Nghiên cứu trao đổi

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Hành vi sản xuất, buôn bán giả mạo hàng hóa bị xử phạt bao nhiêu năm tù – Làm giả văn bằng, chứng chỉ có thể bị phạt tù?

(HNTTO) – Ngày 12/07/2024, một số người dân, một số doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Ngheien cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) yêu cầu tư vấn pháp lý liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả mạo và làm giả văn bằng, chứng chỉ…

Liên quan đến vấn đề này, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể như sau: Hành vi buôn bán giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa và hành vi sản xuất hàng giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa đều là những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, làm văn bằng, chứng chỉ giả là một hành vi phạm tội nghiêm trọng, có thể gây hậu quả lớn cho xã hội. Tùy vào tính chất, mức độ cũng như hậu quả mà tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi sản xuất, buôn bán giả mạo hàng hóa bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

Ảnh minh hoạ

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định các biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo trật tự kinh doanh trên thị trường.

Cụ thể, Điều 11 Nghị định này quy định, đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị phạt tiền tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu. Mức phạt cao nhất cho hành vi này là 50 triệu đồng.

Với hành sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, Điều 12 nêu rõ, mức phạt tiền tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu. Mức phạt hành vi này cao nhất 50 triệu đồng.

Ngoài ra, các hành vi trên còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung. Theo đó, ngoài mức phạt tiền, các cơ sở này sẽ bị tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, và đình chỉ hoạt động sản xuất.

Đồng thời buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả như buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả. Giả mạo nhẫn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyên sở hữu công nghiệp đối với nhẫn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ.

Cùng với đó, hành vi giả mạo nhẫn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuât, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc Tội xâm phạm quyên Sở hữu công nghiệp theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả: người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.Nếu người vi phạm thuộc vào các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên; gây tử vong cho 02 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Căn cứ Điều 226 Bộ luật này cũng quy định về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể, người thực hiện hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, và hành vi này liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Nếu người vi phạm thuộc vào các trường hợp Người vi phạm đã phạm tội 02 lần trở lên; thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 500.000.000 đồng trở lên; hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Làm giả văn bằng, chứng chỉ có thể bị phạt tù?

Ảnh minh hoạ

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho hay, nếu cơ quan, tổ chức nào mà không có chức năng, nhiệm vụ nhưng lại cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc là không có nhiệm vụ thẩm quyền nhưng lại giả mạo cơ quan, tổ chức khác để cấp văn bằng, chứng chỉ thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đưa ra mức xử phạt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức cụ thể như sau: Khung 1: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Trong đó, khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm.

Bên cạnh đó, khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. Khung 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Căn cứ Điều 359 Bộ luật Hình sự quy định người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Như vậy, đối với tội giả mạo trong công tác: Đối tượng tác động là giấy tờ, tài liệu chữ ký của người có chức vụ quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào giấy tờ, tài liệu, chữ ký bị sai lệch không đúng với thực tế. Đối tượng xâm phạm là hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức, làm cho cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín.

Mức phạt tù với tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự như sau: Khung 1: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả. Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…Xác định được điều này, Viện IMRIC và Viện IRLIE đã giao Trung tâm TTLCC thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm khoa học nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật gốp phần nhỏ cùng các lực lượng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Tuy nhiên, tình hình sản xuất hàng giả, hàng nhái xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, phức tạp, trở thành vấn nạn, thách thức các lực lượng thực thi, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.  

Thông qua việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và nhân dân tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nâng cao sức mạnh tổng hợp, phát huy trách nhiệm tham gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trên cả nước. 

Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE giao Trung tâm TTLCC tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ vào nề nếp, chấp hành đúng các quy định của pháp luật; đồng thời thông qua công tác tuyên truyền của Trung tâm TTLCC để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ, từ đó tích cực đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; mang lại hiệu quả thiết thực của công tác tuyên truyền cả chiều sâu và chiều rộng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tổ chức, cá nhân kinh doanh không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Ngày nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhanh chóng kèm theo sự gia tăng nguy cơ các loại tội phạm mới và tội phạm làm giả văn bằng, chứng chỉ đang là vấn nạn của xã hội. Chính vì lẽ đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với vấn đề này đang là yêu cầu hết sức cấp thiết. Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm mong muốn thông qua việc tuyên truyền để tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ sẽ sớm được chấn chỉnh, đủ tính răn đe của pháp luật.

Văn Hải – Tuấn Tú

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button