Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn: Tặng cho hoặc di chúc sổ tiết kiệm sao cho đúng – Vợ có được rút tiền từ sổ tiết kiệm đứng tên chồng?
(HNTTO) – Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) mới đây nhận được thư độc giả, yêu cầu hỗ trợ pháp lý về Thông tư 48/2018/TT-NHNN và Luật Hôn nhân và Gia đình…Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn xin trả lời như sau: Sổ tiết kiệm không chỉ là công cụ bảo toàn tài sản hiệu quả mà còn được sử dụng như một phương tiện để chuyển giao tài sản giữa các thế hệ. Bên cạnh đó, vợ có được rút tiền từ sổ tiết kiệm đứng tên chồng không là một trong những vấn đề nhiều người quan tâm.
Tặng cho hoặc di chúc sổ tiết kiệm sao cho đúng?
Việc tặng cho hoặc lập di chúc sổ tiết kiệm có thể khiến nhiều người băn khoăn do tính chất pháp lý và các thủ tục liên quan. Tặng cho sổ tiết kiệm là việc chuyển quyền sở hữu sổ từ người này sang người khác mà không yêu cầu lợi ích tài chính từ bên nhận. Để quy trình tặng cho diễn ra thuận lợi, cần chú ý các điểm sau:
Kiểm tra điều kiện tăng cho:Trước tiên, bạn cần đảm bảo rằng sổ tiết kiệm không bị phong tỏa hoặc gắn liền với một hợp đồng vay vốn.
Lập hợp đồng tặng cho: Một hợp đồng tặng cho sổ tiết kiệm cần được lập rõ ràng, nêu rõ thông tin của bên tặng và bên nhận, số tiền trong sổ tiết kiệm, và điều kiện chuyển nhượng nếu có.
Công chứng và chứng thực:Hợp đồng tặng cho phải được công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo giá trị pháp lý.
Thông báo cho ngân hàng:Sau khi công chứng, bạn cần liên hệ với ngân hàng để thông báo việc chuyển nhượng và thực hiện các thủ tục cập nhật thông tin người sở hữu mới.
Trong đó, có một số lưu ý khi tặng cho số tiền trong sổ tiết kiệm: Việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải được thực hiện tại ngân hàng, nơi mở thẻ tiết kiệm; Cả người tặng cho và người được tặng cho số tiền trong tài khoản của sổ/thẻ tiết kiệm cần đến trực tiếp ngân hàng để làm thủ tục; Giấy chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải có đầy đủ chữ ký của người tặng và người được tặng; Trong đó chữ ký của người tặng cho phải khớp đúng với chữ ký mẫu đăng ký của ngân hàng. Chữ ký của người được tặng cho sẽ được dùng để đối chiếu với chữ ký khi đáo hạn số tiền tiết kiệm này…
Đồng thời, di chúc là một văn bản quan trọng, trong đó người lập di chúc quy định cách thức phân chia tài sản, bao gồm cả sổ tiết kiệm, sau khi qua đời. Các bước cần thiết để lập di chúc cho sổ tiết kiệm bao gồm:
Soạn thảo di chúc: Di chúc cần được soạn thảo rõ ràng, bao gồm thông tin chi tiết của sổ tiết kiệm, người thụ hưởng, và các điều khoản kèm theo nếu có. Lưu ý rằng ý chí của người lập di chúc phải được thể hiện minh bạch và không chịu sự ép buộc.
Chứng thực di chúc: Di chúc nên được chứng thực bởi cơ quan công chứng hoặc chính quyền địa phương để đảm bảo tính pháp lý và tránh tranh chấp sau này.
Lưu trữ di chúc: Sau khi di chúc đã được lập và chứng thực, việc lưu trữ cẩn thận tại nơi an toàn là rất quan trọng. Bạn có thể lưu trữ bản gốc tại ngân hàng, cơ quan công chứng hoặc địa điểm cá nhân an toàn.
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, sổ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, sổ tiết kiệm có thể đứng tên một người, hai người hoặc nhiều người (nếu gửi tiết kiệm chung). Khi rút tiền tiết kiệm, người đứng tên sổ tiết kiệm phải thực hiện thủ tục rút tiền hoặc thông qua người đại diện, qua ủy quyền hay phân chia di sản thừa kế.
Vợ có được rút tiền từ sổ tiết kiệm đứng tên chồng?
Sổ tiết kiệm là tài chung của vợ chồng: Trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản chung của vợ chồng, vợ muốn rút tiền phải chứng minh được sổ tiết kiệm đó là tài sản chung.
Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, tài sản chung của vợ chồng là tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân, được tặng cho chung, được thừa kế hoặc tài sản vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Muốn rút tiền trong sổ tiết kiệm đứng tên chồng, người vợ phải cung cấp các giấy tờ chứng minh tài sản chung như văn bản thỏa thuận sổ tiết kiệm là tài sản chung đã được công chứng.
Dù chứng minh được sổ tiết kiệm là tài sản chung, người vợ cũng chỉ có thể rút tối đa 50% số tiền trong sổ tiết kiệm đó. Muốn rút toàn bộ sổ tiết kiệm, vợ phải nhận được ủy quyền từ chồng hoặc cả hai vợ chồng cùng đi rút tiền tại ngân hàng.
Sổ tiết kiệm là tài sản riêng của người chồng
Căn cứ Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, tài sản riêng của chồng hoặc vợ là tài sản hình thành trước khi kết hôn, tài sản có được do tặng cho riêng, thừa kế riêng hoặc do phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân….Tài sản riêng của ai sẽ thuộc quyền sở hữu và định đoạt của riêng người đó.
Do đó, trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng thì người vợ không có quyền rút tiền trong sổ tiết kiệm này.
Vợ chỉ có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng trong những trường hợp sau:
– Người chồng ủy quyền cho vợ: Vợ có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm khi chồng ủy quyền chơ vợ đến ngân hàng thực hiện các giao dịch rút tiền. Khi đó, người vợ phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ như giấy ủy quyền, sổ tiết kiệm, giấy tờ chứng minh nhân thân của người đứng tên sổ tiết kiệm (CMND, CCCD, hộ chiếu) và của người được ủy quyền.
– Theo hình thức thừa kế: Người vợ có thể rút tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản riêng của chồng trong trường hợp chồng qua đời, để lại di chúc hoặc không để lại di chúc và sổ tiết kiệm là tài sản chồng để lại được chia theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, người vợ cần mang theo sổ tiết kiệm cũng như văn bản thỏa thuận/khai nhận di sản thừa kế, giấy tờ tùy thân của các đồng thừa kế, giấy chứng tử của chồng, giấy tờ chứng minh mối quan hệ nhân thân với người chồng đã mất để làm thủ tục rút tiền.
Luật sư Phạm Lan Thảo – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn