Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC): Chuyện bát phở cho những bài học quy luật mạng xã hội
(HNTTO) – Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, xuất hiện ngày càng nhiều các trang mạng xã hội đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Ngoài sự tiện ích, các trang mạng xã hội cũng đã gây ra những hệ lụy không tốt, khó lường. Khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội là trách nhiệm của cả cộng đồng, chủ yếu là trách nhiệm quản lý, giáo dục, định hướng của gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng và quan trọng là trách nhiệm của chính bản thân người sử dụng.
Ảnh minh hoạ
Trong tất cả những món ăn đặc sản thì mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau. Tuy nhiên món phở vẫn là món ăn đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Món phở ra đời vào đầu thế kỷ 20, nơi xuất hiện đầu tiên vẫn còn tranh cãi, người thì nói Nam Định nhưng cũng có người cho rằng Hà Nội là nơi biến món ăn trở nên nổi tiếng đại diện cho nền ẩm thực nước ta. Món phở theo thời gian có nhiều biến chuyển, trước kia chỉ là phở bò chín nhưng dần dần xuất hiện phở tái, phở gà, phở cuốn, phở xào, phở rán…rất nhiều những loại phở khác nhau làm đa dạng thêm những món ăn của nền ẩm thực Việt.
Điển hình, về câu chuyện một tiktoker mới đây ‘tố’ một chủ quán phở tại phố cổ Hà Nội có hành vi kỳ thị người khuyết tật mấy hôm nay bao phủ hầu như khắp các nền tảng mạng xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông báo chí. Câu chuyện có lẽ ban đầu với tiktoker ấy chỉ đơn giản là 1 content tăng tương tác, cũng có thể là một bài viết để được mọi người để ý, quan tâm hơn hoặc cũng có thể là bài viết chủ quan với cảm nhận 1 chiều của tác giả không có ác ý… Nhưng câu chuyện lại trở thành drama…
Chia sẻ về điều này, Ông Hồ Minh Sơn cho rằng xét về hành vi kỳ thị người khuyết tật là 1 hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Nghị định 130/2021/NĐ-CP. Thế nhưng, khi tiktoker này phản ánh không đúng sự thật, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, có thể bị xử lý hình sự. Qua đó, câu chuyện tiếp tục đi xa hơn nữa khi các cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc xác minh. Có nhiều tình huống xảy ra trong câu chuyện này. Đúng sai thuộc về ai chờ cơ quan chức năng kết luận. Nếu người bán phở kỳ thị người khuyết tật, dĩ nhiên, bà chủ quán phở sẽ đối diện với án phạt.
Có thể thấy, TikTok là mạng xã hội hiện có tốc độ lan truyền nhanh và có nhiều lượt xem nhất trên internet. Theo số liệu từ ICT – Chuyên trang thông tin công nghệ thông tin và truyền thông, tại Việt Nam, người dùng TikTok tập trung ở độ tuổi từ 18 đến dưới 30 tuổi và nước ta đang đứng thứ 6 thế giới về số người sử dụng mạng xã hội này, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi.
Ông Sơn dẫn chứng nhiều tiktoker thường xuyên chia sẻ các nội dung trong đó có ẩm thực…Vì lẻ đó, đây luôn là đề tài không bao giờ có điểm dừng. Mỗi người trong chúng ta luôn có quyền tự hào là người con của một quốc gia có nền ẩm thực độc đáo, không chỉ thu hút người dân trong nước mà du khách nước ngoài. Với nền văn hóa ẩm thực đa dạng từng vùng miền khác nhau, ẩm thực luôn là thứ thu hút khách du lịch nhất. Trong nhiều cuộc bình chọn của tờ báo trong nước và quốc tế, thì “phở” là món ăn được nhiều người ưa thích nhất, cả người Việt và bạn bè quốc tế.
Câu chuyện trên đã cho thấy rất nhiều người quan tâm, theo dõi…Có người phẫn nộ, bức xúc và không ít người đòi tẩy chay quán phở đã tồn tại nhiều năm ở Hà Nội. Khi câu chuyện trở lên quá ồn ào, người chủ quán phở lên tiếng và trích xuất camera để minh chứng cho việc bà không hề có ác ý, cũng không hề có hành vi kỳ thị người khuyết tật.
Theo ông Sơn dẫn chứng đã có rất nhiều Tiktoker thời gian qua bị xử phạt hành chính liên quan đến việc đăng tải các nội dung phản cảm, độc hại. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, số lượng xử lý cũng như số tiền xử phạt còn nhỏ so với số tiền Tiktoker nhận được từ quảng cáo. Do vậy, bên cạnh việc thanh tra toàn diện, cần nghiên cứu để tăng cường xử lý cũng như nâng chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Mặt khác, yêu cầu TikTok cung cấp khả năng truy vết, siết chặt từ khóa, khóa chặn và truy vết tài khoản cố tình đăng tải thông tin xấu độc, tin giả, nội dung nhảm nhí trên nền tảng.
Phân tích về câu chuyện trên, Ông Sơn cũng cho rằng việc đúng sai đã có chế tài của pháp luật phân xử và xử lý. Điều đáng nói đó là những hành vi, ứng xử của phần đông “cư dân” mạng xã hội. Sự việc đẩy đi xa đến vậy, phần lớn là do “công” của cộng đồng mạng. Sự phát triển quá nhanh của các phương tiện truyền thông mới, với môi trường mạng xã hội được coi là thế giới ảo, cho phép con người được sống trong tình trạng ẩn danh. Mạng xã hội khiến người ta tiếp cận tin tức một cách cực nhanh, đồng thời cũng tạo cho người ta những phản ứng quá nhanh với các tin tức ấy mà chưa tư duy, cân nhắc.
Có thể hiểu, do quá nhanh, do chạy đua với thông tin, người ta phản ứng bằng cảm xúc dựa trên cảm tính nhiều hơn lý trí. Đây có thể là cơ chế tạo điều kiện cho người sử dụng mạng xã hội ảo tưởng quyền lực, tự cho mình có quyền của thẩm phán. Không ai nghĩ rằng, sở dĩ có chuyện những cá nhân “ngáo quyền lực” trên mạng xã hội, sở dĩ có những “content bẩn” là bởi do có sự cổ súy của cộng đồng mạng.
Ông Sơn, nhấn mạnh: “Trong xu thế hội nhập quốc tế, giới trẻ chủ động lựa chọn, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các nước trên thế giới để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù vậy, trong quá trình đó vẫn tồn tại hiện tượng tiếp nhận xô bồ mọi thứ gọi là “tân kỳ” của văn hóa ngoại lai mà không phân biệt hay-dở, tốt-xấu để đi đến chỗ lai căng, mất gốc về văn hóa. Sự thiếu chọn lọc thể hiện ở khía cạnh lạm dụng trong việc tiếp thu các sản phẩm văn hóa giải trí. Đó là sự lạm dụng trong các chương trình giải trí và quảng cáo trên những phương tiện truyền thông; lạm dụng hình thức biểu diễn của một số loại hình văn hóa đại chúng; lạm dụng việc tổ chức lễ hội; lạm dụng ca từ, hình ảnh trong những bài hát một cách sống sượng, phản cảm”.
Không thể phũ nhận rằng, Internet và các trang mạng xã hội đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, vì tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng…nếu biết khai thác, sử dụng hợp lý thì nó mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho thanh niên, ngược lại nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt. Sự nổi trội của các trang mạng xã hội là thông tin nhanh, nhiều, nhưng bị trộn lẫn giữa những thông tin tốt với thông tin xấu, thiếu tính định hướng thông tin, tư tưởng, không ai phải chịu trách nhiệm, không ai kiểm chứng.
Cũng theo ông Sơn khuyến nghị sự quan ngại lo lắng nhất hiện nay là nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung xấu độc, dụ dỗ, lôi kéo người tham gia như: phim ảnh khiêu dâm, lối sống trụy lạc, kích động bạo lực…Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết, làm cho họ sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ.
Ông Hồ Minh Sơn
Mong rằng, để xảy ra những chuyện như vậy, nên “tiên trách kỷ – hậu trách nhân” đối với hành vi ứng xử của mình trên mạng xã hội. Bởi rõ ràng lỗi sai này không chỉ của riêng ai. Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, gia đình cần kết hợp với nhà trường giáo dục các con kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường thực và môi trường mạng. Viện IMRIC sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) sẽ tăng cường các chương trình phổ biến pháp luật của Nhà nước về an ninh mạng để giúp trẻ em, người sử dụng mạng xã hội an toàn, góp phần tạo ra “hệ miễn dịch số” – yếu tố quan trọng nhằm bảo vệ, hỗ trợ giới trẻ tương tác lành mạnh và sáng tạo trên mạng xã hội.
Văn Hải – Hùng Cường