Nghiên cứu trao đổi

Luật gia Hồ Minh Sơn: Vì sao vẫn còn nhiều người vướng lao lý vì trộm xe của chính mình – Vừa bị hại, vừa bị cáo!

(HNTTO) – Sáng ngày 10/08/2024, Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và một số người dân đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE). Theo đó, yêu cầu đơn vị chủ quản tham vấn pháp lý liên quan đến việc trộm tài sản của mình và vay, cho vay theo lãi suất thoả thuận…

Dưới góc độ pháp lý, Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho biết thời gian qua, không ít trường hợp bị khởi tố hình sự vì tự ý lấy phương tiện giao thông trong bãi tạm giữ của công an. Hành vi này cấu thành tội trộm cắp tài sản, thế nhưng nhiều người vẫn cố tình thực hiện. Trong giao dịch dân sự, cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, có thể bị áp dụng khung hình phạt tù cao nhất là từ 6 tháng đến 3 năm.

Vướng lao lý vì trộm tài sản của chính mình

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, công an quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Bình (SN 1979, trú tại Chí Linh, Hải Dương) để điều tra tội trộm cắp tài sản. Tương tự, Trần Minh Thành (SN 1984) và Nguyễn Ngọc Báu (SN 1986), cùng trú thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cũng bị khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản. Trước đó, Thành điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Mazda đi trên đường thì bị tổ công tác Công an huyện Bình Xuyên kiểm tra nồng độ cồn. Thành được xác định vi phạm mức 1,133mg/lít khí thở nên bị tạm giữ xe. Sau đó, Thành rủ Báu đến nhà tạm giữ xe, lợi dụng sơ hở của bảo vệ nên đã lấy ô tô đưa đi cất giấu. Được biết, trị giá của chiếc ô tô trên khoảng 250 triệu đồng.

Chia sẻ về điều này, Luật gia Hồ Minh Sơn nhìn nhận, khi người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông, CSGT lập biên bản tạm phương tiện và đây là thủ tục hành chính. Khi tạm giữ tài sản, cơ quan chức năng sẽ thuê bãi và tiến hành trông giữ chiếc xe này. Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện hợp đồng, chiếc xe nằm trong sự quản lý của đơn vị trông giữ xe. Vì vậy, hành vi lén lút lấy chiếc xe này khỏi nơi tạm giữ là đã cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Theo luật gia Hồ Minh Sơn, trong trường hợp này, bị hại là người đang quản lý tài sản chứ không phải là người sở hữu tài sản. Vì, người quản lý tài sản có trách nhiệm bảo quản và nếu gây thiệt hại phải bồi thường cho chủ sở hữu. Luật gia Sơn, nhấn mạnh: “Người dân không nên nhầm lẫn mình là chủ xe, sở hữu xe trên giấy tờ thì tùy ý lấy chiếc xe đã bị tạm giữ vì vi phạm giao thông”. Vì lẻ đó, cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những trường hợp này là hoàn toàn chính xác và đúng quy định của pháp luật.

Luật gia Hồ Minh Sơn khuyến cáo, người vi phạm nên tuân thủ nghiêm quy định về tạm giữ phương tiện giao thông. Trong đó, khi bị tạm giữ, phương tiện của người dân sẽ được cơ quan chức năng đưa về kho, bãi trông giữ và quản lý. Để lấy phương tiện về, người vi phạm cần đến cơ quan chức năng có liên quan để làm thủ tục nộp phạt khi hết thời gian tạm giữ phương tiện. Như vậy, không ít trường hợp tự ý lẻn vào bãi giữ xe vi phạm để lấy trộm chính chiếc xe của mình. Sau đó, những người liên quan đã bị khởi tố, bắt giam. Luật gia Sơn mong muốn, người dân cần nâng cao nhận thực pháp luật để tránh vướng vào vòng lao lý.

Dẫn chứng thêm, Luật gia Hồ Minh Sơn cho biết, căn cứ Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 thì chỉ cần tự ý lấy tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp đặc biệt theo quy định sẽ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản. Hình phạt cho người phạm tội này từ cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

Vừa bị hại, vừa bị cáo

Ảnh minh hoạ

Diển hình, chiều ngày 27/7 vừa qua, thông tin từ Công an huyện Hải Lăng cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra của đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt, tạm giam đối với Lê Thị Hương (sinh năm 1971), trú tại Khóm 6, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng để điều tra, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự’. Đây là nội dung ở bản tin ‘Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng ở Hải Lăng cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần mức quy định tối đa’ của báo Quảng Trị điện tử đăng ngày 27/7/2024.

Theo Luật gia Hồ Minh Sơn chia sẻ căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác). Căn cứ theo Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng (hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) thì phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Căn cứ theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất cho vay như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Căn cứ tại quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 tại thời điểm trả nợ. Dovậy, mức lãi suất cho vay tối đa không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác, Luật gia Sơn dẫn chứng thêm.

Căn cứ tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, Luật gia Hồ Minh Sơn cho biết.

Mặt khác, mức phạt hành chính với hành vi cho vay vượt quá mức lãi suất quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015; Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015; Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi: Lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015; Đồng thời còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Luật gia Hồ Minh Sơn cho hay căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định các mức phạt tiền trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Có thể thấy, việc Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE giao Trung tâm TTLCC tăng cường tổ chức các hội thảo, toạ đàm khoa học nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định liên quan trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm nói chung, đối với hành vi trộm cắp tài sản nói riêng. Để từ đó, tích cực tuyên truyền sâu rộng từ các thôn, buôn, tổ dân phố, để mọi người dân đều hiểu rõ, các đối tượng có ý định thực hiện hành vi phạm tội ý thức được việc mình sẽ làm là vi phạm pháp luật, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Từ đó răn đe, phòng ngừa chung trong ở các địa phương.

Đặc biệt, Trung tâm TTLCC có đội ngũ luật sư, luật gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật hình sự, đúc kết từ tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp rất nhiều vụ việc tương tự. Chúng tôi mong muốn công tác trả lời thư, tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp, tuyên truyền ở các trang tin điện tử, mạng xã hội trực thuộc và đặc san in là thể hiện sự góp phần tuyên truyền hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật hình sự để người dân, doanh nghiệp hiểu và kịp thời dừng lại trước khi thực hiện hành vi phạm tội…

Trần Danh – Kiên Cường

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button