Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC): Làm sao lấy lại tài sản đang bị vợ cũ chiếm giữ – Không kết hôn có được đăng ký khai sinh cho con?
(HNTTO) – Vừa qua, một số doanh nhân và người dân đã gửi thư và điện thoại đến Viện Nghiên cứu thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) muốn được tham vấn pháp lý liên quan đến tài sản và hôn nhân gia đình. Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp như sau:
Điển hình, hai người chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, nay vợ chồng tôi có được đăng ký khai sinh cho con?. Đồng thời, sau ly hôn, tài sản tuy đã được hai bên thỏa thuận phân chia, nhưng một bên vẫn cố tình không giao lại. Vậy bên còn lại phải làm gì để lấy lại tài sản đã được thống nhất chia cho mình?
Làm sao lấy lại tài sản đang bị vợ cũ chiếm giữ?
Tài sản chung của vợ chồng có được sử dụng để kinh doanh không? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình: “Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật”.
Theo Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình, việc thỏa thuận chia tài sản chung chỉ có hiệu lực nếu thỏa thuận chia tài sản chung này không thuộc một trong các trường hợp quy định gồm: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Do thỏa thuận phân chia tài sản có xe ô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản (nếu có) nên thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng phải được công chứng. Ngoài ra, để xác lập quyền sở hữu riêng đối với tài sản thì cần phải tiến hành đăng ký quyền sở hữu đứng tên một mình ông tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ đó, mới đảm bảo các cơ sở pháp lý để ông có thể thực hiện quyền đối với chủ sở hữu tài sản.
Thoe khoản 2 Điều 164 của Bộ luật Dân sự quy định: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Cụ thể, để lấy lại tài sản là chiếc xe ô tô của ông một cách hợp pháp, ông có thể thực hiện một trong hai phương án sau: Một là, khởi kiện tại Tòa án cấp có thẩm quyền để đòi lại chiếc xe ô tô theo Điều 164, 166 Bộ luật Dân sự. Mặt khác, tố cáo tại cơ quan công an có thẩm quyền để Cơ quan Công an gửi thông báo yêu cầu vợ cũ của ông trả lại tài sản chiếm hữu trái phép. Trường hợp, vợ cũ của ông nhiều lần được Thông báo nhưng vẫn cố tình không trả lại xe và đủ các dấu hiệu cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo Điều 176 Bộ luật Hình sự, thì có thể bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không kết hôn có được đăng ký khai sinh cho con?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo điều 30 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định quyền được khai sinh, khai tử: Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh; chết phải được khai tử; trẻ em sinh ra mà sống được từ 24 giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới 24 giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
Do vậy, việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định. Theo đó, trẻ em sinh ra đều có quyền được khai sinh. Vì lẻ đó, trường hợp không có giấy đăng ký kết hôn vẫn có thể đăng ký khai sinh cho con.
Có thể thấy, chương trình tham vấn pháp lý qua thư và điện thoại của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC góp phần vào việc truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật hôn nhân, gia đình; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật phòng chống buôn bán người, bình đẳng giới; những tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; các quy định về xử phạt hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết, xây dựng nếp sống văn minh…
Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC mong muốn thông qua chương trình góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, công chức và Nhân dân về trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam; xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để xây dựng gia đình và xã hội ngày càng phát triển, văn minh, hạnh phúc./.
Kiên Cường – Tuấn Tú (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)