Nghiên cứu trao đổiXã hội

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm: Lập di chúc cần bao nhiêu người làm chứng – Nghỉ việc trước khi sinh con, hưởng chế độ thai sản thế nào?

(HNTTO) – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được thư của người dân và công nhân của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thành viên nói riêng. Theo đó, nêu những thắc mắc liên quan đến việc lập di chúc, chế độ nghĩ dưỡng thai sản…Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau:

Di chúc là văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng và sự định đoạt di sản thừa kế của người chết. Để di chúc được công nhận là hợp lệ thì có bắt buộc phải có người làm chứng không? Lập di chúc cần mấy người làm chứng? Ai được làm chứng?. Đồng thời, chế độ thai sản mang đến cho người lao động nữ sinh con nhiều lợi ích thiết thực. Vậy trong trường hợp lao động đang mang thai nghỉ việc có được hưởng chế độ thai sản hay không? Và điều kiện hưởng là gi?

Lập di chúc cần bao nhiêu người làm chứng?

Ảnh minh hoạ

Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015, di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Với di chúc lập bằng văn bản, hiện nay có bốn dạng: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Trong đó, mỗi dạng di chúc sẽ có những quy định riêng. Trường hợp bạn đọc muốn lập di chúc bằng văn bản và cần có người làm chứng thì sẽ căn cứ Điều 631, 632 và 634 Bộ luật Dân sự 2015. Điển hình, người lập di chúc có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng.

Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng, những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Như vậy, nếu bạn đọc muốn lập di chúc bằng văn bản cần có hai người làm chứng trở lên.

Mặc dù vậy, người làm chứng di chúc có thể là tất cả mọi người, ngoại trừ những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Nghỉ việc trước khi sinh con, hưởng chế độ thai sản thế nào?

Ảnh minh hoạ 

Căn cứ theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Về hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con quy định tại Khoản 1 Điều 101 Luật BHXH như sau: Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con; Bản sao Giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao Giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết; Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh; Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai.

Cũng theo Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định: Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH nơi cư trú.

Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin trả lời về tình huống giả định như sau: Trường hợp sinh con vào tháng 9/2023 thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định là khoảng thời gian từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2023. Nếu có từ đủ 6 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên hoặc có từ đủ 3 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên và trong thời gian mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con…

Trung tâm Tư vấn pháp luật Toàn Tâm đã làm tốt nhiệm vụ và trong năm 2024 sẽ tổ chức Chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, học sinh sinh viên và ngừoi lao động nhằm thực hiện mô hình “Pháp luật với cộng đồng dân cư”, “Pháp luật và sức khoẻ với học đường”…Đây là mô hình do Trung tâm Tư vấn pháp luật thực hiện với mong muốn tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng cho mọi người dân trong việc tiếp cận, chấp hành các quy định của pháp luật. Bằng nhiều hình thức để mọi người dân tích lũy thêm cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết, đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác đối với tội phạm trộm cắp tài sản, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, góp phần vào công tác phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh, trật tự…

Cùng với đó, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về hậu quả khôn lường của vấn nạn bạo lực học đường, giúp học sinh nhận diện được các hành vi bạo lực về tinh thần và bạo lực trên không gian mạng, qua đó biết cách bảo vệ bản thân trước hành vi bạo lực, bắt nạt. Mặt khác, góp phần phòng, chống bạo lực học đường trong môi trường giáo dục hiện nay.

Trung tâm Tư vấn pháp luật Toàn Tâm là đơn vị được Viện IMRIC và Viện IRLIE giao thực hiện chức năng xã hội của mình thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cộng đồng. Với nguồn lực các chuyên gia, nhà khoa học, chuyên gia pháp lý có năng lực chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, đào tạo, năng động, nhiệt huyết…Tin rằng, Trung tâm thực hiện luôn nhận được sự đánh giá cao và tích cực từ các cơ quan, đơn vị phối hợp bởi nội dung mang tính thời sự, thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội, hình thức thực hiện chương trình đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng tuyên truyền. Song song đó, công tác tổ chức luôn được quan tâm đầu tư chỉn chu, chuyên nghiệp, từ đó thu hút được sự quan tâm theo dõi của những người tham gia…

Trần Danh – Tuấn Tú (CTV TVV pháp luật thuộc Trung tâm TTLCC)

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button