Việt Nam sẽ sớm đón sóng FDI lần thứ 4
(HNTTO) – Có nhiều tín hiệu kỳ vọng năm 2024, Việt Nam sẽ bắt đầu đón làn sóng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần thứ 4. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có đủ điều kiện để chọn lọc các dự án FDI chất lượng cao, đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển.
Gắn bó với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều năm qua, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài bày tỏ niềm vui khi chứng kiến những bước chuyển của hoạt động thu hút FDI trong năm vừa qua. Ông đã có những chia sẻ với VnBusiness về vấn đề này nhân ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài.
Dấu ấn ngoại giao ‘hút’ dòng vốn ngoại
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hứa hẹn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cảm xúc của ông về một năm đã qua như thế nào?
Trước khi nói đến thành quả, tôi muốn nhấn mạnh những điều kiện giúp cho Việt Nam trở thành điểm đến hứa hẹn của dòng vốn FDI.
2023 được đánh giá bằng năm thể hiện dấu ấn ngoại giao rõ nét. Trong năm 2023, Việt Nam đón 28 đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến Việt Nam, đánh dấu tầm vóc và vị thế mới của đất nước. Trong đó, có chuyến thăm để lại hy vọng lớn như chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau đó là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ không chỉ là cơ hội để cho 2 dân tộc xích lại với nhau mà còn mở ra cơ hội mới về hợp tác, theo đó chuyến thăm được đánh giá là mang ý nghĩa lịch sử khi chứng kiến việc Việt Nam – Mỹ nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong khi đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến 36 văn kiện được ký kết, số lượng văn kiện hợp tác nhiều nhất từ trước đến nay trong một chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cùng với đó, yếu tố thứ 2 là Việt Nam hội nhập càng sâu với thế giới, khi tham gia rất nhiều hiệp định FTA thế hệ mới. Điều này không chỉ làm cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, mà còn làm cho thương mại và đầu tư có điều kiện thuận lợi phát triển hơn.
Điều đặc biệt hơn là trong bối cảnh thế giới có nhiều vấn đề an ninh, an toàn, xung đột chính trị, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, ổn định kinh tế – chính trị, lạm phát thấp. Chúng ta có 100 triệu dân, nguồn nhân lực dồi dào đang ở thời kỳ dân số vàng, được đào tạo chất lượng cao, năng suất không kém cạnh và mặt bằng tiền lương nhìn chung còn thấp hơn nhiều nước xung quanh…
Chính phủ luôn luôn nhấn mạnh cải cách nền hành chính quốc gia, môi trường đầu tư, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến hứa hẹn, đáng sống với người nước ngoài.
Kết quả, năm 2023, Việt Nam tiếp tục thu hút 36,6 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 20,19 tỷ USD, tăng 62,2%. Bên cạnh đó, vốn giải ngân tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm ngoái, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay.
Dòng vốn đã chuyển hướng theo đúng Nghị quyết 55 về nâng cao chất lượng và hiệu quả của đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực tiềm năng hơn như AI, công nghệ, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe…
Phải chăng làn sóng FDI lần thứ 4 đang chuẩn bị tới Việt Nam, thưa ông?
Tôi kỳ vọng làn sóng FDI lần thứ 4 vào Việt Nam sẽ diễn ra từ năm 2024 trở đi. Tất nhiên, dự báo bao giờcũng khó chính xác trong bối cảnh thế giới biến động mạnh như hiện nay, nhưng những tín hiệu lạc quan trong thu hút FDI với Việt Nam là rất rõ ràng.
Nhiều tập đoàn bán dẫn tới Việt Nam
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những tín hiệu này, đặc biệt là những ngành đang rất nóng trong năm vừa qua như chip bán dẫn, đất hiếm?
Trong cuộc gặp với ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), ông ấy có nói vui nhưng cũng rất chân thành với tôi rằng, với tài nguyên đất hiếm sẽ giúp Việt Nam không mấy chốc đuổi kịp các quốc gia phát triển.
Việt Nam có một nhân tố quan trọng, “trời ban” là chúng ta có trữ lượng đất hiếm 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc. Chúng ta có thể khai thác đất hiếm không chỉ xuất khẩu đem về 15-16 tỷUSD/năm mà còn là một điều kiện hợp tác, cùng phát triển công nghiệp bán dẫn với nhiều quốc gia trên thếgiới.
Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đang cạnh tranh với nhau ở lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có nguồn đất hiếm như vậy nên trong thời gian vừa qua, kể không hết các tập đoàn hàng đầu công nghiệp bán dẫn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã ký thỏa thuận hợp tác và sắp tới sẽthực hiện một loạt dự án liên doanh, đầu tư trực tiếp nước vào ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam.
Việt Nam là nước đi sau có điều kiện thuận lợi, các nước đều đánh giá chúng ta có tiềm năng trở thành cường quốc bán dẫn, sánh vai cùng các quốc gia bán dẫn trên thế giới, niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại 3 làn sóng FDI vào Việt Nam trước đây, theo ông đầu là điểm khác biệt giữa làn sóng FDI lần thứ 4 với những lần trước?
Nhiều người nói Việt Nam có một thời kỳ coi trọng về lượng, thu hút đầu tư vào ngành thâm dụng lao động, tài nguyên. Nhưng tôi cho rằng, nhận xét này chưa khách quan, bởi ngay Luật Đầu tư nước ngoài ra đời 1987, lúc đất nước còn nghèo, chúng ta coi trọng các dự án thâm dụng lao động như dệt may, da giày, khai thác dầu khí, nhưng cũng đã thu hút dòng vốn vào những ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại. Thực tế, Việt Nam đã thu hút hàng chục tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, khách sạn 5 sao, công nghệ thông tin…
Đặc biệt ở giai đoạn hiện nay, Việt Nam với lợi thế về phát triển kinh tế, chất lượng nhân lực hoàn toàn có thể chuyển sang thu hút FDI một cách có chọn lọc, chọn dự án công nghiệp và dịch vụ tương lai.
Đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi bản đồ về thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam từ các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Hà Lan… Hay ở châu Á, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, thì Trung Quốc chắc chắn trởthành nhà đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam với các lĩnh vực như bán dẫn, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khoa học giáo dục đào tạo vào Việt Nam…
Vậy Việt Nam phải làm gì để ‘lót ổ’ cho các đại bàng từ khắp thế giới đến ‘xây tổ’ thưa ông?
Môi trường đầu tư thế giới thay đổi rất nhanh, các nước do khó khăn chính trị, kinh tế toàn cầu nên có xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài về nước… Tất cả thay đổi đó làm cho “miếng bánh” đầu tư nước ngoài thu nhỏ lại.
Vì vậy, cạnh tranh của các nước có cùng nhu cầu thu hút đầu tư giống Việt Nam ngày càng lớn, nên chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với thế giới để cải thiện môi trường đầu tư, thích ứng với cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam phải nhanh chóng cải cách nền hành chính quốc gia. Xây dựng Chính phủ số tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân thụ hưởng thủ tục hành chính không phiền hà, sách nhiễu.
Những tập đoàn lớn, người ta cần thời gian rất nhanh để phát triển dự án. Nếu không làm được thì cơ hội giảm thiểu, thậm chí tuột mất.
Ba làn sóng FDI vào Việt Nam diễn ra như thế nào?
Từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987) đến nay đã diễn ra ba làn sóng FDI.
Từ năm 1991 đến năm 1997 đã diễn ra làn sóng FDI thứ nhất với vốn đăng ký 16,244 tỷ USD, vốn thực hiện 12,98 tỷ USD. Năm 1997, vốn FDI thực hiện đạt 3,115 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991 (328,8 triệu USD).
Sau thời kỳ suy thoái FDI trong giai đoạn 1998 – 2004 do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực, năm 2005 mở đầu làn sóng FDI thứ hai với vốn đăng ký 6,839 tỷ USD, vốn thực hiện 3,3 tỷ USD.
Làn sóng FDI thứ ba khởi đầu từ năm 2015 với thành quả rất ấn tượng. Vốn đăng ký là 22,757 tỷ USD, tăng 12,5%, vốn thực hiện 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014. Nhiều dự án FDI có vốn đầu tư trên 1 tỷUSD.
Xin cảm ơn ông!
Lê Thúy (thực hiện)
https://vnbusiness.vn/goc-nhin-chuyen-gia/viet-nam-se-som-don-song-fdi-lan-thu-4-1097733.html