Thị trườngThị trường quốc tế

“Vua trái cây” nhiều lợi thế, thách thức xuất khẩu vào thị trường lớn trên thế giới

(HNTTO) – Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Với Nghị định thư vừa ký kết cùng với năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu (XK) sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký để doanh nghiệp có thể sớm XK.

Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy, năm 2023, Trung Quốc đã chi gần 7 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng tươi và 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia.

Theo đó, người tiêu dùng ở thị trường Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh, bởi sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng ngay hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác. Đồng thời, sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường…Vì vậy, đây là cơ hội rất lớn cho sầu riêng đông lạnh của Việt Nam.

Trong đó, sầu riêng đông lạnh được coi là việc mặt hàng này được coi như “thực phẩm”. Do đó, sẽ phải tuân thủ Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc. Các đơn vị muốn XK phải đăng ký và được phía Trung Quốc chấp thuận. Nhãn mác phải ghi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung, bắt buộc phải có dòng chữ “This product is being exported to the People’s Republic of China” và phải ghi nguyên văn dòng này, không dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Trung.

Theo Viện IMRIC và Viện IRLIE, các doanh nghiệp XK, cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực vật đối với XK sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam sang Trung Quốc. Cụ thể, sầu riêng đông lạnh có nguồn gốc từ các vùng trồng sầu riêng được đăng ký, quản lý và giám sát tại Việt Nam. Việc xây dựng mã số vùng trồng là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu mà thu mua sầu riêng từ các vườn trồng của nông dân, HTX, thì doanh nghiệp cần bảo đảm truy xuất nguồn gốc đối với từng lô hàng.

Căn cứ Theo Điều II của Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, phía Việt Nam phải bảo đảm rằng các công đoạn như tách vỏ, tách múi và chế biến khác của sầu riêng đông lạnh được thực hiện bởi các nhân viên được chỉ định. Để ngăn ngừa lây nhiễm chéo, nhân viên này phải làm việc trong khu vực sản xuất trong suốt quá trình chế biến và đóng gói.

Dưới góc độ chuyên gia, Luật gia Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Viện IRLIE, nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp, cần tìm hiểu rõ các tiêu chí về “nhân viên được chỉ định” rất quan trọng để bảo đảm tuyển chọn đúng người, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm”. Mặt khác, trong tiêu chí đánh giá doanh nghiệp xuất khẩu, có yêu cầu về việc thiết lập và vận hành hệ thống HACCP. Theo đó, nhân viên cần được đào tạo và cấp chứng nhận HACCP. Khi đạt được các chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ có đội ngũ nhân lực đạt chuẩn, bảo đảm an toàn thực phẩm cho sầu riêng đông lạnh XK.

Hiện nay, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…Cùng với đó, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra.

Trong khi đó, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Phó TBT Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, tập huấn, tuyên truyền về  việc tuân thủ quy định, để Trung Quốc chấp nhận. Qua đó, khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao công nghệ cấp đông, chất lượng sản phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát quy trình sản xuất sầu riêng đông lạnh. Việc nâng cao công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm phải bắt đầu từ khâu sản xuất đến khâu đóng gói và vận chuyển đặc biệt là các thiết bị, kho cấp đông.

Theo TS. Hồ Minh Sơn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói để bảo đảm không xảy ra sai sót nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc và các biện pháp quản lý cũng như giám sát sinh vật gây hại cùng vệ sinh an toàn thực phẩm hại một cách khoa học, hiệu quả. Phải tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, đầu tư nâng cấp công nghệ cấp đông, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

(Bài xuất bản T10, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam)

Thuỳ Duyên – Quang Huy

Bài viết liên quan

Back to top button