Nghiên cứu trao đổi

Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Dùng bình xịt hơi cay để tự vệ có vi phạm không – Ai có trách nhiệm trả nợ khi người vay chết?

(HNTTO) – Mới đây, có một số người dân gửi thư đến Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) nêu hai câu hỏi như sau: Tôi là nữ, làm nghề lái taxi. Do đặc thù công việc nên tôi tự mua bình xịt hơi cay để trên xe để phòng thân. Có lần tôi chở một người đàn ông, người này có hành vi sàm sỡ tôi nên tôi đã dùng bình xịt hơi cay để tự vệ, như vậy tôi có vi phạm pháp luật không?. Đồng thời, tôi cho bạn vay 1 tỷ đồng để kinh doanh, chẳng may bạn tôi bị tai nạn qua đời. Khoản vay của tôi có ba người bạn khác làm chứng trong hợp đồng vay. Thế nhưng, vợ của bạn tôi lại từ chối trả nợ cho chồng vì cô ấy nói không biết việc chồng đã vay khoản này. Xin tòa soạn cho biết, theo quy định tôi có thể lấy lại được khoản tiền mình đã cho vay không? 

Dưới góc nhìn góc pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xin dẫn chứng cụ thể như sau:

Dùng bình xịt hơi cay để tự vệ có vi phạm không?

Sử dụng bình xịt hơi cay tự vệ có vi phạm pháp luật không? (Ảnh minh họa)

Căn cứ theo khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và Điều 3 Nghị định 79/2018/NĐ-CP ngày 16/05/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì bình xịt hơi cay được xếp vào nhóm công cụ hỗ trợ giúp người thi hành công vụ ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì pháp luật nghiêm cấm đối với cá nhân (nếu không thuộc nhóm đối tượng được cấp phép) tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ, bao gồm cả bình xịt cay.

Trong đó, đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 được hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 3 Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA, bao gồm: Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; trại giam, trại tạm giam; học viện, trường Công an nhân dân; trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện; công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; công an xã, phường, thị trấn.

Do đó, chỉ những đối tượng theo quy định trên mới có thể trang bị công cụ hỗ trợ bên người. Do bạn không thuộc một trong các đối tượng trên mà sử dụng, mua bán, tàng trữ bình xịt hơi cay được xem là hành vi trái pháp luật.

Căn cứ tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, thì bạn còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, những người đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi như trên mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Ai có trách nhiệm trả nợ khi người vay chết?

Căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, bên vay tiền có nghĩa vụ phải trả tiền khi đến hạn. Trong trường hợp bạn của bạn không may qua đời trước khi trả lại tiền cho bạn, bạn có quyền yêu cầu vợ của người bạn đó trả khoản tiền mà người chồng vay trước khi chết.

Tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau: Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại; Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Vì vậy, khi người vay tiền chết, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp nếu người vay tiền đã chết có di sản để lại cho những người thừa kế, quý vị có quyền yêu cầu những người thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật) thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản vay này. Nếu số tiền quý vị cho vay ít hơn giá trị di sản thừa kế, bạn được nhận lại đủ số tiền đã cho vay theo hợp đồng. Nếu số tiền quý vị cho vay nhiều hơn giá trị di sản thừa kế, bạn chỉ được nhận số tiền bằng với giá trị của di sản thừa kế, số tiền còn thiếu bạn không được yêu cầu những người thừa kế phải trả cho bạn.

Trường hợp người chết không để lại di sản (không có tài sản riêng, tài sản chung với người khác) thì hợp đồng vay tiền sẽ chấm dứt theo quy định, bạn sẽ không đòi được những người thừa kế của người chết số tiền bạn đã cho vay.

Luật gia Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng TT Viện IRLIE, GĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Back to top button