Bất động sản

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Chồng mất, vợ muốn xóa tên chồng khỏi sổ đỏ – Con dâu có được hưởng thừa kế từ bố mẹ chồng?

(HNTTO) – Mới đây, một số doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE). Theo đó, yêu cầu hỗ trợ tham vấn pháp lý liên quan đến việc xoá tên người chồng bị mất và thừa kế tài sản…

Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau: Các con từ chối nhận di sản của cha hoặc nhận xong rồi tặng lại cho mẹ, sau đó mẹ tiến hành cập nhật sổ, sang tên một mình mẹ đứng tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có bất động sản. Đồng thời,có rất nhiều ý kiến xung quanh việc cha mẹ chồng mất thì con dâu có được hưởng thừa kế không, pháp luật quy định như thế nào? Nếu có thì trong những trường hợp nào?

Chồng mất, vợ muốn xóa tên chồng khỏi sổ đỏ hay không?

Ảnh minh hoạ

Theo trình bày của doanh nghiệp, thì tài sản này (theo trình bày của doanh nghiệp là sổ đỏ) thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Do đó, trong trường hợp nếu chồng của quý doanh nghiệp mất có để lại di chúc đối với tài sản thì phần sở hữu của người chồng nằm trong tài sản chung này sẽ được thực hiện theo di chúc. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp người chồng mất không để lại di chúc thì phần sở hữu của người chồng trong tài sản chung này sẽ được thừa kế theo quy định pháp luật.

Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất trong trường hợp này gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của chồng bà, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Do đó, người vợ sẽ được1/2 sổ đỏ và 1 phần trong 1/2 sổ đỏ còn lại khi chia đều cho người vợ và các đồng thừa kế hàng thứ nhất.

Ngoài ra, nếu quý nữ doanh nghiệp muốn được một mình đứng tên “sổ đỏ” thì những người thuộc hàng thừa kế, trước hết cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng (tức là tại phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng) nơi có bất động sản.

Trong việc khai nhận di sản thừa kế, những người cùng hàng thừa kế (là các con) phải có văn bản từ chối nhận di sản của chồng bà để lại (Căn  cứ theo Điều 620 Bộ luật Dân sự), hoặc có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản với nội dung các hàng thừa kế tặng cho toàn bộ phần thừa kế được hưởng cho nữ doanh nghiệp.

Căn cứ tại Điều 57 Luật Công chứng, thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Vì vậy, ngay sau khi đã khai nhận di sản thừa kế, quý nữ doanh nghiệp sẽ tiến hành thủ tục cập nhật sổ đỏ, sang tên một mình bà tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có bất động sản.

Con dâu có được hưởng thừa kế từ bố mẹ chồng?

Con dâu có được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng không? (Ảnh minh họa)

Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản.

Cụ thể, thừa kế gồm có thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật: Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống; Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Căn cứ theo Điều 613, Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế như sau: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế

Người thừa kế là người thừa hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người được thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân và phải là người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản. Người được thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước. Mặc dù vậy, người được thừa kế là cá nhân phải là người còn sống tại thời điểm mở thừa kế, tổ chức còn tồn tại tại thời điểm mở thừa kế.

Căn cứ tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật cụ thể như sau: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Trong đó, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế như sau: Người thừa kế theo pháp luật: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Ngoài ra, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Do đó, theo quy định của pháp luật thì con dâu không thuộc bất kỳ hàng thừa kế nào của cha mẹ chồng.

Có thể thấy, việc thừa kế hiện sẽ được thực hiện theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật. Bởi, con dâu không thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật, nên con dâu chỉ có thể được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

Theo Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của người lập di chúc như sau: Người lập di chúc có quyền sau đây: Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

Như vậy, nếu cha mẹ chồng chết có để lại di chúc và trong di chúc có đề cập về việc con dâu được hưởng thừa kế thì con dâu có thể được hưởng phần di sản do cha mẹ chồng để lại. Tuy nhiên, để được hưởng thừa kế hợp pháp thì cần đáp ứng các điều kiện sau: Di chúc hợp pháp theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015; Con dâu không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 và từ chối nhận di sản theo Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu người con dâu từ chối nhận di sản thì người này sẽ không được hưởng di sản. Việc từ chối nhận di sản không được nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ của mình với người khác.

Mặt khác, trường hợp di sản thừa kế của cha mẹ chồng được chia theo pháp luật thì con dâu không được hưởng thừa kế từ cha mẹ chồng do không thuộc hàng thừa kế theo quy định của luật. Trường hợp khi người chồng chết người vợ có thể được hưởng phần di sản từ khối di sản của cha mẹ chồng khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Cha mẹ chồng chết trước người chồng và có để lại thừa kế cho con trai của họ (thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật); Người chồng không thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế từ cha, mẹ chồng; Hôn nhân giữa người vợ và người chồng là hôn nhân hợp pháp và người vợ không thuộc trường hợp không được hưởng thừa kế từ chồng.

Căn cứ quy định về thừa kế theo pháp luật tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người vợ sẽ có thể được hưởng phần di sản có nguồn gốc từ khối di sản của cha mẹ chồng từ người chồng theo hàng thừa kế thứ nhất hoặc thừa kế theo di chúc.

Căn cứ theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hiệu lực của di chúc như sau: Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây: Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

Cùng với đó, di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

thể khẳng định, việc Viện IMRIC thường xuyên phối hợp Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn trợ giúp pháp lý về luật đất đai, luật thừa kế, luật hôn nhân và gia đình cho công đồng doanh nghiệp thành viên nói riêng, doanh nghiệp nói chung và nhân dân là việc làm luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành trên cả nước.

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm đã tuyên truyền, phổ biến một số nội dung cơ bản của Bộ Luật dân sự, Luật đất đai, Luật hôn nhân gia đình. Trong đó, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật đi sâu phân tích các quy định của Luật đất đai năm 2013 có liên quan trực tiếp đến người dân như: quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Các luật gia, luật sư, các tư vấn viên của Trung tâm đã trực tiếp tư vấn, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, các gia đình có vấn đề liên quan đến pháp luật dân sự, đất đai…Sau khi nghe tư vấn người dân rất vui vẻ và phấn khởi. Tin rằng, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân, xây dựng thói quen sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật cho mọi công dân ở các địa phương, góp phần đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống…

 (Tham vấn pháp lý được xuất bản đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông số T9)

Văn Hải – Tuấn Tú

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button