Muốn thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển – Khai thác hiệu quả nguồn lực từ Luật HTX 2023
(HNTTO) – Luật Hợp tác xã 2023 đã loại bỏ các quy định cũ gây trở ngại, giúp các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả, năng động và bền vững. Qua đó, các hợp tác xã cũng đối diện với những thách thức cần nỗ lực lớn để vượt qua. Để Luật Hợp tác xã năm 2023 thực sự đi vào cuộc sống, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…
Ảnh minh hoạ
Từ khi Luật HTX 2023 chính thức có hiệu lực, đến nay đã có những văn bản pháp lý dưới luật hướng dẫn áp dụng luật được ban hành. Tuy nhiên vẫn còn những HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX vẫn chưa nắm rõ, cụ thể những quy định về chức năng, quyền lợi của mình sẽ được quy định, bảo vệ ra sao bởi việc tự nghiên cứu, tìm hiểu về luật đối với HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX để bảo đảm theo đúng pháp luật là không hề dễ dàng.
Hiểu rõ quyền lợi, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong Luật HTX 2023 chính là cách tận dụng nguồn lực hữu hạn cho HTX trong việc bảo đảm thu nhập cho thành viên, mở ra cơ hội phát triển cho mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là HTX nông nghiệp.
Trong đó, điều kiện và thủ tục để nhận được chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là hỗ trợ vốn, giống, khoa học và công nghệ khi HTX chuyển sang sản xuất bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu là như thế nào thì thành viên HTX cũng chưa nắm rõ.
Có thể khẳng định, hiện có những HTX đã nghiên cứu, nắm bắt được những quy định, hướng dẫn trong Luật HTX 2023. Thế nhưng, cũng có những HTX, nhất là những HTX mới thành lập, HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn những khó khăn trong tiếp cận và hiểu những quy định trong Luật HTX 2023. Đặc biệt, Luật HTX 2023 đã có nhiều quy định, điểm mới nên nhiều HTX chưa hiểu và nắm bắt để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn.
Điển hình, một trong những điểm mới là HTX có thể không có Hội đồng quản trị, đây cũng là điều mà nhiều HTX chưa nắm được, thậm chí có người còn giật mình vì nếu HTX không có Hội đồng quản trị thì làm sao có thể dẫn dắt, lãnh đạo HTX hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, điều này đã được “cho phép” trong Luật HTX 2023 khi quy định về tổ chức quản trị. Qua đó, HTX có thể tổ chức quản trị đầy đủ hoặc tổ chức quản trị rút gọn (không có Hội đồng quản trị, không có Ban kiểm soát mà chỉ có kiểm soát viên). Trong trường hợp HTX đang tổ chức theo tổ chức quản trị rút gọn phát triển thành HTX quy mô nhỏ, vừa, lớn thì đại hội thành viên gần nhất phải quyết định việc chuyển sang tổ chức quản trị đầy đủ.
Như vậy, nếu một người trước đây là xã viên của HTX nông nghiệp kiểu cũ, không góp vốn nhưng có đất trồng lúa nước và đang sử dụng nước sản xuất do HTX cung cấp. Vậy theo Luật HTX 2023, người đó có được coi là thành viên chính thức không.
Theo quy định của Luật HTX 2023, thì đây không thể là thành viên của HTX vì không góp vốn. Trong khi theo quy định của Luật, thành viên chính thức cần thực hiện góp vốn và góp vốn được thực hiện theo thỏa thuận và vốn góp tối đa không quá 30% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, Luật HTX 2023 phân loại rất rõ về thành viên HTX. Đồng thời, có thành viên chính thức (có quyền tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên), thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn (có thể được mời tham dự đại hội thành viên nhưng không được biểu quyết).
Việc cho phép ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành hợp tác xã và tổ chức đại hội thành viên bằng hình thức họp và biểu quyết trực tuyến sẽ tạo điều kiện cho hợp tác xã tiết kiệm về thời gian, chi phí tổ chức đại hội. Hợp tác xã có thể chủ động trong việc lựa chọn hình thức tổ chức đại hội thành viên cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị.
Như vậy, nếu như Luật HTX 2012 chỉ có 9 chương, 64 điều thì Luật HTX 2023 đã có 12 chương, 115 điều. Cùng đó, Luật HTX 2023 đã có các quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn nhưng một điều dễ nhận thấy nhất là Luật HTX 2023 đã tập trung vào trao quyền tự chủ nhiều hơn cho HTX. Tại khoản 7, Điều 4 của Luật HTX 2023 đã quy định “HTX là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 5 thành viên chính thức tự nguyện thành lập và hợp tác…nhằm đáp ứng yêu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội” đã thể hiện rõ điều này.
Song song đó, Luật HTX 2023 đã tập trung vào điều chỉnh các vấn đề tổ chức quản lý, giải thể, phá sản của HTX, THT, Liên hiệp HTX…Đưa THT trở thành một trong những đối tượng điều chỉnh của Luật, có hướng dẫn cách chuyển đổi từ THT lên HTX. Đây cũng là cách giúp người dân liên kết làm ăn từng bước làm quen với mô hình kinh tế tập thể.
Mặt khác, Luật HTX 2023 cũng có những quy định cụ thể, hướng dẫn HTX phát triển lên mô hình liên hiệp HTX. Điều này thể hiện sự phát triển của mô hình HTX khi đạt đến mức độ nhất định. Việc Luật HTX 2023 quy định “cá nhân là công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi…có thể trở thành thành viên (thành viên liên kết) của HTX” là rất hợp thời vì nhiều nước có mô hình HTX phát triển đều coi trọng điều này.
Tại Canada, người dân muốn các bạn nhỏ từ bé đã có tinh thần liên kết, hợp tác ngấm vào trong máu nên đã thành lập các nhóm sáng tạo, nghiên cứu cho các học sinh. Sau các em học hết trường cấp 3 có thể khởi nghiệp, đầu tư các dự án bằng cách liên kết, hợp tác thông qua mô hình HTX. Hay tại Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng đều làm tương tự. HTX chính là mô hình cho người dân cần câu, con cá và còn dạy người dân cách nuôi cá…
Luật HTX 2023 có hiệu lực cho thấy, môi trường pháp lý cho khu vực kinh tế tập thể đã thay đổi, giúp HTX có những điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Tuy nhiên, đi đôi với đó, HTX cũng cần chủ động, sáng tạo, tìm ra những sáng kiến, những hướng đi mới phù hợp thì mới thích ứng và phát triển xa hơn.
Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể. Theo đó, các chính sách về phát triển kinh tế tập thể phải được đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả, dễ tiếp cận; theo hướng tiếp cận các nguyên tắc thị trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng, dân chủ giữa các hợp tác xã và tạo cơ hội, động lực cho hợp tác xã tự lực vươn lên; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Các địa phương cần chung tay cùng cùng Nhà nước, bộ ngành tiếp tục tháo gỡ những khó khăn mà nông dân, hợp tác xã đang gặp phải bằng cách thể chế hóa đưa Luật hợp tác xã 2023 và một số luật mới có hiệu lực vào đời sống để người dân, hợp tác xã nắm bắt thuận lợi hơn trong thực tiễn, từ đó thu hút doanh nghiệp liên kết xây dựng và phát triển chuỗi giá trị bền vững.
Về phía các hợp tác xã, cần chủ động nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo, khai thác các tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm đặc trưng và OCOP, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho thành viên và người lao động. Bản thân những người cầm lái “con thuyền hợp tác xã” trên thương trường đòi hỏi phải am hiểu kiến thức, thuần thục kỹ năng, linh động nhạy bén trong quản trị kinh doanh.
Với tầm nhìn của hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã phải vượt qua được giới hạn của những suy nghĩ thông thường, có tính sáng tạo và khả năng dự đoán những biến động để “mở đường” cho hợp tác xã tiến lên. Triển khai tốt các chế độ chính sách để tìm và giữ chân những lao động trẻ, có trình độ xây dựng chính sách đãi ngộ riêng cùng môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, bảo đảm tốt các chế độ chính sách để tìm và giữ chân những lao động trẻ, có trình độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp…Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
(Bài xuất bản số T12, đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông)
TS. Hồ Minh Sơn
https://tapchivietnamhuongsac.vn/tin-tuc-su-kien/muon-thuc-day-kinh-te-tap-the-phat-trien-khai-thac-hieu-qua-nguon-luc-tu-luat-htx-2023