Giáo dục

ThS. Võ Thị Mỹ Duyên: Nữ doanh nhân, diễn giả, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng – xuất thân từ giáo viên, sự tâm huyết với nghề giáo

(HNTTO) – Dù là trên cương vị doanh nhân hay nhà giáo, trên bục giảng hay trên thương trường, Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên cũng đều có những đóng góp rất ý nghĩa cho xã hội và đào tạo, truyền cảm hứng cho một thế hệ doanh nhân mới.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp cả nước bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc tới những người thầy, người cô. Trong giới kinh doanh, có không ít những trường hợp doanh nhân thành đạt có xuất thân từ giáo viên và họ luôn giữ được sự tâm huyết của mình với giáo dục, dù đã rời xa bục giảng.

Là nữ doanh nhân trẻ nhất vừa được vinh danh Doanh nhân TPHCM Tiêu biểu năm 2024, ít ai biết, Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên cũng có xuất thân từ nghề giáo.

Doanh nhân TPHCM tiêu biểu Võ Thị Mỹ Duyên có xuất thân từ nghề giáo

Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên là doanh nhân, diễn giả nổi tiếng thường xuyên chia sẻ trên các Đài, Truyền hình và là nhà hoạt động xã hội với nhiều đóng góp tích cực trong giáo dục. Xuất phát điểm, chị có hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, từng là giáo viên kỹ năng và đảm nhận vai trò tổ trưởng tổ kỹ năng của một trường Quốc tế có tiếng trên địa bàn thành phố. Mặc dù mức lương khởi điểm khi đó chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng, cô giáo Mỹ Duyên vẫn rất yêu nghề với những phương pháp giảng dạy riêng và được nhiều học trò yêu quý.

Chính vì lý do đó mà khi rẽ hướng sang mảng khởi nghiệp, cô giáo Mỹ Duyên cũng lựa chọn giáo dục làm nơi xuất phát điểm với dự án Học viện Kỹ năng VTALK, nhằm mục đích giải quyết 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc là gia tăng đáng kể số lao động có các kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động để có việc làm tốt và làm chủ doanh nghiệp.

Khởi nghiệp từ một giáo viên dạy kỹ năng, nhưng rồi với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu giáo trình, khả năng giảng dạy thực tế cùng tố chất kinh doanh từ thời còn là sinh viên đã giúp Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên xây dựng công ty đạt được không ít thành tựu trong lĩnh vực khởi nghiệp. Tuy bận bịu với hàng loạt các dự án, Thạc sĩ Võ thị Mỹ Duyên vẫn không quên nghề cũ mà vẫn thường xuyên dành ra tối thiểu 30 tiếng mỗi tháng để trực tiếp tham gia giảng dạy tại VTALK, nhằm cập nhật giáo trình và đưa ra những cải tiến phù hợp cho người học.

Dù công việc kinh doanh bận rộn, Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên vẫn thường xuyên dành ra tối thiểu 30 tiếng mỗi tháng để trực tiếp tham gia giảng dạy

Ngoài các hoạt động kinh doanh chính, Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên cũng thường xuyên được mời chia sẻ và giảng dạy một số chuyên đề tại các trường Đại học trên toàn quốc. Trên hành trình ý nghĩa này, chị còn được sinh viên thân thương đặt cho biệt danh “Diễn giả Áo Dài” vì luôn mang trên mình bộ trang phục truyền thống, đậm chất giáo viên, thay vì những bộ vest lịch thiệp, “tổng tài” như những hình ảnh doanh nhân khác.

Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên cho rằng, doanh nhân đi giảng dạy là một công việc cực kỳ đặc biệt, bởi lẽ “các kiến thức được chia sẻ không chỉ đến từ các đúc kết lý thuyết, mà còn là kinh nghiệm và muôn vàn các bàn học thực tế, những vấp ngã, những nỗi đau mà nếu chỉ đọc trên sách vở, chắc chắn người dạy sẽ không có cách nào truyền đạt được”.

Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên là Đại sứ Talent Generation thuộc UNESCO-CEP, Nhà sáng lập và Chủ nhiệm mạng lưới Hành trình Khởi lửa Hành trang SFVN Toàn Quốc

Hiện Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội với vai trò là Đại sứ Talent Generation – thuộc Trung tâm UNESCO Văn hóa và Giáo dục (UNESCO-CEP) – một trong những chương trình sinh viên quy mô nhất tại Việt Nam. Đồng thời, Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên còn là Nhà sáng lập và Chủ nhiệm mạng lưới Hành trình Khởi lửa Hành trang SFVN Toàn Quốc, dự án phi lợi nhuận giúp kết nối hơn 200,000 sinh viên, học sinh Việt Nam đến các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và vừa được đề cử giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize 2024.

Thông qua các hoạt động vô cùng ý nghĩa này, Thạc sĩ – Doanh nhân Võ Thị Mỹ Duyên mong muốn là cánh tay nối dài giữa nhà trường với doanh nghiệp, mang đến nhiều giá trị hơn cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Đồng thời, chị kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều “người thầy doanh nhân” sẵn sàng mang đến nhiều nguồn kiến thức thực tế cho thanh niên Việt Nam.

(Bài xuất bản số T12, đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông)

Như Quỳnh

Bài viết liên quan

Back to top button