Du lịch

Khi các KOL/KOC đưa hình ảnh chợ quê về giữa lòng Sài Gòn

(HNTTO) – Gần đây, nhờ sự hỗ trợ của các KOL/KOC, nhiều người dùng mạng xã hội đã khám phá một không gian tràn ngập các nông sản đặc trưng của Việt Nam tại sự kiện “Kết nối sản phẩm OCOP” diễn ra tại TP.HCM với chủ đề “Lễ hội nông sản” lần I.

Lễ hội quy tụ nhiều lãnh đạo, doanh nhân, chuyên gia văn hóa – ẩm thực cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân.

Sự kiện nói trên do Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ NN&PTNT tại TP.HCM; Trung tâm Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp phía Nam phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất Quốc tế Bảo Ngọc Sài Gòn tổ chức từ ngày 20 đến 22/12/2024.

Tại Lễ hội, nét văn hóa quen thuộc của người Việt đã được tái hiện thông qua việc những lãnh đạo, đại biểu khách mời đã mua mở hàng tại các gian trưng bày nhằm khích lệ tinh thần và chúc doanh nghiệp làm ăn phát đạt.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Quốc tế Bảo Ngọc Sài Gòn, Lễ hội không chỉ gìn giữ những giá trị truyền thống mà còn mang đến những hoạt động sáng tạo nhằm phát huy tiềm năng, giá trị ẩm thực và văn hóa vùng miền, mở rộng thị trường tiêu thụ và giao thương cho nông sản Việt.

Hào hứng giới thiệu tò he với một bé gái, nghệ nhân Lê Xuân Tùng chia sẻ anh có thể nặn tò he nhanh nhất là trong vòng 30 giây, khoảng 1-2 phút với những hình dạng phức tạp, từ 4-5 phút đối với tò he chân dung.

Lễ hội như một phiên chợ quê thu nhỏ với tiểu cảnh đậm chất dân gian tại khu vực sân khấu, nơi check-in và chụp hình lưu niệm cùng hơn 60 gian hàng nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP 3-5 sao trên toàn quốc, gồm: trâu và thịt lợn gác bếp (Cao Bằng), nước mắm Hằng Nam – Ba Hàng (Thanh Hóa), ốc gác bếp Bavin (Vĩnh Long), trà Oolong Sen (Đồng Tháp), các sản phẩm chế biến từ gạo và khoai lang như bún, phở, nui Bông Lúa, các loại trái cây như măng cụt, mận, nhãn, mãng cầu (Vĩnh Long, Bến Tre), yến sào (Khánh Hòa), mật ong (Đắk Lắk)…

Nhiều loại nông sản đa dạng từ khắp các vùng, miền trong cả nước đã xuất hiện tại Lễ hội.

Cách các gian hàng không xa, nghệ nhân Lê Xuân Tùng thoăn thoắt nặn tò he, khéo léo biến thứ bột nặn vô tri thành nhiều hình ảnh đa dạng, phong phú, từ truyền thống đến hiện đại và thậm chí cả tranh chân dung, phong cảnh và thư pháp. Nghệ nhân Lê Xuân Tùng từng mang nghệ thuật tò he lên sân khấu Vietnam’s Got Talent và lập kỷ lục Việt Nam khi là người đầu tiên sử dụng bột tò he kết hợp với ốc vít, mắt xích để thực hiện màn vẽ tranh trên sân khấu.

Một nam doanh nhân Hàn Quốc nếm thử nước pha từ bột tảo xoắn Spirulina có vị dừa rồi tấm tắc khen ngon.

“Tham gia Lễ hội, tôi mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt. Những năm qua, tôi rất vinh dự khi đại diện Việt Nam mang văn hóa dân gian đến 11 quốc gia và khu vực.” nghệ nhân Lê Xuân Tùng hào hứng nói.

Không khí đặc biệt của Lễ hội đã được lan tỏa bởi các KOL/ KOC với sự tổ chức và điều phối của Th.S Lê Thanh Thảo – chuyên gia thương mại điện tử và chuyển đổi số doanh nghiệp với 15 năm kinh nghiệm đồng thời là Co-Founder D.Studio LiveHUB, Phó Trưởng Ban Thương mại điện tử Hiệp hội Ẩm thực TP. HCM. Qua đó, anh Thảo đã cùng Cô Ba Edit (Nhà sáng tạo nội dung TikTok có 2.4 triệu người theo dõi) hướng dẫn livestream bán hàng TikTok cho người mới bắt đầu.

Ngoài ra, Jang Jin Cook – KOC TikTok với chuỗi hơn 30 video triệu lượt xem trong năm 2024 về khởi nghiệp, Tasee Check – KOC TikTok có 375 nghìn người theo dõi và hàng loạt streamer đã hỗ trợ các gian hàng livestream quảng bá sản phẩm, bán hàng xuyên suốt Lễ hội, có những phiên livestream kéo dài liên tục hơn 6 tiếng đồng hồ; qua đó lan tỏa nhiệt huyết góp sức phát triển nền nông nghiệp xanh của các doanh nghiệp và khát vọng khởi nghiệp của các startup; Thái Hoàng – diễn viên và nhà sản xuất kênh Youtube đạt nút kim cương và hàng tỷ lượt xem đã đảm nhận nhiệm vụ sản xuất kịch bản livestream và cùng tham gia các phiên livestream.

Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn Phòng Bộ kiêm Trưởng cơ quan đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Mở đầu chuỗi các hoạt động luân phiên, dự kiến sẽ diễn ra tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, Lễ hội nhằm quảng bá sản phẩm OCOP khu vực phía Nam cùng một số sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia; thúc đẩy giao lưu, kết nối sản xuất và thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh phía Nam; nâng cao hình ảnh thương hiệu sản phẩm OCOP đối với khách tham quan trong và ngoài nước.”

Đến hết tháng 11/2024, cả nước có gần 14.650 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Mang lại lợi ích kinh tế và thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường trong nước và dần tiếp cận với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc thương mại hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, cần đến sự hợp tác của nhiều bên.

Tham dự và góp sức cho Lễ hội, Thạc sĩ Trần Quốc Duy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và Truyền thông quốc tế (IMRIC) nhận định: “Các doanh nghiệp cần biết cách kể những câu chuyện về tinh hoa nông sản Việt. Để từng bước đưa hàng Việt “xuất ngoại”, cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường quốc tế một cách bài bản, nhất là văn hóa ẩm thực các nước.”

Các gian hàng ẩm thực tại Lễ hội là nơi hội tụ những món ăn, thức uống đặc trưng của các vùng miền. Trong khi đó, các tour trải nghiệm mua sắm đã đưa khách tham quan đến gần hơn với từng thương hiệu khi trò chuyện với các chủ gian hàng, nếm thử sản phẩm và tìm hiểu thêm về quy trình sản xuất.

Trưng bày Tiêu Thần Kỳ Bầu Mây (6 cấp độ cay) – thương hiệu đầu tiên trong ngành hồ tiêu đạt chuẩn GlobalGAP, chị Lâm Hoa Hậu, em gái của “nông dân tỉ đô” Lâm Ngọc Nhâm – cha đẻ của giống tiêu Bầu Mây (Vũng Tàu) chia sẻ: “Ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu thích, dòng tiêu không hạt này có thể ăn trực tiếp, ăn khai vị, ăn kèm món ăn, kích thích vị giác, giúp ăn ngon miệng hơn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, có thể mang theo ví như “tủ thuốc di động”.

“Hơn 20 năm qua, anh Nhâm đã phát triển mô hình cộng sinh độc đáo giữa cây tiêu bầu mây và củ hoài sơn (củ mài), giúp cả hai tăng trưởng mạnh, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và mang lại giá trị bền vững.”, chị Hậu tiếp lời.

Từ Đà Nẵng bay vào tham gia Lễ hội với bưởi non giòn NGOON – sản phẩm được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội công nhận Top 4 Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích năm 2024, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Nhiên Tâm Foods trải lòng: “Tại Lễ hội, bưởi non giòn NGOON đã thu hút nhiều khách hàng bởi được chế biến từ những trái bưởi non nguyên trái, thu hái từ nông trại tại Bình Thuận thuận tự nhiên và tuân thủ tiêu chí 3 không: không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích tăng trưởng.”

“Quy trình sản xuất được chúng tôi thực hiện kỹ lưỡng qua 2 bước từ nông trại đến xưởng chế biến, đảm bảo chỉ những trái bưởi non tươi ngon và an lành nhất được tuyển chọn.”, chị Tâm giải thích thêm.

Chuyên gia Lê Thanh Thảo (chính giữa) và diễn viên Thái Hoàng (bên trái) phối hợp cùng Cô Ba Edit – Nhà sáng tạo nội dung TikTok với 2.4 triệu người theo dõi hướng dẫn cách livestream bán hàng trên TikTok cho những người mới bắt đầu.

Tại sân khấu của Lễ hội, khách tham quan đã có dịp xem các doanh nghiệp giới thiệu về các sản phẩm OCOP và cùng thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thời trang, ảo thuật và xiếc vào mỗi đêm.

Jang Jin Cook – KOC TikTok với hơn 30 video đạt triệu lượt xem về khởi nghiệp trong năm 2024 và chuyên gia Lê Thanh Thảo (mang khăn rằn) đã hỗ trợ doanh nghiệp livestream quảng bá sản phẩm và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các startup tại Lễ hội.

Tasee Check (mặc đầm trắng) – KOC TikTok có 375 nghìn người theo dõi đã tích cực giúp các gian hàng livestream giới thiệu sản phẩm.

Lần đầu tiên dự triển lãm thương mại trong nước, thương hiệu gạo Ba Cô Gái của Công ty TNHH Sunrise Ins hiện bán rất chạy tại thị trường Châu Âu đã cùng tham gia phiên livestream tại Lễ hội và chia sẻ thông tin về sản phẩm đến các cư dân mạng.

Ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn Phòng Bộ kiêm Trưởng cơ quan đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Việc đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường và mở rộng khả năng tiêu thụ vẫn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi sự hợp tác từ nhiều bên.”

Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm UNESCO Văn hóa Ẩm thực Việt Nam: “Nông sản Việt Nam rất đa dạng, dùng để chế biến nhiều món ăn, thức uống thơm ngon và bổ dưỡng. Rất cần lan tỏa những điều này ra thế giới.”

Các vị lãnh đạo và đại biểu khách mời hào hứng tham dự Lễ hội.

Tiểu cảnh tại khu vực check-in của Lễ hội thu hút nhiều khách tham quan.

Chị Lâm Hoa Hậu, em gái của “nông dân tỉ đô” Lâm Ngọc Nhâm – cha đẻ của giống tiêu Bầu Mây (Vũng Tàu) chia sẻ với Thạc sĩ Trần Quốc Duy những điểm khác biệt của giống tiêu này .

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Nhiên Tâm Foods (bìa phải) bộc bạch tâm huyết của bản thân trong việc góp sức xây dựng nền nông nghiệp xanh cùng Thạc sĩ Trần Quốc Duy.

Hàng chục món ăn, thức uống mang tính đặc trưng của các vùng miền “đổ bộ” tại Lễ hội.

 (Bài xuất bản số T12, đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông)

Trấn Thắng

 

Bài viết liên quan

Back to top button