Khoa học công nghệQuốc tế

Doanh nghiệp Trung Quốc coi AI là ‘cuộc chiến không thể thua’

(HNTTO) – Không chỉ dừng lại ở phạm vi doanh nghiệp tư nhân, nhiều công ty nhà nước tại Trung Quốc cũng đang ráo riết bắt nhịp với xu hướng AI.

Áp lực trong việc chạy đua công nghệ 

Theo South China Morning Post, những cảnh quay sắc nét được tạo ra bởi Sora, một ứng dụng AI mới của OpenAI, đã khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Trung Quốc “đứng ngồi không yên”.

Một trong những “ông lớn” công nghệ tại xứ tỷ dân là ByteDance đã quyết định tăng gấp đôi nguồn lực dành cho các dự án trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu lớn nhất của đơn vị này là tạo ra những sản phẩm có thể sánh ngang với ChatGPT và Sora của OpenAI.

AI đang trở thành một lĩnh vực chủ chốt của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: Freepik

Một số nguồn tin cho hay, ban lãnh đạo của ByteDance đang coi AI là “một cuộc chiến mà họ không thể thua”. Với mục tiêu lớn như vậy, sự căng thẳng và áp lực đang đè nặng lên các phòng ban. Vào tháng 1/2024, ông Liang Rubo, CEO của ByteDance, đã thẳng thắn chỉ trích đội ngũ nhân viên, vì đã phản ứng quá chậm trước sự bùng nổ của các công nghệ AI mới.

Mặc dù ByteDance đã sớm áp dụng AI trong việc đề xuất nội dung nhưng công ty lại tương đối chậm trong việc triển khai và ứng dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Công ty đã ra mắt chatbot Doubao và Cici AI vào nửa cuối năm ngoái. Trong khi đó, các doanh nghiệp đồng hương như Baidu và Alibaba đã ra mắt các ứng dụng tương tự vào tháng 3 và tháng 4/2023.

Sau khi OpenAI ra mắt trình tạo video Sora vào giữa tháng 2/2024, ByteDance cũng đã công bố một ứng dụng tương tự là Boximator. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nội bộ, do chất lượng đầu ra vẫn còn nhiều hạn chế.

Trước bối cảnh trên, ByteDance đã quyết định mở các chiến dịch tuyển dụng lớn nhằm thu hút nhân tài. Hiện trên trang web của công ty đang có hơn 300 cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực AI. Trong đó, khoảng 100 công việc liên quan đến LLM – công nghệ được sử dụng để tạo ra ChatGPT và các chatbot tương tự.

Không chỉ ByteDance, nhiều công ty khác cũng đang ráo riết tìm kiếm nhân sự về AI. Theo báo cáo của Liepin, một trang tuyển dụng tại Trung Quốc, các kỹ sư lập trình máy tính có kỹ năng về AI đang được đề nghị mức lương trung bình khoảng 480.000 nhân dân tệ/năm (gần 67.000 USD), cao hơn nhiều so với mức 290.000 nhân dân tệ (khoảng 40.000 USD) đối với những người không có kinh nghiệm về AI.

Danh sách các việc làm yêu cầu kỹ năng AI trên Liepin hiện đã tăng hơn 179% so với 10 tháng đầu năm 2023. Gần 60% số công ty được khảo sát cho biết họ đánh giá cao những ứng viên có khả năng tận dụng AI trong công việc.

Mục tiêu lớn của Trung Quốc

Ngay từ năm 2016, Trung Quốc đã đưa việc phát triển AI vào trong kế hoạch 5 năm lần thứ XIII. Vào năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố, AI là động lực quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi công nghiệp. Để hiện thực hóa “giấc mộng” AI, vào năm 2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phê duyệt đơn đăng ký của 35 trường đại học về việc mở thêm ngành học trí tuệ nhân tạo. Thậm chí, một năm sau đó, cơ quan này đã chấp thuận chủ trương cho 180 ngôi trường khác.

Vào tháng 2/2024, Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) đã tổ chức một hội thảo nhằm thúc đẩy việc phát triển và sử dụng AI trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước (SOE). Theo đó, đơn vị này đã kêu gọi các SOE nắm bắt “những thay đổi sâu sắc” do xu hướng công nghệ mới mang lại và giành ưu tiên cao hơn đối với các tác vụ AI.

Một khung cảnh được AI tạo ra trong bộ phim “Qianqiu Shisong”. Ảnh: CMG

Mới đây, Đài Tiếng nói Trung Quốc China Media Group (CMG) cũng đã ủng hộ sự phát triển của AI, bằng cách lần đầu phát sóng loạt phim hoạt hình có sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo. Đây chính là kết quả của việc chính phủ Trung Quốc liên tục kêu gọi các công ty nhà nước thí điểm sử dụng AI.

Bộ phim hoạt hình này có tên “Qianqiu Shisong”, dài 26 tập, mỗi tập có thời lượng khoảng 7 phút. Nội dung bộ phim kể về những câu chuyện xoay quanh các áng thơ bất hủ trong lịch sử Trung Quốc. Hầu hết quy trình sản xuất phim, từ thiết kế bối cảnh đến chuyển động nhân vật, đều được CMGsử dụng AI để tạo lập.

Thanh Vũ

https://baodautu.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-coi-ai-la-cuoc-chien-khong-the-thua-d209882.html

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button