Ông Hồ Minh Sơn phân tích yếu tố pháp lý liên quan đến TikToker Mr Pips bị khởi tố về tội lừa đảo và TikToker Nờ Ô Nô bị xử lý hành chính
(HNTTO) – Ngay sau khi, VKSND TP. Hà Nội phê chuẩn khởi tố TikToker Phó Đức Nam và 24 bị can khác. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã xử phạt Phạm Đức Tuấn (TikToker Nờ Ô Nô) 30 triệu đồng…Mới đây, một số người dân đã liên hệ và đặt câu hỏi về việc những nhà đầu tư đã bị TikToker Mr Pips lừa đảo trở thành người bị hại…Bên cạnh đó, một số người dân cũng cho rằng mức xử phạt TikToker Nờ Ô Nô là còn nhẹ, đồng thời thắc mắc yếu tố nào thì sẽ bị xử lý hình sự…
Dưới góc độ pháp lý, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) phân tích những yếu tố pháp lý liên quan…
Đối với trường hợp TikToker Phó Đức Nam
Một số hình ảnh khoe mẽ phản cảm của Mr Pips trước khi bị khởi tố về tội lừa đảo
Mới đây, VKSND TP Hà Nội đang phối hợp với Công an TP Hà Nội tiếp tục mở rộng điều tra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên quan Phó Đức Nam (30 tuổi, TikToker Mr Pips). Trong vụ án, Phó Đức Nam, Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) và 24 bị can khác bị khởi tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm” và “Rửa tiền”.
TS. Hồ Minh Sơn cho biết, Phó Đức Nam là một TikToker nổi tiếng bởi những video đăng tải cuộc sống xa hoa, dạy cách kiếm tiền, với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trênkhông gian mạng xã hội như: TikTok và YouTube…Thế nhưng, đối tượng này bị khởi tố về hành vi lừa đảo một lần nữa có thể khẳng định rằng sự “phông bạt”, hào nhoáng, có nhiều tài sản, làm giàu nhanh một cách bất thường là do phạm tội mà có.
Cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra làm rõ đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản này. Bên cạnh đối tượng chủ mưu cầm đầu dựng ra kịch bản để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý hình sự, các đối tượng khác trong đường dây mà biết đây là các phương thức thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn thực hiện hành vi, cùng ý chí đối với đối tượng cầm đầu cũng được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức hoặc người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên sẽ bị xử lý cùng về một tội danh là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ theo điều 390 Bộ luật Hình sự thì các đối tượng biết đây là đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không tố giác cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội không tố giác tội phạm với hình phạt có thể tới 3 năm tù.
Mặt khác, căn cứ theo quy định tại điều 324 Bộ luật Hình sự đối với những người biết rõ số tiền, tài sản có được do phạm tội mà có nhưng vẫn tiếp nhận để đưa vào các giao dịch nhằm che giấu nguồn gốc tài sản phạm tội sẽ bị xử lý hình sự về tội “rửa tiền” với hình phạt ở mức cao nhất có thể tới 15 năm tù.
Ở vụ án này, đối với những người lao động làm thuê, nhận thức hạn chế, chỉ thực hiện một phần công việc mà không biết được các đối tượng đang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không bị xử lý hình sự…Tuy nhiên, đối với các đối tượng có vai trò là người lãnh đạo, người tổ chức, quản lý của doanh nghiệp, được bàn bạc, tham gia xây dựng hệ thống, biết rõ là phương thức thủ đoạn đầu tư như vậy là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vì ham lợi nhuận nên vẫn thực hiện hành vi thì được xác định là đồng phạm về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, cơ quan điều tra chắc chắn sẽ làm rõ nhận thức, hành vi, lợi nhuận ăn chia và các yếu tố khác để xác định những người hoạt động trong đường dây này ai là đồng phạm, ai chỉ là người lao động đơn thuần để phân hóa, phân loại, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bởi, đây là một trong những vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng phong tỏa, thu giữ được số lượng tài sản lớn nhất. Tài sản bị thu giữ trị giá lên đến hơn 5000 tỷ đồng là một số tiền rất lớn.
Đặc biệt, đối với những nhà đầu tư bị mất tiền từ hoạt động đầu tư của các đối tượng này sẽ trở thành người bị hại nên khẩn trương liên hệ với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin tài liệu về phương thức thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, về việc chuyển tiền và các chứng cứ tài liệu khác có liên quan để cơ quan tố tụng đưa vào danh sách những người bị hại. Trong đó, người bị hại có quyền cung cấp tài liệu, đồ vật, yêu cầu phải được quyền đề nghị mức hình phạt đối với người phạm tội và đề nghị bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả…Cùng với đó, quyền tham gia quá trình tố tụng và được trình bày tại phiên tòa. Những người bị hại nếu ở xa có thể ủy quyền cho người thân hoặc cho luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguồn gốc tài sản, đường đi của dòng tiền để tiếp tục truy thu, phong tỏa, cưỡng chế đối với các tài sản để tránh việc tẩu tán tài sản và xử lý các đối tượng thực hiện hành vi rửa tiền theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói, đây là một vụ án có nhiều người bị hại và số tiền các đối tượng chiếm đoạt được sẽ ăn tiêu hoang phí và có thể chuyển hóa thành các loại tài sản khác không thể thu hồi lại. Vì lẻ đó, không phải người bị hại nào cũng có cơ hội lấy lại tiền mặc dù số tiền thu giữ đặc biệt lớn.
Từ vụ án này, đây còn là một bài học cho nhiều người khi muốn làm giàu nhanh chóng, bất chấp trên không gian mạng. Mặt khác, cũng là bài học cho nhiều người bị hại khi thiếu kiến thức đầu tư, thiếu hiểu biết pháp luật, muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng, dễ dàng trên không gian mạng.
Đối với TikToker Phạm Đức Tuấn
Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã xử phạt Phạm Đức Tuấn (TikToker Nờ Ô Nô) mớiđây đã 30 triệu đồng vì đăng clip với nội dung “Giữa Hoàng Mobi và Bác Hồ Chí Minh thì bạn sẽ chọn ai”, “Giữa Lê Tuấn Khang và Bác Hồ Chí Minh thì em sẽ chọn ai” trên kênh TikTok “Tuấn không cận”. Trước đó, Phạm Đức Tuấn từng có kênh Tiktok Nờ Ô Nô, đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải loạt video có nội dung không tôn trọng người già neo đơn.
Phạm Đức Tuấn (Nờ Ô Nô) làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.
Một số ý kiến của người dân cho biết liệu xử phạt như trên là mức phạt quá nhẹ với Phạm Đức Tuấn, qua đó thắc mắc yếu tố nào thì sẽ bị xử lý hình sự?
TS. Hồ Minh Sơn cho rằng, đối với trường hợp của TikToker Phạm Đức Tuấn dù nội dung clip đăng tải mang tính xúc phạm đến danh nhân, lãnh tụ nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng để xử lý hình sự. Sau đó, TikToker này đã chủ động gỡ bỏ nội dung sai phạm, chủ động hợp tác với cơ quan chức năng, thể hiện thái độ khắc phục.
Thế nhưng, căn cứ theo quy định tại điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Do đó, nếu hành vi xúc phạm danh nhân, lãnh tụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Nếu xét hành vi cấu thành tội phạm, người có hành vi lợi dụng mạng xã hội hoặc phương tiện truyền thông để đăng tải thông tin sai sự thật hoặc xúc phạm nghiêm trọng đến danh nhân, lãnh tụ; hành vi gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội hoặc uy tín của tổ chức, cá nhân thì khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, mức phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Ví dụ: Để chuyển từ xử lý hành chính sang xử lý hình sự, cần xem xét hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng hay không; có ảnh hưởng tiêu cực lớn đến xã hội, đến danh dự và hình ảnh của lãnh tụ, danh nhân…?
TS. Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Căn cứ tại điều 331 Bộ Luật Hình sự, nếu TikToker Phạm Đức Tuấn tiếp tục tái phạm, vi phạm nhiều lần hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Trong khi đó, mỗi cá nhân cần ý thức trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, không nên lợi dụng các nền tảng truyền thông để đăng tải nội dung sai trái hoặc kích động dư luận.
TS. Hồ Minh Sơn cũng khuyến nghị, mọi người dùng mạng xã hội hãy xem sự việc của TikToker Nờ Ô Nô lấy đây làm bài học cảnh tỉnh. Mặc dù, đã bị xử lý hành chính nhưng nếu tiếp tục tái phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, việc xử lý hình sự là hoàn toàn có thể xảy ra…
Tin rằng, thông qua buổi chia sẻ, phân tích yếu tố pháp lý của TS. Hồ Minh Sơn rất mong tất cả những người dùng mạng xã hội phải thật sự là người thông thái. Song song đó, cần sử dụng quyền tự do ngôn luận một cách đúng đắn, phải tuân thủ và thượng tôn pháp luật, góp phần xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, văn minh. Tôn trọng lịch sử, tôn vinh danh nhân là cách mỗi người thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm với xã hội…
Văn Hải – Tuấn Tú