký cư trú khác cho thành viên hộ gia đình.
Đặc biệt, Nghị định còn hướng dẫn việc xác nhận diện tích bình quân nhà ở để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ…
Căn cứ vào Nghị định, công dân có nhu cầu nộp 1 hồ sơ đề nghị xác nhận bằng phương thức trực tuyến, trực tiếp, dịch vụ bưu chính công ích tới UBND cấp xã nơi cư trú. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã nơi cư trú xem xét xác nhận và trả kết quả cho công dân; trường hợp từ chối giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do…
Trần Danh – Kiên Cường (CTVTVPL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)