Ông Hồ Minh Sơn: Phân tích yếu tố pháp lý liên quan việc ‘Cô tiên’ Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị khởi tố?
(HNTTO) – Hiện nay, có nhiều người cho rằng, việc thường xuyên làm từ thiện sẽ là tình tiết giúp ‘cô tiên’ Nguyễn Đỗ Trúc Phương được xem xét giảm nhẹ án khi vụ việc được đưa ra xét xử.
Cụ thể, vào ngày 14/11/2024 vừa qua, Cơ quan CSĐT (Công an TPHCM) đã khởi tố bị can, bắt giam ca sĩ Nguyễn Trung Hiếu (nghệ danh Chi Dân), người mẫu Nguyễn Thị An (còn gọi là An Tây, Andrea Aybar) và Nguyễn Đỗ Trúc Phương (TikToker) trong chuyên án về đường dây vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy liên tỉnh, thành phố.
Qua theo dõi thông tin truyền thông, trong thời gian trước đó, Trúc Phương có cuộc sống khiến nhiều người mơ ước, cô được biết đến là cô gái nhà giàu, xinh đẹp, từng du học nước ngoài 9 năm và sở hữu khách sạn ở trung tâm thành phố. Nguyễn Đỗ Trúc Phương sinh năm 1994, là con gái một gia đình khá giả ở TPHCM. Cô được nhiều người gọi với cái tên “cô tiên từ thiện” hay “cô tiên của người nghèo” khi là người sáng lập, điều hành quỹ từ thiện, giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn trong cả nước.Trên trang cá nhân của mình, Trúc Phương thường xuyên chia sẻ khoảnh khắc đi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn và kêu gọi từ thiện….
Phân tích yếu tố pháp lý liên quan, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho rằng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một chế định quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam thể hiện được nguyên tắc nhân đạo của Nhà nước ta. Có thể thấy, bị can Nguyễn Đỗ Trúc Phương hay còn gọi là “cô tiên” từ thiện hiện đang bị Cơ quan điều tra khởi tố về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự. Theo đó, người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Trong trường hợp phạm tội 2 lần trở lên hoặc phạm tội với 2 người trở lên,…hoặc các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này thì sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm…Tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội thì mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với trường hợp Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên”, Làm chết 2 người trở lên theo quy định tại khoản 4 điều này.
Nguyễn Đỗ Trúc Phương tại cơ quan công an. Ảnh: Thuận Thiên
Căn cứ tại Điều 50 Bộ luật hình sự thì khi quyết định hình phạt, tòa án căn cứ vào quy định của bộ luật, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. VÌ vậy, các tình tiết giảm nhẹ cũng là một trong những căn cứ để tòa án cân nhắc quyết định mức hình phạt phù hợp cho người phạm tội theo quy định.
Phân tích thêm về vấn đề này, TS. Hồ Minh Sơn cũng cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự quy định 22 tình tiết giảm nhẹ như: tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; người phạm tội tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác hay là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ…
Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự cũng quy định thêm về việc tòa án có thể cân nhắc các các trường hợp khác như là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Do đó, đối với trường hợp thường xuyên làm từ thiện, có đóng góp cho xã hội và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc từ thiện này thì tòa án cũng có thể cân nhắc đây là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để áp dụng khi quyết định hình phạt với bị can, bị cáo, TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng.
TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng thêm 22 nội dung của khoản 1 Điều 51Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017quy định thì có những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sau: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; Phạm tội do lạc hậu; Người phạm tội là phụ nữ có thai; Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Người phạm tội đã lập công chuộc tội; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Do đó, pháp luật hiện hành không có nêu rõ cụ thể về việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người làm từ thiện nhiều.
Cũng theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 có quy định rằng: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”. Do vậy, từ những quy định nêu trên ta có thể thấy rằng việc làm từ thiện nhiều có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào quyết định của Tòa án. Khi đó Tòa án phải ghi rõ lý do giảm nhẹ hình phạt vào trong bản án.
TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị thêm cần lưu ý thêm rằng bên cạnh những người làm từ thiện với mong muốn được hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn thì còn có một số đối tượng lợi dụng việc từ thiện để nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, xem đó như một tấm “bình phong để nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xây dựng hình ảnh cá nhân trong công tác xã hội thiện nguyện nhưng thực chất là đang lợi dụng để thực hiện những việc làm phạm pháp nhằm trục lợi cho bản thân,…Thì có lẻ không những không được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn có thể bị xử lý nghiêm khắc hơn để đảm bảo tính răn đe.
Theo TS. Hồ Minh Sơn nêu 04 quan điểm: “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) là những tình tiết được quy định trong BLHS hoặc do Toà án phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội cũng như hoàn cảnh đặc biệt của họ. Những tình tiết này có ý nghĩa làm giảm mức độ TNHS của người phạm tội; Các tình tiết giảm nhẹ TNHS là các tình tiết trong một vụ án cụ thể mà nó sẽ làm giảm TNHS của người phạm tội trong một khung hình phạt; Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết không có ý nghĩa về mặt định tội, định khung hình phạt mà chỉ có tác dụng làm tăng hoặc giảm mức độ TNHS trong một phạm vi một khung hình phạt nhất định; Các tình tiết giảm nhẹ TNHS là những tình tiết của vụ án hình sự liên quan đến việc giải quyết TNHS, có ý nghĩa làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh khả năng cải tạo tốt hoặc hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội đáng được khoan hồng và giá trị giảm nhẹ của chúng chưa được ghi nhận trong chế tài”.
Theo đó, TS. Hồ Minh Sơn phân tích rằng nếu chỉ xét tình tiết giảm nhẹ là những tình tiết có ý nghĩa giảm hình phạt trong một khung hình phạt thì sẽ là thu hẹp so với chính tên gọi là khả năng ảnh hưởng của tình tiết giảm nhẹ đến trách nhiệm hình sự. Bởi vì, nội dung của TNHS như đã đề cập ở trên không chỉ bao gồm hình phạt mà còn bao gồm việc bị kết án, bị áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp và mang án tích. Bên cạnh đó, tình tiết giảm nhẹ không chỉ là những tình tiết được quy định tại BLHS 2015 mà còn có thể là các tình tiết khác trong vụ án hình sự. Thế nhưng, các tình tiết giảm nhẹ này có ý nghĩa giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Cùng với đó, việc xem xét các tình tiết giảm nhẹ của một vụ án hình sự chỉ làm giảm đi trách nhiệm hình sự của người phạm tội mà không phải là mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đó.
Từ đó, có thể thấy các tình tiết giảm nhẹ là những tình tiết của vụ án hình sự liên quan đến việc giải quyết TNHS, phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội cũng như hoàn cảnh đặc biệt của Nguyễn Đỗ Trúc Phương. Giá trị giảm nhẹ của các tình tiết này tùy thuộc vào mức độ, phạm vi, tác động của chúng trong vụ án hình sự nêu trên.
Văn Hải – Tuấn Tú (TVV PL Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm)