Đưa Việt Nam vào thị trường carbon trăm tỷ USD
(HNTTO) – Việc hình thành thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cũng thể thu về nguồn tài chính từ thị trường trăm tỷ USD này.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
Đâu chỉ thu nghìn tỷ từ bán tín chỉ carbon rừng
Được biết, hiện giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã lên đến hàng trăm tỷ USD trong năm 2020. Hiện nay, thị trường này đang được đánh giá là tăng trưởng rất nhanh theo yêu cầu cam kết của lộ trình net zero vào năm 2050. Các thị trường tự nguyện của tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay cũng đang trong quá trình phát triển. Với đặc thù về mật độ rừng tương đối dày, tầm 14,7 triệu ha (tương đương độ phủ 42%), Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD hằng năm thông qua hệ thống giao dịch quốc tế (ETS).
Theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch carbon.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này. Đặc biệt, không chỉ có dư địa lớn từ rừng, ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp… đều là những ngành có thể kiếm bộn tiền từ bán tín chỉ carbon. Theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch carbon.
Theo đó, Bộ TN&MT sẽ trình Thủ tướng ban hành tổng hạn ngạch phát thải cho từng giai đoạn, qua đó sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải carbon cho các doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính.
Ví dụ, các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, nhiệt điện muốn tăng sản lượng, sản xuất, vượt hạn ngạch phát thải được phân bổ thì phải mua lại hạn ngạch phát thải từ các doanh nghiệp phát thải ít, kiểm soát tốt lượng phát thải trong sản xuất, chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ.
Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc tư vấn Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam dẫn ví dụ như DN được phát thải một số lượng tấn carbon trong một năm, đó là tín chỉ được xác nhận bởi một cơ quan. Thông thường tính theo đơn vị tấn CO2. Công ty A được phân 100 tấn, công ty B được phân 80 tấn. Nếu công ty A chỉ sử dụng hết 80 tấn thì có thể bán lại cho công ty B 20 tấn. Đó là trao đổi tín chỉ carbon. “Tôi thừa ra thì bán cho người thiếu để lấy tài chính đầu tư tiếp vào công nghệ sạch”, ông Long nói.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, chiến lược giảm phát thải và tăng cường khả năng lưu trữ carbon, đặc biệt qua rừng và cây trồng là cần thiết cho phát triển kinh tế – môi trường – xã hội bền vững. Việc Việt Nam đã bán thành công tín chỉ carbon từ rừng sẽ là cơ sở ban đầu cho việc mở ra triển vọng bán tín chỉ carbon trên các vườn cây lâu năm như các vườn dừa ở Bến Tre.
Theo ông Tuấn, Bến Tre là vùng có diện tích dừa lớn nhất nước với khoảng 78.000 ha (năm 2023). Ngoài ra, Bến Tre có lượng nước ngọt từ 3 con sông lớn cung cấp, nuôi dưỡng dừa xanh tốt, kết hợp nắng gió dồi dào, tạo điều kiện để hấp thụ carbon tốt nhất.
Với các doanh nghiệp, việc chủ động thích ứng trước khi bắt buộc phải thích ứng sẽ giúp họ không chỉ tránh được những tác động không mong muốn mà còn có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh riêng có. Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã thu được giá trị xuất khẩu hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD trong khi thải ra hàng trăm nghìn tấn CO2 môi trường. Kết quả là DN đã chủ động thực hiện chuyển đổi xanh trong 3 năm nay. Hơn nữa, nhà máy đang đầu tư 12,5 triệu USD vào công nghệ trung hòa carbon. Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT hóa chất Đức Giang, cho biết sẽ đưa toàn bộ khí CO2 trở thành khí CO2 hóa lỏng bán ra để sử dụng sản xuất mặt hàng khác.
Tháo gỡ cơ chế
Tuy vậy, việc kinh doanh tín chỉ carbon cũng gặp một số khó khăn vướng mắc như: Hệ thống cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon nông nghiệp, lâm nghiệp còn thiếu đồng bộ, tản mạn ở nhiều văn bản; phần lớn vùng sản xuất nông nghiệp và diện tích rừng chưa được phát triển tín chỉ carbon; thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định, chứng nhận tín chỉ carbon; xác định hàm lượng carbon trong hàng hóa;…
Đến nay, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam mới trong quá trình xây dựng cơ chế để thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. DN kỳ vọng hành lang pháp lý khơi thông sẽ giúp thị trường hàng tỷ USD này sôi động, nhiều ngành tăng nguồn thu từ bán tín chỉ carbon.
Theo ông Long, hiện Việt Nam đối mặt thách thức khi chưa tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, các quy định chưa được ban hành kịp thời, đầy đủ. Nguồn nhân lực ở các khu vực công và tư đều thiếu kinh nghiệm. “Chỉ khi tạo ra thị trường có sự trao đổi được thì sẽ khuyến khích DN tham gia và cùng chung vào giảm phát thải theo đúng hạn ngạch phân bổ”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Phạm Nguyễn Anh Huy, người sáng lập trung tâm Fintech-Crypto, Đại học RMIT, nhấn mạnh việc xây dựng quy định sẽ cực kỳ quan trọng. “Chúng ta cần sự hướng dẫn của Chính phủ. Nếu thiếu hướng dẫn và quy định. Họ không biết nên đi theo hướng nào và chúng ta cần hành động từ Chính phủ”, ông Huy nói.
Theo nhiều chuyên gia, không có cái gì là không thể làm được. Xây dựng thị trường carbon phải bắt đầu từ việc thiết lập thể chế, chính sách vận hành, giao hạn ngạch và phân bổ hạn ngạch. Cơ quan độc lập đo lường báo cáo. Và sự sẵn sàng của DN. Nếu không bắt đầu từ bây giờ sẽ không có đủ năng lực hướng đến. Bản thân DN cũng phải chuẩn bị, bán tín chỉ carbon thì định giá thế nào.
Đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về Đề án thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam phải chủ động xây dựng thị trường tín chỉ carbon ngay từ bây giờ để có ứng xử phù hợp với các quốc gia, khu vực đã áp dụng công cụ kinh tế, tài chính để quản lý lượng phát thải khí carbon, tránh tổn thất, thiệt thòi cho doanh nghiệp, bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tập trung thảo luận về mục đích, mục tiêu của chính sách giảm phát thải khí carbon ở Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực, toàn cầu; mô hình thị trường (doanh nghiệp tự nguyện tham gia hay Chính phủ dẫn dắt, bước đầu vận hành trong nước hay tham gia ngay vào thị trường quốc tế); lộ trình thực hiện, trong đó có những việc cần làm ngay: Cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải đến từng chủ thể phát thải.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc Thứ trưởng Bộ KH&ĐT
Cần có cơ sở phân bổ hạn ngạch phát thải để làm căn cứ xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản lý hoạt động phát thải. Bên cạnh đó, thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam phải kết nối với thế giới để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đề án cần xác định rõ hơn mô hình thị trường với lộ trình triển khai nhất là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đánh giá tác động toàn diện với các ngành sản xuất, các hiệp định, cam kết quốc tế.
Ông Hoàng Đức Vượng
Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Tái sinh Việt Nam
Việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon cần phải được đẩy nhanh hơn nữa bởi hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam không hỏi nhiều về chi phí lao động là bao nhiêu? Thay vào đó họ sẽ hỏi năng lượng xanh của chúng tôi sẽ lấy từ đâu, trao đổi carbon ở đâu? Hiện nay, một số thị trường như Mỹ, EU… đã áp dụng những chính sách bảo vệ môi trường mới lên hàng hóa nhập khẩu.
Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam
Thị trường carbon có thể đóng vai trò thực sự quan trọng vì nó cung cấp các tín hiệu kinh tế và cơ chế rõ ràng. Để có cơ chế thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tác động giảm thiểu khí hậu, tôi nghĩ đây là tiềm năng lớn cho sự phát triển thị trường ở Việt Nam. Nó có thể giúp Việt Nam đạt phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050 và có thể giúp tạo ra nguồn lợi tài chính. Từ đó, Chính phủ sẽ có thêm nguồn tài chính để tiếp tục đầu tư vào phát triển bền vững.
Nhật Linh
https://vnbusiness.vn/viet-nam/dua-viet-nam-vao-thi-truong-carbon-tram-ty-usd-1098456.html