Ngành Nông nghiệp sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
(HNTTO) – Chiều ngày 30/7/2024, tại Hội trường Trụ sở Cơ quan Bộ Nông nghiệp & PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024; thông tin tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ngành.
Theo báo cáo, tình hình 6 tháng đầu năm 2024 của Ngành Nông nghiệp nước nhà trong điều kiện có những thuận lợi và thách thức đan xen trong đó có yếu tác động của biến động thị trường, thời tiết gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên – miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam… Trước bối cảnh đó, Bộ và toàn Ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trong vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Ông Lê Viết Bình: Phó Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo tại hội nghị.
6 tháng đầu năm cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước (CKNT); sản lượng trên diện tích đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6% (trong đó vụ Đông Xuân 20,3 triệu tấn, tăng 0,7%); Cây ăn quả: Các cây chủ lực sản lượng tăng, như: Sầu riêng 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3%; Xoài 629,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; Cam 519,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; Quýt 65,9 nghìn tấn, tăng 2,2%; Nhãn 199,6 nghìn tấn, tăng 2,9%. Một số giảm như: Vải 134,3 nghìn tấn, giảm 7,3%; Nho 14,6 nghìn tấn, giảm 7,6%; Thanh long 581,1 nghìn tấn, giảm 1,9%; Chôm chôm 186 nghìn tấn, giảm 1%.
Trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm (đặc biệt là dịch Tả lợn Châu Phi), Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bộ đã tăng cường chỉ đạo các địa phương ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhờ đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định: Đàn lợn ước tăng 2,9%; sản lượng thịt hơi 2,54 triệu tấn, tăng 5,1%2. Đàn gia cầm ước tăng 2,3%; sản lượng thịt hơi 1,21 triệu tấn, tăng 4,9% và trứng gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1%. Đàn trâu ước giảm 3,9%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 62,1 nghìn tấn, tương đương CKNT. Đàn bò ước giảm 0,9%; sản lượng thịt 255,9 nghìn tấn, tăng 1,1%; sản lượng sữa 643,7 nghìn tấn, tăng 5,5%.
Về Lâm nghiệp, Cả nước chuẩn bị 593 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng; diện tích rừng trồng mới tập trung 125,5 nghìn ha, tăng 1,2%; trồng phân tán 44,6 triệu cây, tăng 2,9%. Bên cạnh đó, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, chú trọng quản lý giống (tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát chất lượng đạt 85%), trồng rừng theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Sáu tháng đầu năm, sản lượng gỗ khai thác rừng trồng tập trung 9,93 triệu m3, tăng 6,3%3. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc phòng cháy chữa cháy tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cao, như Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam bộ.
Ông Nguyễn Văn Minh – TTK, PCT Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến tại hội nghị sơ kết của ngành.
Về Thủy sản: Tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó: Khai thác 1,95 triệu tấn, tăng 1%; Nuôi trồng 2,43 triệu tấn, tăng 4,1% (cá tra 831,8 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm sú 122,1 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm thẻ 332,7 nghìn tấn, tăng 5,6%).
Tiêu thụ nông lâm thủy sản
Đối với thị trường nước ngoài: Tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu NLTS sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 và mở cửa các thị trường mới. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu NLST tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thuỷ sản 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi 240 triệu USD, tăng 3,8%. Riêng đầu vào sản xuất 904 triệu USD, giảm 1,8% và muối 2,3 triệu USD, giảm 1,7%.
Đóng góp vào kết quả đó, có 07 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 01 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ)8; trong đó gạo và hạt điều là 02 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Gạo 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%); riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).
Về thị trường xuất khẩu: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Toàn cảnh hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Ngành Nông nghiệp.
Tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS khoảng 20,92 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn Ngành khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%. Trong đó: Có 5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ 6,16 tỷ USD (tăng 22,5%); cà phê 3,14 tỷ USD (tăng 36,2%); rau quả 2,42 tỷ USD (tăng 35,3%); gạo 2,31 tỷ USD (tăng 27%); tôm 1,43 tỷ USD (tăng 13,3%). Năm mặt hàng thâm hụt thương mại cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu 2,13 tỷ USD (tăng 17,5%); bông các loại 1,5 tỷ USD (tăng 9%); chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt 1,51 tỷ USD (tăng 7,2%); ngô 1,17 tỷ USD (giảm 2,2%); lúa mì 828 triệu USD (giảm 3,6%).
Nhiệm vụ và những giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm
Ông Lê Thanh Tùng: Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và PTNN phát biểu tại hội nghị.
Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở dự báo những khó khăn, thách thức và thuận lợi, cơ hội đối với ngành nông nghiệp, nông thôn trong 6 tháng cuối năm; để hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Về trồng trọt: Chỉ đạo sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Thu Đông và vụ Mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Theo dõi sát sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực (như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm ở ĐBSCL) để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP).
Chăn nuôi: Thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo chỉ đạo tại Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là các bệnh DTLCP, bệnh LMLM, cúm gia cầm, viêm da nổi cục…). Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC.
Phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản: Tiếp tục phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công: Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tạo động lực tăng trưởng Ngành. Rà soát, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 theo quy định. Tổ chức họp giao ban xây dựng cơ bản, kiểm tra, giám sát để kịp thời nhận diện vướng mắc của từng dự án, chủ đầu tư; đồng thời có giải pháp cụ thể tháo gỡ, đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Phối hợp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa ở các dự án đầu tư công. Điều chỉnh linh hoạt, kịp thời vốn kế hoạch giữa các dự án đảm bảo đáp ứng khả năng giải ngân cao nhất của từng dự án.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại nêu định hướng tại hội nghị.
Công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, khí tượng thủy văn để triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Thường trực, kiểm tra, theo dõi sự cố đê điều, hướng dẫn, đề xuất biện pháp xử lý đối với hệ thống đê điều từ cấp III trở lên trong mùa mưa, bão.
(Bài xuất bản số T8, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; Đặc san Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông số T9)
Mỹ Phượng