Kinh tếNghiên cứu trao đổi

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, GĐ Trung tâm TTLCC: Kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cần tuân thủ các quy định về quản lý thuế, trách nhiệm với khách hàng

(HNTTO) – Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) về số liệu của Tổng cục Thuế, cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đây được xem là mảnh đất màu mỡ…Hiện nay, nhiều người đã đổ xô vào lĩnh vực kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Các phiên live triệu đô được chính người bán hàng công bố không còn là điều mới lạ.

Quản lý thuế là việc Nhà nước xác lập cơ chế, biện pháp để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của chủ thể nộp thuế, cơ quan thu thuế và các tổ chức cá nhân có liên quan trong quá trình thu, nộp thuế. Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại quốc gia sở tại thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại quốc gia sở tại.

Dưới góc độ một nhà nghiên cứu về thị trường, truyền thông và pháp lý, TS Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) khuyến nghị các cá nhân bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử cần tuân theo các quy định về quản lý thuế, về trách nhiệm đối với khách hàng trên sàn…Trong đó, cũng không thiếu các trường hợp người bán hàng bị phạt vì không đóng thuế, bị truy thu thuế…Vì vậy, với những cá nhân chuẩn bị kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử, cần thực hiện những thủ tục gì để việc kinh doanh được thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh bị phạt là điều được rất nhiều người quan tâm.

Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua các ứng dụng số trên mạng internet và chuyển hàng qua chuyển phát nhanh. Do đó, việc thu thuế gặp khó khăn do thiếu cơ chế ràng buộc khi yêu cầu các doanh nghiệp cá nhân này phải có sự tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam. Đó là chưa kể đến thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn cũng rất khó làm cơ sở đánh thuế, còn nếu thanh toán qua ngân hàng sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế.

Hoạt động quản lý kê khai, nộp thuế TMĐT khó xác định được tính chính xác trong bản kê khai của người nộp thuế do nhiều đối tượng kinh doanh TMĐT khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng thực tế. Phương thức thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu hoặc nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế. Tính tự giác kê khai thuế và nộp thuế của các cá nhân, doanh nghiệp rất thấp.

Các giao dịch TMĐT có tính chất đặc thù như quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che dấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch. Trên thực tế, bán hàng trên mạng xã hội hiện nay có tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán, trao đổi hàng hoá trên Facebook, nhưng thông tin của tổ chức, cá nhân không rõ ràng, giao dịch bằng tiền mặt, chỉ sử dụng các trang mạng hoặc mạng xã hội làm nơi quảng cáo… nên việc xác định các giao dịch chịu thuế và thông tin của đối tượng nộp thuế rất khó khăn.

Theo ông Hồ Minh Sơn dẫn chứng căn cứ Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP), sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Điển hình, tại Khoản 15 Điều 1 Nghị định 85/2021 quy định, sàn giao dịch thương mại điện tử có các hình thức sau: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hang; Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Đồng thời, khuyến nghị mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động như nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó cũng là sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các cá nhân tham gia bán hàng online trên sàn giao dịch thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định về trách nhiệm của mình. Cụ thể, khi đăng ký sử dụng dịch vụ của sàn, phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin của người bán (tên, địa chỉ thường trú, mã số thuế cá nhân, số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác) cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử; Khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử, phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ (giá cả, điều kiện giao dịch chung, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán); Phải đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử; Tuân thủ các quy định về giao kết hợp đồng thương mại điện tử khi sử dụng ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến; Phải cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử; (vi) tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật (đăng ký thuế, khai thuế, đóng thuế theo quy định – ông Sơn cho biết).

Điển hình, tại một báo cáo, trong 3 tháng đầu năm 2024, Cục Thuế TP. Hà Nội thông báo truy thu 41 cá nhân có thu nhập từ TMĐT. 28 người đã nộp thuế 9,8 tỷ đồng; 01 cá nhân kê khai tiền thuế dự kiến và chậm nộp 8,5 tỷ. Ngoài ra, trên 6.510 cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn TMĐT được cơ quan thuế Hà Nội đưa vào diện theo dõi, giám sát dữ liệu hóa đơn.

Ông Hồ Minh Sơn phân tích pháp luật về thuế quy định, trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh, không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không, không thuộc đối tượng được miễn thuế thì sẽ phải nộp thuế theo quy định của pháp luật như: Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài. Trong đó, tại Điều 33 Luật Quản lý thuế số 38 nêu rõ cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, kinh doanh trực tuyến chưa đăng ký thuế. Vẫn còn các trường hợp chưa tuân thủ quy định của pháp luật về thuế.

Vì lẻ đó, ngành thuế rà soát kê khai, nộp thuế của các cá nhân bán hàng online trong bối cảnh gia tăng các hoạt động TMĐT, từ giao dịch trên các sàn tới kinh doanh trực tuyến, livestream. Ông Sơn khẳng định, truy thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh online là đúng quy định pháp luật về thuế…Căn cứ tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế, kể từ ngày 05/12/2020 các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Căn cứ Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về người nộp thuế: Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Chương I Thông tư này là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là cá nhân kinh doanh)…; Người nộp thuế nêu tại khoản 1 Điều này không bao gồm cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống”.

Theo ông Hồ Minh Sơn giải thích, cá nhân kinh doanh online có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Chiều ngược lại, cá nhân kinh doanh online có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp hai loại thuế này. Thế nhưng, cần lưu ý, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế đầy đủ, chính xác và trung thực, nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, chính xác và trung thực của hồ sơ thuế theo quy định.

Căn cứ tại Khoản 1, Điều 7, Thông tư 40/2021/TT-BTC, phương pháp khoán được áp dụng đối với những hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không nộp thuế theo phương pháp kê khai đồng thời không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh. Trên thực tế, trừ trường hợp bán hàng qua các sàn TMĐT thì phần lớn các hộ, cá nhân bán hàng online đều nộp thuế theo phương pháp này, ông Sơn dẫn chứng.

Đối tượng áp dụng phương pháp tổ chức khai, nộp thuế thay cho cá nhân là trường hợp bán hàng qua các sàn giao dịch TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada,… được quy định cụ thể tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Thông tư 40/2021/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2, Điều 1, Thông tư 100/2021/TT-BTC: “Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự”. Do đó, đối với trường hợp trên, tổ chức thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân theo tháng hoặc theo quý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Căn cứ theo Khoản 3, Điều 10, Thông tư 40/2021/TT-BTC, số thuế TNCN và số thuế GTGT mà hộ, cá nhân bán hàng online được xác định theo công thức: Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN. Được áp dụng theo hướng dẫn tại Phụ lục I, ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC. Cùng với đó, hộ, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều ngành nghề, lĩnh vực thì kê khai và tính thuế theo tỷ lệ tính thuế trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Thuế của toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Các khoản trợ giá, phí thu thêm, phụ trội, phụ thu được hưởng theo quy định; Các khoản bồi thường do vi phạm hợp đồng, bồi thường khác. Trường hợp nếu thuộc đối tượng đóng thuế mà hộ, cá nhân kinh doanh online không đóng thuế hoặc đóng thuế muộn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật theo Điều 13, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, ông Sơn phân tích thêm.

Căn cứ khoản 2, Điều 59, Luật Quản lý thuế năm 2019, mức tính tiền nộp chậm bằng 0,03% ngày tính trên số thuế chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp sẽ được tính liên tục từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp thuế đến ngày liền kề trước ngày người nộp thuế chuyển tiền nộp chậm vào ngân sách nhà nước. Ông Sơn cho rằng, việc truy thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh online là đúng quy định pháp luật về thuế, các năm 2021, 2022, 2023 các cá nhân, đơn vị kinh doanh online đã được cơ quan thuế làm việc đề nghị giải trình và đưa vào diện theo dõi và truy thu số tiền thuế giai đoạn trước.

Song song đó, người bán hàng online trên sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phải tuân thủ mọi quy định pháp luật về kinh doanh, thương mại như bán hàng theo phương thức truyền thống. Nếu người bán hàng online vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử, vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng, về trách nhiệm của người bán, về bảo vệ thông tin cá nhân, an toàn thanh toán, không chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi các cơ quan này tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020 xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Ông Sơn, nhấn mạnh: “Nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích vật chất của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Tin rằng, thông qua việc trao đổi trên, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử tự nguyện, tự giác chấp hành việc đăng ký, kê khai và nộp thuế nhất là kinh doanh có trách nhiệm đối với khách hàng nhằm tạo sự công bằng trong việc chấp hành pháp luật thuế, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế, ổn định nguồn thu ngân sách và tránh bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Văn Hải – Trần Danh

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button