Khoa học công nghệSức khỏe

Tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường trên sức khỏe giấc ngủ

(HNTTO) – Trong hai ngày 30/11 – 02/12/2023, tại Trường Đại học Công Nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học và Triển lãm với chủ đề “Tác động của khí hậu và môi trường đến hoạt động thể chất và giấc ngủ”; Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Đại học Portsmouth Vương Quốc Anh, Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, các chuyên gia của Đại học Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Fullbright Việt Nam, Đại học VinUni và các Viện trường trong cả nước. Đặc biệt Hội thảo và Triển lãm cũng là một trong những hoạt động nhằm Kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam và Vương Quốc Anh, dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Bà Donna McGowan (hàng thứ hai, chính giữa), Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng các báo cáo viên và đại biểu.

Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam – GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển Nhân lực Việt Nam, đã tham dự và báo cáo chủ đề về “Mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường với rối loạn giấc ngủ”.

Vai trò quan trọng của giấc ngủ trong đời sống con người

Bằng chứng khoa học đã khẳng định tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe con người. Thật vậy, kết quả các nghiên cứu kéo dài trong nhiều thập kỷ qua đã ghi nhận tác động xấu của chất lượng kém và ngủ không đủ giấc đối với một loạt vấn đề sức khỏe ở mọi lứa tuổi, bao gồm tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ, thoái hóa thần kinh cũng như suy giảm chức năng miễn dịch.

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây thiếu ngủ và mất ngủ (gọi chung là rối loạn giấc ngủ) như là sự lo lắng, tình trạng căng thẳng (stress), làm việc hay học tập quá mức vào buổi tối, sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng kéo dài về đêm, thói quen sử dụng các chất kích thích trước khi ngủ (rượu bia, trà, cà phê, thuốc lá), tình trạng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ, hoặc làm việc theo ca kíp về đêm. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân này, rối loạn giấc ngủ gây ra do các yếu tố tác động từ bên ngoài môi trường sống như biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, vẫn chưa được hệ thống y tế, các nhà môi trường và cộng đồng quan tâm đúng mức.

GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam báo cáo tại Hội thảo.

Mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và rối loạn giấc ngủ

Hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu trên toàn cầu là làm cho trái đất nóng lên dần trong nhiều thập kỷ qua và trong tương lai. Khi trái đất nóng lên quá nhanh, nhiệt độ về đêm sẽ tăng lên và làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ vì trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể về đêm không thích ứng kịp thời với những thay đổi nhiệt độ môi trường theo hướng có hại. Bằng chứng khoa học cho thấy nhiệt độ nóng bất thường trong đêm sẽ dẫn đến mất ngủ, giấc ngủ không sâu và không ngon giấc, gây mệt mỏi trong ngày và tăng các biến cố hô hấp, tim mạch ở những người có bệnh nền. Đây cũng chính là lý do nhiều gia đình phải sử dụng máy điều hòa, quạt vào ban đêm và các phương tiện khác để làm giảm nhiệt độ trong đêm để có được giấc ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, những người có thu nhập thấp sẽ phải bị rối loạn giấc ngủ nhiều hơn những người có thu nhập cao do không có điều kiện để trang bị các phương tiện như máy điều hòa hay hệ thống quạt vì việc tiêu thụ điện của các hệ thống này suốt đêm sẽ làm tăng gánh nặng về tài chính.

Kết quả các nghiên cứu của nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy rằng nếu tình trạng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu không chậm lại vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ môi trường tăng cao về đêm có thể gây ra hiện tượng mất ngủ hàng tỷ đêm mỗi năm. Trong những thập niên qua, nhiệt độ trái đất đã tăng dần 0,20C mỗi thập niên và sẽ tăng thêm 1,50C vào năm 2026. Bên cạnh tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu lên giấc ngủ thông qua sự gia tăng nhiệt độ về đêm, biến đổi khí hậu còn có thêm những tác động xấu đối với môi trường và các hệ sinh thái, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Tác động cụ thể của sự gia tăng nhiệt độ và thời tiết thay đổi do biến đổi khí hậu đối với giấc ngủ là làm cho thời gian ngủ giảm đi do gián đoạn giấc ngủ, gây khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ sâu. Người cao tuổi, phụ nữ và người sống trong những hộ gia đình có thu nhập thấp chịu sự ảnh hưởng cao nhất về mối quan hệ giữa tăng nhiệt độ ban đêm do biến đổi khí hậu và giấc ngủ kém chất lượng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, chất lượng sống và tuổi thọ.

Do vậy, tác động hiển nhiên và tiềm ần đối với giấc ngủ của biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai, làm nhiệt độ ban đêm ngày càng nóng hơn, sẽ càng làm xói mòn thêm giấc ngủ của con người. Bên cạnh đó, những rủi ro sức khỏe cộng đồng của những người không ngủ đủ giấc và chất lượng giấc ngủ kém là rất lớn vì đi kèm với nguy cơ gia tăng các ứng xử tiêu cực về hành vi, học tập và phát triển thể chất (ở trẻ em), hiệu suất và năng suất lao động (ở người lớn), tai nạn lao động và tai nạn giao thông, cùng với các hệ lụy về xã hội và kinh tế. Việc phòng chống biến đổi khí hậu nhằm giải quyết tác động tiêu cực về đêm của nhiệt độ môi trường tăng lên đối với giấc ngủ của con người có thể là một biện pháp can thiệp sớm hiệu quả nhằm giảm tác động bất lợi về hành vi liên quan đến việc ngủ không ngủ đủ giấc và giảm thiểu việc sử dụng các dịch vụ y tế cho việc chăm sóc sức khỏe giấc ngủ.

Mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và rối loạn giấc ngủ

Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đang ở mức báo động. Theo thống kê, hơn 90% dân số thế giới sống ở những nơi vượt quá ngưỡng không khí sạch, có nghĩa là môi trường bị ô nhiễm. Hiện tượng này càng trở nên tồi tệ hơn với tốc độ đô thị hóa thiếu kiểm soát và tình trạng biến đổi khí hậu tăng nhanh. Ô nhiễm không khí chủ yếu xuất phát từ khí thải xe cộ, khí thải từ các nhà máy và các khu công nghiệp, phân bón và hóa chất dùng trong trồng trọt, khí đốt từ các nguyên liệu sinh khối (than đá, củi, rơm rạ…). Không khí bị ô nhiễm do bởi một hỗn hợp phức tạp của các hạt cực nhỏ thường được phân loại là hạt vật chất (PM), bao gồm hạt siêu mịn (<1 μm – PM1), hạt mịn (<2,5 μm – PM2.5), hạt thô (<10 μm – PM10), cacbon đen và các chất ô nhiễm dạng khí khác như là oxít nitrít (NOx), oxit lưu huỳnh (SOx) và ozon (O3).

PGS.TS. Mai Anh Tuấn – Đại học Công Nghệ, báo cáo chủ đề về công nghệ cảm biến và học máy trong chẩn đoán ngưng thở khi ngủ.

Bằng chứng khoa học đã chứng minh có mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và rối loạn giấc ngủ ở trẻ em và người trưởng thành. Việc tiếp xúc thường xuyên với môi trường không khí bị ô nhiễm bởi các hạt bụi mịn (PM 2.5), khói, khí thải độc hại gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe giấc ngủ ở mọi lứa tuổi. Thậm chí phụ nữ mang thai sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm bởi các hạt bụi mịn cũng gây ra rối loạn giấc ngủ cho cả mẹ và cho trẻ sơ sinh từ giai đoạn bào thai cho đến lúc chào đời. Do vậy, sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm tạo nên một gánh nặng sức khỏe cho trẻ em và người trưởng thành.

Bên cạnh nhận thức ngày càng tăng về tác động bất lợi của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe hô hấp, mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và rối loạn giấc ngủ ngày càng được quan tâm nhiều hơn ở các nước phát triển. Những bằng chứng mới đây cũng đã khẳng định hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí đối với chứng bệnh ngủ ngáy và ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA). Các đánh giá hệ thống được công bố gần đây cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa giữa mức độ ô nhiễm không khí cao và nguy cơ bị rối loạn thở khi ngủ (bao gồm cả OSA) ở trẻ em và người lớn. Đặc biệt chứng bệnh ngủ ngáy – ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ đã ảnh hưởng đến gần một tỷ người trên toàn cầu và khoảng 4 triệu người Việt Nam. Đây là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi những cơn xẹp không liên tục và hoàn toàn  (ngưng thở) hoặc xẹp một phần (giảm thở) của vùng hầu họng lặp đi lặp lại nhiều lần khi ngủ, dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn và không phục hồi sức khỏe khi thức giấc; hậu quả làm cho chất lượng giấc ngủ kém, buồn ngủ ban ngày quá mức, suy giảm khả năng tập trung. Ngủ ngáy và ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ cũng đã được công nhận là yếu tố nguy cơ  của các biến chứng tim mạch, tăng huyết áp, trầm cảm và rối loạn chuyển hóa đường và mỡ.

GS.TS. Raymond Lee, GS.TS. Leila Choukroune, GS.TSKH. Dương Quý Sỹ cùng với các chuyên gia thảo luận xây dựng đề án nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường trên sức khỏe giấc ngủ tại Việt Nam và Vương Quốc Anh. 

Tóm lại, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với rối loạn giấc ngủ ở mọi lứa tuổi và là gánh nặng cho sức khỏe cộng đồng. Do vậy, mỗi địa phương và từng quốc gia cần phải có những giải pháp thiết thực và chính sách phù hợp để giảm thiểu những tác động bất lợi của quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa lên biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, gây những tác động bất lợi lên sức khỏe giấc ngủ vì giấc ngủ là tối cần thiết cho sức khỏe”./.

GS.TSKH. Dương Quý SỹChủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button