Lý do một số nước cấm trẻ em dùng mạng xã hội
(HNTTO) – Úc vừa ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi truy cập mạng xã hội, với mức phạt nặng cho nền tảng vi phạm. Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng internet của trẻ vị thành niên, giới hạn thời gian và nội dung truy cập trên các ứng dụng như Douyin; Na Uy đang xem xét tăng độ tuổi tối thiểu sử dụng mạng xã hội từ 13 lên 15 để bảo vệ trẻ em khỏi nội dung độc hại…
Quốc hội Úc tối 28/11 thông qua đạo luật đầu tiên trên thế giới cấm mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi, yêu cầu các công ty công nghệ tăng cường bảo mật.
Meta (chủ sở hữu Facebook và Instagram) và TikTok hôm 29/11 tuyên bố rằng, họ chia sẻ mục tiêu của chính phủ về việc làm cho mạng xã hội an toàn hơn cho người dùng trẻ, nhưng luật này đã được ban hành “quá vội vàng”.
Snap Inc., công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin Snapchat được trẻ em ưa chuộng, cho rằng, vẫn còn “nhiều câu hỏi chưa được giải đáp” về cách thực thi luật. Họ đã ủng hộ việc sử dụng “xác minh tuổi ở cấp độ thiết bị… để đơn giản hóa quy trình”.
Mạng xã hội X, thuộc sở hữu của tỷ phú Mỹ Elon Musk, trong ý kiến gửi Ủy ban đã nói rằng nền tảng này “không được sử dụng rộng rãi bởi trẻ vị thành niên” nhưng bày tỏ lo ngại về tác động của luật đối với quyền tự do ngôn luận của người dùng.
Úc vừa ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi truy cập mạng xã hội. Ảnh: Exhibit Tech.
Trung Quốc, Na Uy… cũng hạn chế trẻ em dùng mạng xã hội
Dù có những ý kiến phản đối, các cuộc khảo sát cho thấy người dân Úc ủng hộ luật này.
Một cuộc thăm dò của YouGov được thực hiện trong tháng này cho thấy 77% người Úc ủng hộ lệnh cấm với trẻ dưới 16 tuổi. Cuộc khảo sát được thực hiện trong nửa cuối tháng 11 này với 1.515 người tham gia và sai số 3,2%.
Dany Elachi, đồng sáng lập nhóm phụ huynh Heads Up Alliance, người đã thúc đẩy lệnh cấm, cho rằng luật này vẫn chưa đủ mạnh. “Chẳng hạn, Discord và YouTube Shorts không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật cấm, nhưng tôi mong muốn hợp tác với các nhà lập pháp trong những tháng tới để đảm bảo luật này hiệu quả nhất có thể”, ông nói.
Chính phủ Úc sẽ tham vấn rộng rãi trước khi đưa ra ngày thực thi, khi tất cả tài khoản mạng xã hội của trẻ dưới 16 tuổi thuộc phạm vi cấm sẽ bị hủy kích hoạt.
Phụ huynh và trẻ em sẽ không bị phạt khi vi phạm lệnh cấm, nhưng các công ty phải chứng minh rằng họ đã thực hiện các bước hợp lý để ngăn người dùng chưa đủ tuổi.
Nhiều quốc gia ngày càng thắt chặt quy định về việc sử dụng mạng xã hội của trẻ em nhằm bảo vệ sức khỏe tinh thần và an toàn của họ. Ngoài lệnh cấm của Úc, một số nước khác đã có những chính sách tương tự, dù không nghiêm ngặt bằng.
Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng internet của trẻ vị thành niên, giới hạn thời gian và nội dung truy cập trên các ứng dụng như Douyin (phiên bản nội địa của TikTok).
Na Uy đang xem xét tăng độ tuổi tối thiểu sử dụng mạng xã hội từ 13 lên 15 để bảo vệ trẻ em khỏi nội dung độc hại, theo Devdiscourse.
Các nơi khác, như Mỹ và châu Âu, đã đề xuất yêu cầu xác minh tuổi và sự đồng ý của phụ huynh nhằm bảo vệ trẻ em trên các nền tảng mạng xã hội.
Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng internet của trẻ vị thành niên, giới hạn thời gian và nội dung truy cập trên các ứng dụng như Douyin – mạng xã hội có nhiều hình ảnh trẻ nhỏ và có nhiều người dùng dưới 18 tuổi. Ảnh: Dreamstime.
Phản ứng mạnh mẽ nhất
Thượng viện Úc phê duyệt lệnh cấm vào tối 28/11, ngày làm việc cuối cùng của cơ quan lập pháp này trong năm nay, sau nhiều tháng tranh luận công khai căng thẳng và một quy trình lập pháp gấp rút, trong đó dự luật được trình bày, thảo luận và thông qua chỉ trong vòng một tuần.
Theo luật mới, các công ty công nghệ phải thực hiện các “biện pháp hợp lý” để ngăn chặn người dùng chưa đủ tuổi truy cập dịch vụ mạng xã hội, nếu không sẽ bị phạt gần 50 triệu đô la Úc (32 triệu USD).
Đây là phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của thế giới đối với vấn đề này, vượt xa các quốc gia khác khi không chỉ áp đặt các hạn chế mà còn buộc các công ty phải chịu trách nhiệm khi vi phạm lệnh cấm trên toàn quốc. Lệnh cấm dự kiến áp dụng cho Snapchat, TikTok, Facebook, Instagram, Reddit và X, nhưng danh sách này có thể mở rộng.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm 29/11 ca ngợi luật mới, nói luật này gửi một thông điệp tới các bậc cha mẹ rằng “chúng tôi luôn đứng sau các bạn”. “Các nền tảng giờ đây phải có trách nhiệm xã hội để đảm bảo an toàn cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu của họ”, ông nói.
Thủ tướng Albanese trước đó nói trước quốc hội rằng, không thể trì hoãn thêm lệnh cấm mạng xã hội. “Chúng ta biết rằng mạng xã hội có thể trở thành vũ khí cho những kẻ bắt nạt, nền tảng tạo áp lực đồng trang lứa, nguyên nhân gây lo âu, công cụ cho những kẻ lừa đảo, và tồi tệ nhất là phương tiện cho những kẻ săn mồi trực tuyến”, ông nói.
Nhiều nước quan ngại trước tình trạng nhiều người trẻ dành quá nhiều thời gian để lướt Facebook. Ảnh: FS Poster.
Gây tranh cãi
Dự luật nhận được sự ủng hộ từ đa số thành viên đảng đối lập chính, đảng Tự do. Thượng nghị sĩ Maria Kovacic của đảng Tự do gọi đây là “một thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử đất nước”.
“Chúng ta đã đặt ra ranh giới rõ ràng. Quyền lực khổng lồ của các công ty công nghệ lớn không thể tiếp tục không được kiểm soát tại Úc”, bà Kovacic nói hôm thứ 28/11 trước khi bỏ phiếu.
Tuy nhiên, luật này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nghị sĩ độc lập và các đảng nhỏ, bao gồm Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Young của đảng Xanh, người cáo buộc các đảng lớn cố “lừa” các bậc phụ huynh Úc.
“Đây là một thảm họa đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta”, bà Young nói. “Bạn không thể bịa ra chuyện này. Thủ tướng nói ông lo lắng về mạng xã hội. Lãnh đạo phe đối lập nói ‘Hãy cấm nó’. Đó là một cuộc đua xuống đáy, cố gắng tỏ ra ai cứng rắn nhất, và tất cả những gì họ đạt được là đẩy giới trẻ vào sự cô lập hơn nữa, đồng thời trao cho các nền tảng cơ hội tiếp tục thả lỏng vì giờ không còn trách nhiệm xã hội nào được yêu cầu. Chúng ta cần làm cho mạng xã hội an toàn hơn cho tất cả mọi người”.
Các mạng xã hội đang bùng nổ khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Big Red Digital.
Quy trình gấp rút
Chính phủ đã đối mặt với nhiều chỉ trích về tốc độ ban hành luật. Thời gian gửi ý kiến cho Ủy ban Thượng viện xem xét dự luật chỉ kéo dài 24 giờ, trước một phiên điều trần kéo dài ba giờ vào ngày 25/11.
Báo cáo của Ủy ban được công bố vào ngày 26/11, và dự luật được thông qua tại Hạ viện vào ngày 27/11 với tỷ lệ 102 phiếu thuận và 13 phiếu chống, trước khi được chuyển lên Thượng viện.
Hơn 100 ý kiến đã được gửi, và “hầu hết những người gửi ý kiến và nhân chứng đều bày tỏ lo ngại nghiêm trọng rằng một dự luật quan trọng như vậy không được dành đủ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng và báo cáo”, Ủy ban cho biết trong báo cáo của mình.
Tuy nhiên, Ủy ban khuyến nghị thông qua dự luật với một số thay đổi, bao gồm việc cấm sử dụng các tài liệu của chính phủ, như hộ chiếu, để xác minh tuổi người dùng.
Thái An/Theo CNN. Devdiscourse
https://tienphong.vn/ly-do-mot-so-nuoc-cam-tre-em-dung-mang-xa-hoi-post1696060.tpo