Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người – Hai chị em ruột kết hôn với hai anh em ruột có sao không?
(HNTTO) – Ngày 19/12/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã có buổi tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE liên quan đến việc ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn và chị em ruột kết hôn với hai anh em ruột…
Dưới góc nhìn pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin trả lời như sau: Luật Phòng, chống mua bán người 2024 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), xác định hành vi ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người.Đồng thời, cần đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi, tính tự nguyện và năng lực hành vi dân sự, cụ thể được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người
Căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người 2024 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), trong đó xác định hành vi ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người.
Theo đó, mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm mục đích nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể người hoặc nhằm mục đích vô nhân đạo khác bằng cách dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.
Trong đó, mục đích vô nhân đạo khác là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm; ép buộc nạn nhân đi ăn xin, kết hôn trái ý muốn, sinh con trái ý muốn, thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng nạn nhân vào mục đích tàn ác khác. Như vậy, hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm ép buộc nạn nhân kết hôn trái ý muốn cũng được coi là mua bán người.
Điều 4 Luật quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người như sau: Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa mua bán người; phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống mua bán người 2024.
Giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân kịp thời, chính xác; giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.
Tùy vậy, từng trường hợp cụ thể và theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là hệ quả trực tiếp của hành vi mua bán người có thể không bị xử lý hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.
Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành, chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.
Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người được nêu tại Điều 5: Phòng, chống mua bán người là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế – xã hội; Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật; Ưu tiên ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người; Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật; Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật; Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có tình hình mua bán người diễn biến phức tạp.
Hai chị em ruột kết hôn với hai anh em ruột có sao không?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về giải thích từ ngữ thì: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”
Căn cứ tại điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình thì: “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”.
Căn cứ theo điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn, cụ thể như sau: “Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự; Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 điều 5 của luật này.
Trong trường hợp của bạn thì hai chị em ruột bạn yêu nhau với hai anh em ruột của nhà hàng xóm thì vẫn có thể kết hôn với nhau bình thường, nếu đáp ứng đủ điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nêu ở trên.
Do đó, để đăng ký kết hôn thì chị em bạn và anh em nhà hàng xóm cần đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi, tính tự nguyện và năng lực hành vi dân sự, cụ thể được quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về Điều kiện kết hôn như sau: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp sau: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Luật sư – ThS. Nguyễn Thành Hưng – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm