Nghiên cứu trao đổiXã hội

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Đánh ghen, quay clip tung lên mạng có thể bị xử lý hình sự – Người tâm thần sẽ không được chuyển đổi giới tính?

(HNTTO) – Mới đây, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế ‘IMRIC’ và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập ‘IRLIE’ đã nhận được yêu cầu hỗ trợ pháp lý của một số cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến Luật hôn nhân Gia đình và Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính….

Theo đó, dưới góc độ pháp lý Viện IMRIC và Viện IRLIE đã giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) phúc đáp cụ thể sau: Các clip đánh ghen vì chồng/ vợ ngoại tình xuất hiện trên khônggian mạng xã hội trong những ngày gần đây đã khiến mạng xã hội dậy sóng. Tuy nhiên, cá nhân đi đánh ghen sau đó quay clip tung lên mạng có thể bị xử lý hình sự. Đồng thời, theo Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, cơ quan soạn thảo đã đề xuất quy định người không có năng lực hành vi dân sự không được chuyển đổi giới tính.

Đánh ghen, quay clip tung lên mạng: Chớ ‘cả giận mất khôn’

Ảnh minh hoạ

Căn cứ quy định hiện hành, việc đi đánh ghen sau đó quay clip tung lên mạng nhằm “bóc phốt” nhân tình của vợ/chồng hoặc chia sẻ cho nhiều người khác biết về việc ngoại tình này… bị coi là xâm phạm hình ảnh, bí mật đời tư của người khác.

Theo Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chỉ có 2 trường hợp được sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó, đó là: Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng; Sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo… không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Do đó, nếu cá nhân bắt gặp quả tang vợ hoặc chồng mình đang ngoại tình và theo Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình, hành vi này vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, song việc đi đánh ghen rồi quay clip tung lên mạng xã hội cũng là phạm pháp.

Vì vậy, theo Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người tung clip đánh ghen có hình ảnh nhân tình của vợ hoặc chồng lên mạng sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Qua đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2025 với mức phạt tù cao nhất đến 3 năm.

Căn cứ Điều 155 BLHS 2015, nếu hành vi được xác định là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì cá nhân đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác vớ mức phạt tù tới 5 năm.

Căn cứ Điều 326 BLHS 2015, việc tung những hình ảnh nhạy cảm, ảnh nóng trên mạng xã hội cho tất cả mọi người xem được coi là hành vi “phát tán văn hóa phẩm đồi trụy”, có thể bị khởi tố hình sự về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”.

Căn cứ khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có quy định những cá nhân dùng mạng xã hội tiết lộ, gửi link clip đánh ghen cho người khác mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.

Cùng với đó, nhằm tránh việc tự đẩy mình vào vòng lao lý, mỗi cá nhân khi gặp vợ/chồng ngoại tình nên cố gắng giữ bình tĩnh, không chửi bởi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm các đối tượng này, đặc biệt không đánh nhau, gây thương tích cho vợ/ chồng và nhân tình của vợ/ chồng hoặc thuê người khác thực hiện điều này vì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tuyệt đối không đăng hoặc phát tán clip lên mạng xã hội.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của mình, vợ hoặc chồng có thể thực hiện tố cáo hành vi ngoại tình đến cơ quan công an để xử phạt vi phạm hành chính về việc vi phạm quy định về chế độ hôn nhân và gia đình. Nếu vi phạm này đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì người ngoại tình có thể bị phạt tù đến 3 năm về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Trong trường hợp hôn nhân không thể hàn gắn được, vợ hoặc chồng có thể khởi kiện ra Tòa xin ly hôn, xuất trình clip quay lại việc ngoại tình. Đây có thể coi là bằng chứng để chứng minh đời sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được để Tòa án đồng ý cho ly hôn đơn phương, giải quyết chia tài sản chung hoặc giành quyền nuôi con theo hướng có lợi cho mình…

Người tâm thần sẽ không được chuyển đổi giới tính?

Ảnh minh hoạ

Căn cứ theo Khoản 7 Điều 3 Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận giới tính mới theo quy định tại Dự thảo Luật.

Căn cứ theo Điều 10 Dự thảo Luật cũng quy định rõ các điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Điển hình, độ tuổi thực hiện can thiệp y học là người từ đủ 18 tuổi trở lên đối với các phương pháp can thiệp y học quy định tại Điều 9 của Dự thảo Luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Dự thảo Luật;

Căn cứ tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo Luật, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận có tình trạng bức bối giới quá mức thì được thực hiện phương pháp can thiệp y học và khi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; Đã được tư vấn pháp lý theo quy định; Có năng lực hành vi dân sự.

Về tình trạng hôn nhân, hiện có 2 phương án được đề xuất để lựa chọn gồm: Độc thân hoặc không quy định tình trạng hôn nhân của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Không thuộc trường hợp đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt hình sự bổ sung như cấm đi khỏi nơi cư trú và chưa được xóa án tích.

Do đó, một trong những điều kiện để chuyển đổi giới tính bằng can thiệp y học phải có năng lực hành vi dân sự. Điều đó có nghĩa người không có năng lực hành vi dân sự (người dưới 16 tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự như mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi) không được chuyển đổi giới tính.

Theo dự thảo, người chuyển đổi giới tính có quyền: Được công nhận giới tính mới sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Dự thảo Luật; Được lựa chọn phương pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phù hợp với sức khỏe, mong muốn và khả năng tài chính của mình; Được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế và pháp lý trước và trong quá trình thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; Có đầy đủ quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan; Được giữ nguyên quan hệ cha, mẹ, con cũng như quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân gia đình trước khi chuyển đổi giới tính bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi; Được lưu giữ tinh trùng, trứng để duy trì nòi giống thông qua các dịch vụ sinh sản phù hợp với đạo lý và pháp luật Việt Nam; Được bảo lưu thông tin trên các văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước khi chuyển đổi giới tính; Được công nhận quyền tài sản đối với tài sản tạo lập trước khi chuyển đổi giới tính; Được hưởng các chế độ thai sản theo quy định của pháp luật phù hợp với giới tính đã chuyển đổi; Được thay đổi thông tin giới tính trên các giấy tờ tùy thân sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính; Được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội theo giới tính đã được công nhận; Được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật…

Với việc, Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE giao Trung tâm TTLCC thường xuyên tham vấn pháp lý bằng hình thực trực tiếp, trực tuyến, hội thảo khoa học để tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình, những hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các quy định về sử lý hành chính, hình sự trong tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến sức khỏe và đời sống của con người; kỹ năng, phương pháp tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, tại buổi truyền thông các đại biểu còn được tuyên truyền các nội dung của Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở.

Đồng thời, tuyên truyền về hành lang pháp lý bảo vệ cũng như những khó khăn trong tiếp cận y tế, sự kỳ thị của một bộ phận đáng kể trong xã hội đã khiến người chuyển đổi giới tính ở Việt Nam trở thành thành một cộng đồng người dễ tổn thương. Với mục tiêu không để ai ở lại phía sau, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, đang được Quốc hội cho ý kiến, được coi là bước tiến lớn của Việt Nam trong bảo vệ, bảo đảm quyền của người yếu thế.

Đặc biệt, với những dấu mốc quan trọng là việc Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, đây là sự quyết tâm, nhân văn và quan điểm: “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” của Đảng và Nhà nước ta.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được xây dựng đã mang đến một tin vui lớn với cộng đồng LGBT Việt Nam nói chung và người chuyển giới nói riêng; là một bước tiến mới trong bảo vệ quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Tin rằng, thông qua việc truyền thông của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC để mỗi người dân, doanh nghiệp sẽ là hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người thân tìm hiểu, hiểu thấu đáo, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Văn Hải – Tuấn Tú

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button