Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC, Giám đốc Trung tâm TTLCC: Người có hành vi như thế nào thì bị coi là đồng phạm – Làm gì ngăn chặn bạo lực giới trên mạng?
(HNTTO) – Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thành viên đã đến tham vấn pháp lý về những vấn đề được dư luận quan tâm. Dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu, Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã trả lời trực tiếp và qua mail cho doanh nghiệp…
Theo đó, việc xác định chính xác tội phạm có hay không có đồng phạm trong vụ án hình sự sẽ tránh được trường hợp bỏ lọt tội phạm trên thực tế cũng như trong xã hội. Đồng thời, trong khi mở ra cánh cửa cho sự kết nối toàn cầu và trao đổi thông tin, mạng xã hội cũng đi kèm nhiều thách thức, trong đó có vấn nạn bạo lực giới trên mạng.
Người có hành vi như thế nào thì bị coi là đồng phạm?
Ảnh minh hoạ
Trong thực tiễn tham dự các phiên toà xét xử, rất nhiều trường hợp vụ án có đồng phạm, việc xác định đúng vai trò đồng phạm, cụ thể xác định người thực hành, người giúp sức, người tổ chức, người xúi giục có ý nghĩa rất lớn trong công tác xét xử đồng thời, đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội….
Căn cứ tại khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) đã quy định có 04 loại người đồng phạm đó là: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức.
Người thực hành
Theo khoản 3 Điều 17 BLHS 2015 quy định: Hành vi trực tiếp thực hiện tội phạm có thể được biểu hiện như sau: Trường hợp thứ nhất: Trực tiếp thực hiện tội phạm thể hiện ở việc trực tiếp thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu hành vi trong mặt khách quan của tội phạm được quy định tại điều luật cụ thể Phần các tội phạm của BLHS. Người trực tiếp thực hiện tội phạm thông thường là người tự mình thực hiện hành vi được quy định là dấu hiệu hành vi trong cấu thành tội phạm. Người thực hiện hành vi có thể không sử dụng hoặc có sử dụng công cụ, phương tiện phạm tội tác động vào đối tượng phạm tội gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Trong đồng phạm, có thể có nhiều người thực hành. Những người này được gọi là là những người đồng thực hành. Đối với trường hợp này, không đòi hỏi mỗi người đều phải thực hiện toàn bộ hoạt động tạo nên hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm. Mỗi người thực hành có thể chỉ thực hiện một hoạt động, một phần thuộc hành vi khách quan của tội phạm. Tổng hợp các hoạt động của những người đó tạo nên hành vi khách quan của tội phạm.
Ở trường hợp thứ hai: Người trực tiếp thực hiện tội phạm còn có thể không tự mình thực hiện hành vi trực tiếp tác động đến đối tượng tác động của tội phạm mà có thể hành động tác động đến người khác để người đó thực hiện hành vi trực tiếp tác động đến đối tượng của tội phạm. Những người mà người phạm tội có thể tác động đến để thực hiện hành vi ý định phạm tội của mình bao gồm: Người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người không có năng lực trách nhiệm hình sự; Người không nhận thức được hành vi nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình (không có lỗi) hoặc có lỗi vô ý do nhận thức sai lầm hành vi của mình.
Người thực hành có thể trực tiếp thực hiện tội phạm bằng hành động cụ thể hành vi bị pháp luật cấm hoặc không thực hiện nghĩa vụ nào đó mà pháp luật yêu cầu phải làm và có đủ điều kiện để làm. Người thực hành là người giữ vai trò là trung tâm vụ đồng phạm. Bởi hành vi của người thực hành trực tiếp tác động đến đối tượng, gây thiệt hại cho các quan hệ xã hộ là khách thể trực tiếp của tội phạm. Xác định người thực hành trong vụ đồng phạm có ý nghĩa trong việc định tội, quyết định hình phạt, giải quyết các vấn đề khác có liên quan đến trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm và vụ án đồng phạm.
Người tổ chức
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Trên thực tế cho thấy, người tổ chức có thể chỉ giữ vai trò là người cầm đầu hoặc chủ mưu hoặc chỉ huy nhóm đồng phạm, nhưng cũng có thể họ vừa chủ mưu, cầm đầu, vừa chỉ huy nhóm đồng phạm thực hiện tội phạm. Trong số những người đồng phạm, người tổ chức thường được coi là người nguy hiểm nhất. Do vậy, hình thức đối với người tổ chức thường nghiêm khắc hơn những người đồng phạm khác. Phản ánh tính nguy hiểm cao của người đồng phạm với vai trò người tổ chức, Điều 3 BLHS quy định nguyên tắc xử lý là “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối,…”.
Người xúi giục
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người có hành vi tác động đến ý thức, tư tưởng của người khác làm cho người bị xúi giục thực hiện tội phạm. Người xúi giục có thể là người đã nghĩ ra việc phạm tội và đã xúi giục người khác tham gia vào việc phạm tội đó. Cũng có thể người xúi giục chỉ có hành vi kích động, thúc đẩy người khác vố đã có ý định phạm tội nhưng chưa thực hiện tội phạm để họ đưa ra quyết định thực hiện tội phạm trên thực tế. Người xúi giục có thể vừa xúi giục người khác thực hiện tội phạm vừa trực tiếp tham gia thực hiện tội phạm với người bị xúi giục.
Điển hình, hành vi xúi giục phải trực tiếp, nghĩa là phải trực tiếp tác động vào một hoặc một số người nhất định nhằm gây ra một tội phạm nhất định. Những lời kêu gọi, hô hào chung chung, không hướng tới những người xác định, không trực tiếp nhằm thực hiện một tội phạm nhất định thì không phải là hành vi xúi giục; Hành vi này phải cụ thể, nghĩa là phải hướng tới việc thực hiện một tội phạm nhất định. Việc truyền bá, phổ biến những tư tưởng xấu cho một người hoặc một số người khiến những người này đi vào con đường phạm tội phải là hành vi xúi giục trong đồng phạm; Lỗi phải là lỗi cố ý trực tiếp.
Người giúp sức
Người giúc sức là người tạo ra điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Người giúp sức là tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người đồng phạm khác thực hiện tội phạm. Nói cách khác, trong đồng phạm, người giúp sức có thể thực hiện hành vi giúp sức về vật chất hoặc giúp sức về tinh thần cho những người đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội: Giúp sức về vật chất có thể được biểu hiện ở những hành vi cụ thể, như cung cấp công cụ, phương tiện cho người khác, loại bỏ, khắc phục những khó khăn, trở ngại… để tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hành thực hiện tội phạm; Giúp sức về tinh thần có thể được biểu hiện ở việc đưa ra những chỉ dẫn, góp ý kiến, cung cấp sơ đồ nơi gây án, tình hình, quy luật hoạt động của nhân viên bảo vệ, của chủ nhà… Hành vi giúp sức về tinh thần tạo cho người thực hành có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tội phạm và củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm của người đó; Hành vi giúp sức có thể được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động.
Hành vi giúp sức về tinh thần khác hành vi xúi giục trong đồng phạm ở chỗ: Hành vi xúi giục là hành vi tác động đến ý chí người khác chưa có ý định phạm tội hoặc có ý định phạm tội nhưng chưa quyết định thực hiện tội phạm, với ý thức làm cho người bị xúi giục quyết định thực hiện hành vi phạm tội. Còn hành vi giúp sức về tinh thần không có ý nghĩa thúc đẩy người khác quyết định thực hiện tội phạm (người khác đã tự quyết định thực hiện tội phạm rồi) mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi, củng cố thêm quyết tâm phạm tội của người được giúp sức khi thực hiện phạm tội.
Phân loại tội phạm
Căn cứ vào đặc điểm mối quan hệ giữa những người đồng phạm về mặt chủ quan và khách quan, khoa học hình sự phân loại đồng phạm thành các loại khác nhau.
Phân loại theo dấu hiệu khách quan
Căn cứ vào dấu hiệu khách quan thì có thể chia thành đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp: Đồng phạm giản đơn là hình thức đồng phạm mà trong đó những đồng phạm đều có vai trò là người thực hành. Trong hình thức đồng phạm, những người đồng phạm được gọi là những người đồng thực hành. Tất cả những người đồng phạm đều trực tiếp thực hiện tội phạm, nghĩa là thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu hành vi trong mặt khách quan của tội phạm được quy định tại điều luật của BLHS. Họ có thể thực hiện toàn bộ những hành vi khách quan của tội phạm hoặc họ chỉ thực hiện một phần trong hành vi khách quan của tội phạm; Đồng phạm phức tạp là hình thức đồng phạm trong đó giữa những người đồng phạm có sự phân công vai trò. Một hoặc một số người giữ vai trò người thực hành, còn những người khác giữ vai trò tổ chức, xúi giục hay giúp sức. Trong đồng phạm phức tạp, ngoài người giữ vai trò là người thực hành, là người trực tiếp thực hiện tội phạm còn có những người khác tham gia giữ các vai trò khác nhau: tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức….
Phân loại theo dấu hiệu chủ quan
Có thể chia thành: Đồng phạm có thông mưu trước và đồng phạm không có thông mưu trước: Đồng phạm không có thông mưu trước là hình thức đồng phạm mà trong đó giữa những người cùng thực hiện tội phạm không có sự bàn bạc, thỏa thuận trước với nhau hoặc thỏa thuận, bàn bạc nhưng không đáng kể; Hình thức đồng phạm này thường có trong những trường hợp những người đồng phạm gặp nhau, nảy sinh ý định phạm tội và bắt tay luôn vào thực hiện tội phạm. Một số trường hợp khi tội phạm đang do một người thực hiện lại có thêm người khác cùng tham gia tiếp tục thực hiện tội phạm. Đồng phạm không có thông mưu trước là hình thức đồng phạm trong đó những người đồng phạm có sự bàn bạc, thỏa thuận trước về việc cùng thực hiện tội phạm. Do có sự bàn bạc, thỏa thuận trước nên khả năng gây nguy hại của loại đồng phạm không có thông mưu trước. Cho nên, với những điều kiện khác giống nhau, hình thức đồng phạm có thông mưu trước thường được đánh giá có mức độ nguy hiểm cao hơn so với hình thức đồng phạm không có thông mưu trước.
Phạm tội có tổ chức
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 BLHS 2015 thì: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Từ định nghĩa trên thì ngài các dấu hiệu của đồng phạm nói chung, phạm tội có tổ chức, có dấu hiệu đặc trưng là “có sự câu kết chặt chẽ” giữa những người cùng thực hiện tội phạm.Phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm nên để xác định trường hợp cụ thể nào đó có thể là phạm tội có tổ chức, trước hết phải xác định trường hợp đó thỏa mãn dấu hiệu dồng phạm nói chung.
Trong các trường hợp đồng phạm, những người phạm tội thường có bàn bạc trước và có sự phân công thực hiện tội phạm, nhưng không phải bất cứ trường hợp nào có bàn bạc trước và có sự phân công thực hiện tội phạm cũng đều là phạm tội có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức phải có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.Phạm tội có tổ chức có các dấu hiệu của đồng phạm chung và có thêm dấu hiệu “có sự câu kết chặt chẽ” giữa những người thực hiện.
Để phân biệt phạm tội có tổ chức với những trường hợp đồng phạm khác, ngày 16/11/1988, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02-HĐTP/NQ hướng dẫn một số biểu hiện của sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm trong trường hợp phạm tội có tổ chức. Nghị quyết nêu rõ trong thực tế, sự câu kết này có thể thể hiện dưới các dạng: Những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức phạm tội như: đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm, cướp… có những tên chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi tổ chức phạm tội không có những tên chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội. Thí dụ: sau khi đã hết hạn tù, một số tên chuyên trộm cắp đã tập hợp nhau lại và thống nhất cùng nhau tiếp tục hoạt động phạm tội; Những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước. Thí dụ: một số nhân viên nhà nước đã thông đồng với nhau tham ô nhiều lần; một số tên chuyên cùng nhau đi trộm cắp; một số tên hoạt động đầu cơ, buôn lậu có tổ chức đường dây để nắm nguồn hàng, vận chuyển, thông tin về giá cả…; Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần, nhưng đã tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kỹ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện hoạt động và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm. Thí dụ: Trong các trường hợp trộm cắp, cướp tài sản của công dân mà có phân công điều tra trước về nơi ở, quy luật sinh hoạt của gia đình chủ nhà, phân công chuẩn bị phương tiện và hoạt động của mỗi người đồng phạm; tham ô mà có bàn bạc trước về kế hoạch sửa chữa chứng từ sổ sách, hủy chứng từ, tài liệu hoặc làm giả giấy tờ; giết người mà có bàn bạc hoặc phân công điều tra sinh hoạt của nạn nhân, chuẩn bị phương tiện và kế hoạch che giấu tội phạm…”.
Ông Hồ Minh Sơn phúc đáp cho doanh nghiệp
Do có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm nên trường hợp phạm tội có tổ chức có nhiều khả năng gây ra những hậu quả nguy hại rất lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội. Trong một số tội phạm, tinh tiết phạm tội có tổ chức được quy định là dấu hiệu của cấu thành tội phạm tăng nặng (tình tiết định khung hình phạt tăng nặng) trong BLHS 2015.
Có thể tham khảo: tội “Giết người” (điểm o khoản 1 Điều 123); tội “Hiếp dâm” (điểm a khoản 2 Điều 141); tội “Cướp tài sản” (điểm a khoản 2 Điều 168); tội “Trộm cắp tài sản” (điểm a khoản 2 Điều 173),… Ngoài ra, phạm tội có tổ chức còn được coi là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm a khoản 1 Điều 52).
Làm gì ngăn chặn bạo lực giới trên mạng?
Cyberbullying (đe dọa qua mạng) là thuật ngữ đề cập đến các hành vi đe dọa, bắt nạt lặp đi lặp lại được thực hiện thông qua các nền tảng mạng xã hội. Tình trạng này phổ biến ở trẻ vị thành niên, người trẻ tuổi và có thể để lại những hậu quả nặng nề nếu không biết cách vượt qua.
Internet bắt đầu xuất hiện vào năm 1974 nhưng chỉ mới thực sự bùng nổ vào thế kỷ 21. Cùng với sự xuất hiện của internet là sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, kết quả là tạo ra các nền tảng mạng xã hội gắn kết tất cả mọi người. Mạng xã hội ít khi bị giới hạn bởi lãnh thổ, vị trí địa lý và đề cao tính riêng tư của người dùng nên rất được ưa chuộng.
Thế nhưng, sự phát triển vượt bậc này cũng đi kèm với nhiều hệ lụy bao gồm cả Cyberbullying (đe dọa qua mạng). Cyberbullying được hiểu là các hành vi đe dọa, bắt nạt qua các nền tảng mạng xã hội hoặc có thể qua tin nhắn điện thoại. Các hành vi tiêu cực này gây ra sự tổn thương nhất định về mặt tinh thần cho nạn nhân.
Sự ra đời của internet và các nền tảng mạng xã hội chính là bước đột phá vĩ đại trong thế kỷ 20 – 21.Các nền tảng mạng xã hội chính là nơi để mọi người gắn kết với nhau và dễ dàng liên lạc mà không bị giới hạn bởi lãnh thổ hay vị trí địa lý. Ngoài ra, mạng xã hội còn giúp tiếp cận nhanh chóng với các tin tức mới, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kết bạn,…Bên cạnh những lợi ích mang lại, sự phát triển vượt bậc của các nền tảng số cũng đi kèm với không ít vấn đề. Trong đó, Cyberbullying là tình trạng phổ biến nhất hiện nay. Trước khi đây internet chưa phát triển, các hành vi bắt nạt sẽ được thực hiện trực tiếp.
Trong đời sống thông thường, người ta có thể bắt gặp bạo lực giới dưới nhiều hình thức: Sự nhục mạ, chửi bới, xúc phạm thân thể, phân biệt nam nữ, bủa vây về tinh thần, phong tỏa về kinh tế… đối với người khác giới yếu thế hơn mình. Còn trên internet, bạo lực giới thể hiện dưới nhiều hình thức như tung tin đồn, kỳ thị đến quấy rối trực tuyến và xâm phạm quyền riêng tư, phân biệt đối xử hướng đến những khác biệt về giới tính. Những hành động này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của nạn nhân mà còn góp phần tạo ra một môi trường trực tuyến độc hại và không an toàn.
Điều đáng nói là những năm qua, bạo lực giới đang xuất hiện nhan nhản, tràn lan trên mạng xã hội, phổ biến đến mức đôi khi người ta khó lòng nhận diện được nó. Cụ thể, một cô gái trẻ đã bức xúc lên tiếng trước một thực trạng không hay thường diễn ra trên mạng xã hội, đó là trên các hội, nhóm trực tuyến, khi có những cô gái Việt công khai khoe bạn trai hoặc chồng nước ngoài, lập tức liên tục có những bình luận rất khiếm nhã xoay quanh chuyện tình dục nhằm hướng đến chỉ trích người phụ nữ Việt “sính ngoại”.
Ảnh minh hoạ
Qua đó, việc tấn công giới tính trên mạng thường hướng đến những đối tượng yếu thế, như phụ nữ, trẻ em, người đồng tính. Đã không ít lần, người ta bắt gặp những bình luận cực kì thô tục, bậy bạ khi một cô gái đăng ảnh có chút gợi cảm lên mạng. Chủ nhân những tấm ảnh ấy không chỉ bị gạ gẫm mà còn bị phân tích chê bai các bộ phận cơ thể, nói xấu về nhân phẩm, hình ảnh được chia sẻ tràn lan với những lời nói thiếu tôn trọng.
Mặt khác, kể cả những nạn nhân của các vụ việc bị xâm hại, khi sự việc được đăng tải trên mạng xã hội, cũng là lúc những cuộc tấn công nhằm vào giới tính bắt đầu. Trên không gian mạng họ cho rằng, nạn nhân bị xâm hại là bởi ăn mặc thiếu đứng đắn, hoặc cố tình “câu dẫn” hung thủ, hoặc không chịu phản kháng đúng mực…Trong khi đó, đối với những người thuộc “giới tính thứ ba”, cho dù giờ đây xã hội đã có những suy nghĩ cởi mở và tiếp nhận sự khác biệt về giới, thế nhưng trên mạng xã hội, nạn bắt nạt giới vẫn không hề suy giảm. Những người công khai giới tính thật của mình, cho dù là người nổi tiếng hay không, vẫn đứng trước những lời xúc phạm, đe dọa của một bộ phận cư dân mạng.
Mặc dù được coi là giới tính mạnh mẽ, ít phải chịu những hậu quả do bất bình đẳng giới gây ra, nhưng không phải vì thế mà nam giới không bị bạo lực giới trên mạng. Bạo lực giới trên mạng dành cho nam giới có rất nhiều hình thức, đó là việc người nam bị “ném đá” khi không có được sự “chuẩn men” như quan niệm của số đông, hoặc không thể hiện được bản lĩnh đàn ông ở những tình huống nhất định, hay lựa chọn phong cách thời trang phi giới tính…
Hiện nay, bạo lực giới trên mạng cũng trở nên hết sức tinh vi, lắt léo khi không còn giới hạn trong những cuộc tấn công, những lời chửi bới, bình luận khiếm nhã hay xâm phạm đời tư cá nhân mà “ẩn nấp” trong những nội dung khác, tưởng chừng “vô hại”.
Trên không gian mạng, không khó để bắt gặp những video clip hài hước trong đó nhân vật nam giả gái một cách lố lăng, hay các video có nội dung phóng đại những tính cách không hay của phụ nữ, đem thân thể phụ nữ ra để cợt nhả. Ngoài ra, còn có các tiểu phẩm hài tình huống thường cho các nhân vật đóng vai giới tính thứ ba, mô phỏng cách ăn nói, đi đứng của họ qua lăng kính giễu nhại, lố lăng. Những trường hợp này không chỉ xuất hiện trên các clip đùa cợt mà xuất hiện hẳn trên những gameshow truyền hình danh tiếng với hàng triệu khán giả xem. Cần khẳng định là, đó cũng là “bạo lực giới” một cách hết sức tinh vi, khó nhận thấy rõ.
Cùng với đó, có những cách bạo lực khó nhận biết khác “núp bóng” các chuẩn mực xã hội như chuẩn mực về đạo đức, ngoại hình, hành xử…Những cách thức tinh vi này dần dà “thao túng tâm lý” người dùng mạng, khiến cho họ chấp nhận nó như một điều bình thường, khiến cho nạn nhân của bạo lực giới trên mạng cũng không nhận ra rằng mình đang bị xâm hại đến nhân phẩm, quyền lợi. Chính bản thân người yếu thế, là nạn nhân đôi khi cũng tham gia vào những cuộc bắt nạt giới tính trên mạng hướng đến các nạn nhân khác. Vì lẻ đó, bạo lực giới trên mạng cũng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, biến ảo khôn lường và đe dọa đến an nguy của mọi người, mọi giới.
Trong tháng 10/2023 vừa qua, ông Matt Jackson – Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã chia sẻ tại Khóa tập huấn nâng cao về Quản lý ca hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới: “Bạo lực kỹ thuật số cũng là bạo lực. Tất cả không gian, dù là thế giới ảo hay thực, phải an toàn và không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng ta có thể khẳng định quyền cơ thể của mình và chấm dứt tình trạng xâm hại trực tuyến”.
Như vậy, bạo lực giới không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cá nhân mà còn tạo nền tảng cho sự phân biệt đối xử và bất công trong xã hội, và nền tảng trực tuyến càng giúp cho phạm vi của bạo lực giới trở nên mênh mông hơn, hậu quả cũng nặng nề hơn. Bạo lực giới trực tuyến có thể kéo ghì những thành tựu của đấu tranh cho bình đẳng giới, tác động tiêu cực đến đời sống. Bên cạnh đó, có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, tăng tỷ lệ tự tử và ảnh hưởng đến sự nghiệp và mối quan hệ xã hội của nạn nhân.
Như vậy, việc ngăn chặn bạo lực giới không thể bỏ qua việc đấu tranh trên không gian mạng. Điều này cần đến nhiều chiến lược cần và đủ, như là sự tăng cường truyền thông trên mạng xã hội, nâng cao giáo dục nhận thức, và cả chế tài pháp luật cho hành vi vi phạm. Điều này, rất cần đến sự nỗ lực của các bên như các tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp chung tay đóng góp vào việc xây dựng môi trường an toàn trực tuyến. Trong đó, bao gồm việc thiết lập các chính sách an toàn, công nghệ lọc và giám sát để ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực giới trực tuyến.
Theo tìm hiểu của Viện IMRIC và Viện IRLIE từ Trung tâm Đổi mới Quản trị quốc tế (CIGI), năm2023 có hơn 18.000 người trên toàn cầu, gần 60% tất cả những người tham gia không gian mạng từng trải qua một số hình thức gây hại trực tuyến. Gần 25% trong số họ bị nhắm đến vì bản dạng giới của mình. Những người được hỏi đã trải qua bạo lực trên không gian mạng và là người chuyển giới hoặc đa dạng giới, có 30% báo cáo những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, bao gồm cả mong muốn sống. Nghiên cứu của UNFPA cho thấy, gần 30% phụ nữ báo cáo gặp những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, 23% cảm thấy không còn có thể tham gia trực tuyến tự do sau khi trải qua bạo lực giới trên không gian mạng, ngôn ngữ bạo lực và kỳ thị phụ nữ ngày càng tăng trên mạng xã hội trên khắp thế giới.
Do đó, việc các nạn nhân khi gặp phải nạn bạo lực trên cần trình báo với cơ quan chức năng là cách để tự bảo vệ chính mình và ngăn chặn các hành vi này tiếp diễn tương tự với người khác. Ngay khi có tin nhắn đe dọa từ đối tượng xấu, các nạn nhân nên trình báo ngay với công an để tránh đối tượng tiếp tục có những hành vi nghiêm trọng hơn.
Cyberbullying (đe dọa qua mạng) gây ra nhiều ảnh hưởng về tâm lý, thể chất và làm giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, khi tham gia các nền tảng mạng xã hội, bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tránh khỏi những phiền toái này. Ngoài ra, gia đình cũng cần có sự quan tâm để kịp thời phát hiện con trẻ là nạn nhân của Cyberbullying.
Mạng xã hội có rất nhiều ích lợi. Nhưng dù thế nào, không thể phủ nhận mạng xã hội cũng xuất hiện không ít tác hại. Thông qua việc trả lời hai vấn đề trên, Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm luôn mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh phải thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, ngừoi dùng mạng xã hội phái thông minh, làm nhà thông thái thì sẽ mang lại hiệu quả cao không trở thành nạn nhân của nó.
Tin rằng, thông qua chương trình giải đáp nhằm tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân hoạt động kinh doanh luôn phát triển, sử dụng mạng an toàn, hiệu quả để lan toả thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp, sản phẩm đến bạn bè quốc tế…
Văn Hải – Trần Danh