Xã hội

Viện IMRIC – Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC – Trung tâm TVPLMS: Với nỗi niềm tham gia công tác xã hội, thiện nguyện khi chứng kiến giọt nước mắt đong đầy…

(HNTTO) – Trong suốt thời gian qua, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cùng Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) với đội ngũ những người làm khoa học, luật luôn quan tâm xem trách nhiệm cầm bút gắn với  công tác xã hội (CTXH) ở các địa phương trên cả nước, luôn cần mẫn đưa chính sách của Nhà nước, kết nối những tấm lòng hảo tâm nhằm giúp những phận đời, hoàn cảnh đặc biệt có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Những giọt nước mắt thắm đượm lòng người của bà Đoàn Thị Thắm (ngụ tại Ấp Phước Hậu, Xã Tam Phước, Huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) khi nhận được căn nhà mới khang trang từ Viện IMRIC – Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC và Trung tâm TVPLMS vận động các mạnh thường quân là một ví dụ điển hình

Trăn trở với những người có hoàn cảnh khó khăn

Có thể thấy, công tác xã hội thiện nguyện cũng có những khó khăn nhất định và đôi khi còn gặp sự cố. Đối với công tác này, ngoài trái tim yêu thương thì còn cần có nhiều kỹ năng bổ trợ. Bởi, khi cùngchính quyền các địa phương đến gặp những gia đình đối tượng để nắm bắt tình hình, có gia đình vui vẻ chào đón nhưng cũng có gia đình không hài lòng và không hợp tác vì họ chưa hiểu hết công tác này, cũng như chưa hiểu rằng những trẻ khuyết tật như con của họ cần sự hỗ trợ của xã hội như thế nào.

Khó khăn là vậy nhưng với sự kiên định của đội ngũ những người làm báo tại Tạp chí, chính vì đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên càng có thêm kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác kết nối, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ, bảo trợ xã hội để ngày càng hỗ trợ được nhiều đối tượng hơn…

Bên cạnh việc trục tiếp tác nghiệp ở các địa phương, những nhà báo, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí có nhiều chuyến đi đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ những chuyến đi, đội ngũ những người làm báo lại tích luỹ thêm nhiều trải nghiệm vô cùng quý giá…

Ông Nguyễn Tuấn Tú – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tài chính tại Việt Nam (Bộ KH&CN), người luôn đồng hành trong các công tác văn hoá, thể thao, xã hội thiện nguyện cùng Viện IMRIC, Viện IRLIE – Trung tâm TTLCC, Trung tâm TVPLMS bày tỏ: “Trong những chuyến đi tình nguyện, tôi được gặp nhiều người, nhiều hoàn cảnh, số phận khác nhau, giúp đỡ phần nào khó khăn mà họ đang phải gánh chịu…Từ đó, tôi cảm thấy quý trọng cuộc sống hiện tại, sống bao dung hơn. Tôi cảm thấy trân quý những chuyến đi như vậy. Nếu còn có thể tôi vẫn sẽ tiếp tục đồng hành. Như lời bài hát của anh Đen Vâu: “Tụi mình tập tìm cách cho đi vì biết cho đi sẽ nhận về nhiều. Vì mình cho đi những nụ cười, những muộn phiền sẽ trôi rất xa. Cho đi niềm hạnh phúc sẽ nhận về gấp đôi gấp ba”…

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, Viện IMRIC, Viện IRLIE – Trung tâm TTLCC, Trung tâm TVPLMS đã phối hợp cùng các cơ quan truyền thông báo chí thực hiện trao 10 căn nhà tại tỉnh Bến Tre (mỗi căn trị giá 50.000.000VND); trao quà trung thu cho các cháu thiếu nhi Thị trấn Mõ Cày, huyện Mõ Cày Nam gần 50.000.000VND; trao quà cho 1 gia đình khó khăn tại tỉnh Bắc Giang 35.000.000VND; trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại tỉnh Sóc Trăng, Đồng Nai gần 120.000.000, tài trợ giải bóng rổ tỉnh Bình Dương 286.000.000VND. Tới đây, tiếp tục vận động cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Liên bang Nga trao 2 cây cầu góp phần vào việc xây dựng nông thôn nâng cao tỉnh Bến Tre gần 400.000.000VND…

TS Hồ Minh Sơn cùng đại diện huyện Bình Đại và bà Thắm thực hiện nghi thức bàn giao nhà tình thương

Làm từ thiện – Cho và nhận

Đơn giản chỉ là những món quà trao yêu thương, những hành động giản dị, chân thành nhưng với bao số phận không may mắn, đó lại chính là sự sẻ chia vô cùng quý giá. Trong đó, niềm riêng của những người làm công tác làm từ thiện, khi chứng kiến những giọt nước mắt trong niềm vui của người nhận chính là niềm hạnh phúc vô giá.

Nhiều người quan niệm làm từ thiện đơn giản chỉ là việc trao cho ai đó có hoàn cảnh khó khăn giá trị vật chất hoặc tinh thần, hay coi đây chỉ là hành động mang tính tương tác một chiều. Tuy nhiên, đối với những người làm báo hiểu như thế là chưa đầy đủ, những người làm từ thiện cũng là người được nhận trong mối quan hệ trên – Đó là giá trị về mặt tinh thần khó có thể đong đếm bằng định lượng cụ thể.

Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, GĐ Trung tâm TTLCC chia sẻ người làm việc thiện chỉ cầu cho đi là mang lại thanh thản cho tâm hồn và hy vọng giúp đỡ được phần nào những mảnh đời khốn khó. Điều mà vui nhất là có các đồng nghiệp luôn đồng hành, ủng hộ trong suốt quãng thời gian qua. Dù bận rộn với công việc nhưng vẫn luôn dành thời gian tham gia hoạt động từ thiện tại các địa phương, thăm, tặng quà trẻ em mồ côi, trẻ nhiễm chất độc da cam…Những việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa đó gần như đã trở thành hoạt động thường xuyên của đội ngũ chúng tôi.

TS Hồ Minh Sơn cho rằng ai cũng có thể làm từ thiện, nhưng để thực hiện một chuyến từ thiện và biến nó trở thành việc làm thường xuyên thì không phải là điều đơn giản, ở tất cả các khâu đều cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tính chuyên nghiệp cao. Bởi vậy, tham gia làm từ thiện, những người làm báo như chúng tôi không chỉ cho đi, mà còn được nhận về niềm vui, kinh nghiệm sống. Với các nhà báo trẻ, họ có cơ hội được học hỏi cách thức tổ chức, sắp xếp, phân công công việc, chương trình sao cho phù hợp nhất. Đặc biệt, những chuyến từ thiện với họ thật sự có giá trị giáo dục rất sâu sắc.

Khi được đi, được thấy, được nghe, các các nhà báo trẻ tâm sự, sẽ cảm nhận được cuộc sống một cách chân thật nhất, những điều mà sách vở, nhà trường không thể truyền tải hết, qua đó khơi gợi lòng nhân ái trong tâm hồn, giúp những người làm khoa học, nghiên cứu thị trường, luật sư, luật gia tiếp tục hoàn thiện nhân cách. Với những người lớn tuổi, khi sống trong không khí trẻ trung, được đem đến niềm vui, tiếng cười cho nhiều người, sẽ cảm thấy như mình trẻ lại, thấy mình là một người có ích trong xã hội.

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tôn chỉ mục đích của mình, hai viện, hai trung tâm còn thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó là đồng hành với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các chương trình xã hội – từ thiện, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội.

Nhấn mạnh thêm, TS Hồ Minh Sơn khẳng định song hành với thực hiện tốt công tác chuyên môn, thực hiện tốt tôn chỉ thì hai Viện, hai Trung tâm còn là nơi ghi nhận, tôn vinh và lan toả rộng khắp những gương người tốt việc tốt trong xã hội, gương sáng nông nghiệp, nông thôn, các mô hình tốt trong công tác bảo vệ môi trường của các trang trại, những tấm gương điển hình tiên tiến,…Những hành động, việc làm tử tế khi được lan toả thông tin, sẽ góp phần truyền cảm hứng, có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng. Hành trình sẻ chia trách nhiệm xã hội từ đó ngày càng được nhân rộng ra mãi…

TS Hồ Minh Sơn cùng doanh nhân Phan Mạnh Hùng – CEO Cty Mays Ruviteks tại Liên bang Nga trao quà, cho các nạn nhân da cam/dioxin tại tỉnh Sóc Trăng mới đây

Tin rằng, qua mỗi hành trình làm từ thiện, mỗi người lại có cách nhìn riêng về giá trị của sự cho đi và nhận lại. Nhưng đã làm từ thiện, chẳng ai tính toán thiệt hơn giữa cho và nhận, bởi có những thứ chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Công tác trao yêu thương, nhận lại hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản là thấy được nụ cười rạng rỡ, giọt nước mắt mừng vui của những con người không may mắn khi nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng…

(Bài xuất bản đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông số T9)

Bài: Văn Hải – Thanh Hải. Ảnh: Thanh Việt

 

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button